| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững

Giảm phát thải trong chuỗi cá tra

Thứ Năm 12/10/2023 , 10:57 (GMT+7)

ĐBSCL Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản thủy sản, giảm phát thải và tận dụng tài nguyên.

Cá tra được nuôi chủ yếu tại ĐBSCL với diện tích hơn 6.000 ha/năm và cho sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cá tra được nuôi chủ yếu tại ĐBSCL với diện tích hơn 6.000 ha/năm và cho sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khuyến khích nuôi cá tra kinh tế tuần hoàn

Ngành hàng cá tra đã, đang là một trong những ngành hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực. Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 mang về hơn 2,4 tỷ USD. Diện tích nuôi cá tra lớn ở vùng ĐBSCL tập trung ở một số địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long với diện tích khoảng 6.000 ha.

Đặc biệt các mô hình kinh tế tuần hoàn đang được các địa phương và Cục Thủy sản khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Nhằm giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, tiết kiệm nguyên liệu nguyên liệu đầu vào, khuyến khích nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm vừa góp phần làm giảm phát thải, tận dụng tài nguyên.

Mới đây tại TP. Cần Thơ, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTN) phối hợp với Sở NN- PTNT Cần Thơ và Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra tại Việt Nam”.

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, cá tra được nuôi thâm canh trong ao đất, hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, vùng nuôi không tập trung mà chủ yếu là trang trại của doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi lẻ… hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thiếu đồng bộ.

Theo các nghiên cứu, để đạt sản lượng trung bình khoảng 200 -250 tấn cá tra/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Với sản lượng trên 1,5 triệu tấn là thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung, bởi việc xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn... định kỳ thường xuyên, chỉ có một số vùng nuôi áp dụng công nghệ hiện đại.

Định hướng ngành chế biến thủy sản và đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới để tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Định hướng ngành chế biến thủy sản và đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới để tăng trưởng xanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo bà Hồng, các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết, các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi. Tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư công nghiệp chế biến phụ phế phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng. Doanh nghiệp chế biến cần có sự chuẩn bị và thực hiện tốt nhất trách nhiệm xã hội, nhận thức trách nhiệm xã hội là yếu tố sống còn để tăng sức cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam...

Bảo vệ môi trường giúp giảm giá thành trong nuôi cá tra

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, thời gian qua, chuỗi ngành hàng cá tra tại ĐBSCL đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mỗi liên kết, tiêu thụ cần được cải thiện. Đặc biệt, cần tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào và đầu ra để giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trưởng.

Theo ông Luân, theo định hướng trong thời gian tới ngành cá tra và chế biến thủy sản cần bám vào “Đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030” nhằm xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới. Đó là xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Để ngành cá tra phát triển bền vững cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để ngành cá tra phát triển bền vững cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đó, nhóm Đối tác công tư về thủy sản được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thành lập từ năm 2020, dựa trên cơ sở tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công bao gồm các cơ quan tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp của Nhà nước liên quan. Năm 2022, Cục Thủy sản ban hành quyết định phê duyệt thành lập 6 tiểu nhóm, trong đó có ngành cá tra.  

Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, để phát triển bền vững cá tra theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì hợp tác công – tư là một cách tiếp cận tốt, có khả năng kết nối một cách bình đẳng, phù hợp với năng lực và nhu cầu của các bên. Từ cơ quan quản lý trung ương, địa phương đến các doanh nghiệp liên quan trong chuỗi, kết nối được cả các nhà khoa học cùng tham gia công tác nghiên cứu, phát triển.

“Thông qua hội thảo và các hoạt động khác, ngành hàng cá tra nhận được sự quan tâm nhiều hơn, tăng cường đầu tư cả về chất và lượng của các bên liên quan, các cơ quan nhà nước đến các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu… cùng đánh giá hiện trạng, thách thức ngành hàng đang gặp phải. Cần phân tích điểm mạnh, điểm yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Từ đó, làm cơ sở đề ra các giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững” ông Trần Đình Luân cho hay.

                    Bài viết có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.