Việc nghiên cứu chi tiết về khả năng thu hút thiên địch và làm giảm mật số các loài sâu hại chính trên ruộng lúa có bờ trồng hoa và không trồng hoa là như thế nào? Loài thiên địch nào hiện diện nhiều trong ruộng có bờ trồng hoa? Bờ trồng hoa có tác dụng hạn chế sự gây hại của rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ hại lúa không? Khoảng không gian thiên địch hoạt động hiệu quả từ bờ hoa vào ruộng lúa là bao xa?
Để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc nêu trên, nhằm cung cấp thêm cơ sở khoa học của việc áp dụng mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng lúa, được sự đồng ý của Sở KH-CN An Giang và UBND huyện An Phú, Trạm BVTV huyện An Phú thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của bờ trồng hoa đến mật độ sâu hại và thiên địch trên ruộng lúa vụ đông xuân 2015-2016 tại xã Vĩnh Lộc”.
Bằng phương pháp bố trí thí nghiệm diện rộng, mỗi thí nghiệm được bố trí trên diện tích 5ha với 4 thí nghiệm trên bờ có trồng hoa và bờ không trồng hoa (đối chứng), để làm rõ các nội dung cần nghiên cứu của đề tài, kết quả đạt được như sau:
Thí nghiệm so sánh thành phần, mức độ phổ biến của sâu hại và thiên địch trên ruộng có bờ trồng hoa và ruộng đối chứng không trồng hoa trên bờ. Kết quả trên ruộng lúa có bờ trồng hoa áp dụng “1 phải 5 giảm”, thành phần sâu hại là 6 loài, giảm 1 loài so với ruộng lúa có bờ không trồng hoa áp dụng “1 phải 5 giảm” (đối chứng 7 loài). Mức độ phổ biến của sâu hại trên ruộng có bờ trồng hoa cũng thấp hơn ruộng đối chứng.
Ngược lại, thiên địch trên ruộng có bờ trồng hoa lại đa dạng và phổ biến hơn ruộng có bờ không trồng hoa. Trên ruộng có bờ trồng hoa xuất hiện 16 loài thiên địch, trong khi ruộng không trồng hoa chỉ xuất hiện 14 loài thiên địch.
Độ ưu thế và mức độ phổ biến của các loài sâu hại là rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ thì ở ruộng có bờ trồng hoa thấp hơn ruộng đối chứng, còn độ ưu thế, mức độ phổ biến các loài thiên địch theo dõi thường cao hơn gấp 2 lần ruộng đối chứng.
Trên ruộng có bờ trồng hoa áp dụng “1 phải 5 giảm”, mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ ở giữa vụ và cuối vụ đều thấp hơn ruộng đối chứng, mật độ các loài thiên địch trên ruộng có bờ trồng hoa và đối chứng trước 28 ngày sau sạ thường tương đương nhau, từ ngày 28 sau sạ đến cuối vụ mật độ các loài thiên địch thường cao hơn đối chứng và mật độ các loài sâu hại thì thấp hơn đối chứng. Riêng mật độ nhện sói, vân đinh ba, không khác biệt nhiều giữa ruộng trồng hoa và đối chứng
Khoảng cách từ bờ hoa tới ruộng lúa có ảnh hưởng nhất định tới mật độ sâu hại và thiên địch trong ruộng lúa. Trong phạm vi từ bờ trồng hoa sâu vào trong ruộng 60m, bờ hoa phát huy tác dụng làm tăng thiên địch, tăng gần gấp đôi số thiên địch chính so với khoảng cách bờ trồng hoa 60 - 100m.
Mật độ rầy nâu ở khoảng cách từ bờ trồng hoa vào ruộng 60m cũng ít hơn, chỉ gần bằng 1/2 so với mật độ rầy nâu ở khoảng cách bờ 60 - 100m, điều này cho thấy bờ trồng hoa có hiệu quả tốt ở khoảng cách từ bờ vào sâu trong ruông đến 60m. Khoảng cách bờ trồng hoa trên 60m, hiệu quả không cao. Giữa các khoảng cách 0 - 20m, 20 - 40m, 40 - 60m khác biệt mật độ các loài sâu hại và thiên địch không rõ.
Mật độ hai loài sâu hại chính là sâu cuốn lá nhỏ Cnaphalocrocis medinalis và rầy nâu Nilaparvata lugens (Stal). Trên ruộng có bờ trồng hoa từ 0 - 60 m thấp hơn ở khoảng cách 60 - 80 m và 80 - 100 m.
Kết quả này chứng tỏ bờ có trồng hoa hiệu quả đạt được từ bờ vào ruộng là 60 m, vì vậy khi trồng hoa, ngoài trồng ở bờ chính, nông dân cần trồng thêm các bờ nhỏ (bờ xương cá) trong ruộng.
So sánh tỷ lệ sâu cuốn lá nhỏ bị ong đa phôi và ong đen kén trắng ký sinh.
Bảng: Ảnh hưởng của khoảng cách bờ hoa tới tỉ lệ sâu cuốn lá bị ong đa phôi (Copidosomopsis coni Trjap., Voin. et Shark) ký sinh theo các khoảng cách từ bờ vào ruộng vụ đông xuân 2015-2016, tại xã Vĩnh Lộc:
Công thức | Khoảng cách bờ ruộng | Tỉ lệ (%) sâu cuốn lá bị ong đa phôi ký sinh | |
Ruộng có bờ hoa | Ruộng đối chứng | ||
1 | 0 - 20 m | 56.67c | 13.33a |
2 | 20 - 40 m | 56.67c | 23.33a |
3 | 40 - 60 m | 46.67bc | 13.33a |
4 | 60 - 80 m | 33.33ab | 10.00a |
5 | 80 - 100 m | 26.67a | 13.33a |
Cv (%) | 22,9 | 31,3 | |
LSD0,05 | 18.98 | 14.40 |
Ở ruộng đối chứng, tỷ lệ sâu cuốn lá bị ong đa phôi ký sinh không thấy khác biệt nhiều ở các khoảng cách (chỉ từ 10 - 23%), trong khi ruộng thí nghiệm tỷ lệ sâu cuốn lá nhỏ bị ong đa phôi ký sinh cao gấp đôi đối chứng (từ 26 - 57%) và ở khoảng cách bờ từ 0 - 60m tỷ lệ sâu cuốn lá nhỏ bị ong đa phôi ký sinh cao hơn khoảng cách từ bờ trồng hoa vào ruộng trên 60m.
Hiệu quả kinh tế: Mặc dù tốn chi phí trồng và chăm sóc hoa, nhưng ruộng có bờ trồng hoa có áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm”, có lãi cao nhất (19,9 triệu/ha), tuy năng suất thấp hơn ruộng đối chứng, nhưng do đầu tư ít vì vậy lãi của ruộng áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm”, (16,92 triệu/ha) cao hơn lãi của ruộng đối chứng (16,40 triệu/ha).
Từ những kết quả nghiên cứu trên, đề nghị nên vận động nông dân áp dụng rộng rãi mô hình ruộng lúa bờ hoa có áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm”, trong canh tác lúa, vì bờ hoa có tác dụng làm tăng thiên địch, giảm sâu hại và nhất là gián tiếp kiềm hãm được mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ. Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao nhất trong các mô hình canh tác lúa, mang lại lợi nhuận tăng thêm cho nông dân 3.546.000 đ/ha, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và nâng cao chất lượng nông sản. |