Hướng hiện đại nhất hiện nay
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú (An Giang) của Tập đoàn Nam Việt được xem là một tổ hợp công nghiệp sản xuất ngành hàng cá tra của Việt Nam.
Với quy mô 600 ha, trong đó 450 ha nuôi cá thương phẩm và 150 ha sản xuất cá giống với chu kỳ khép kín, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Tổ hợp này sản xuất được 600 triệu con cá giống và 450 ha nuôi cá thương phẩm cho ra 200.000 tấn cá tra/năm.
Có thể nói đây là một tổ hợp khổng lồ về sản xuất cá tra được ứng dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Kết hợp công nghệ thời kỳ công nghiệp 4.0, từ công đoạn tổ chức sản xuất con giống đến nuôi thương phẩm hoàn toàn tự động với chế độ điều tiết từ nguồn nước, môi trường cho đến ứng dụng thức ăn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét: Thông qua mô hình này chúng ta có thể khẳng định Việt Nam đang kiện toàn tái cơ cấu từng nhóm ngành hàng theo hướng hiện đại.
Qua tổ hợp này, chúng ta thấy rõ ngành hàng cá tra đang trong quá trình tái cơ cấu không chỉ hiện đại mà còn khẳng định vai trò số 1 trên thị trường quốc tế. Về cung ứng sản lượng cũng như sản phẩm sạch cho nhu cầu hội nhập quốc tế đối với ngành hàng nông sản nói chung trong đó có cá tra.
Từ mô hình này, đã rút ra được rất nhiều điều. Thứ nhất, góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa một cách nhanh nhất, hiệu quả ở giá thành cạnh tranh.
Thứ hai, thông qua mô hình tạo ra sự liên kết với vùng xung quanh, chia sẻ những sản phẩm dịch vụ, thu mua sản phẩm từ bà con trong vùng. Đây được xem là hướng kinh tế chia sẻ. Điều đặc biệt ở đây, không chỉ áp dụng công nghệ cao mà còn hướng đến công nghiệp kinh tế tuần hoàn.
Thứ ba, cá tra đã cho ra chuỗi hơn 50 loại sản phẩm từ thịt cá phi lê đến tất cả các mặt hàng như dầu cá, da cá làm Collagen. Một trong những sản phẩm cuối cùng cũng biến thành sản phẩm đó là bùn trong ao nuôi cũng làm ra được phân bón.
Được biết, trong tổ hợp này doanh nghiệp đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu nuôi lươn, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu rất tốt.
Khó khăn một, quyết tâm hai
Theo Bộ trưởng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đi theo hướng ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, phù hợp nhất vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Quan trọng hơn là chúng ta đang đi theo hướng kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tham gia vấn đề kinh tế phát triển bền vững chung tay giảm các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu. Đây là hướng đi tất yếu của nền kinh tế nói chung trong đó có nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương Tập đoàn Nam Việt cùng với các doanh nghiệp hạt nhân trong ngành hàng cá tra của Việt Nam rất tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ cao, đầu tư lớn và sẵn sàng chia sẻ rủi ro. Chính việc làm đó mà Chính phủ, Bộ ngành và các địa phương cùng vào cuộc.
"Hôm nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vào làm việc tại đây cũng là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi chúng ta khống chế được dịch bệnh Covid-19 thì phải tập trung cao độ tháo gỡ những khó khăn mà dịch bệnh Covid-19 tạo ra. Thủ tướng Chính phủ kết luận nếu như Covid-19 tạo ra khó khăn một thì hành động của chúng ta phải quyết tâm hai.
Hiện phía ngân hàng đã có Thông tư sẵn sàng chia sẻ tất cả các gói vay tiếp tục bổ sung nguồn tín dụng. Nhưng có một điều quan trọng đó là khát vọng vươn lên và khả năng xử lý những biến cố của doanh nghiệp. Chính phủ tin rằng các doanh nghiệp sẽ vượt qua giai đoạn này”, Bộ trưởng nói.
Đối với thị trường, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành khác và các tỉnh biên giới tháo gỡ ngay thị trường. Về phía Trung Quốc cũng đã khống chế được dịch bệnh Covid-19, thị trường bắt đầu mở cửa trở lại. Trước mắt, chúng ta cần tập trung các thị trường này.
Thứ hai, từng bước một tháo gỡ các thị trường khác như Châu Âu, Hoa Kỳ. Và quan trọng hơn, năm 2020 chúng ta đặt quyết tâm mở tiếp các thị trường mới đầy tiềm năng như Nga, Nhật Bản.
Trong đó, Nhật Bản được xem là thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 125 triệu dân, nhu cầu rất lớn. Một thị trường tiềm năng khác đó là nội địa với khoảng 100 triệu dân. Đây chính là thị trường bền vững lâu dài nếu như chúng ta có tuyên truyền, tập trung vào thị trường này.
Nói về tổ hợp nuôi này, ông Lê Doãn Tới, TGĐ Tập đoàn Nam Việt chia sẻ: Khách hàng năm châu đã đến đây rồi họ rất ngưỡng mộ, không ngờ Việt Nam của chúng ta có mô hình này. Chúng ta làm nông nghiệp không cần quá nhiều người, chúng tôi SX gần 200.000 tấn cá/năm chỉ cần 30 người.
Vòng tuần hoàn chúng tôi khép kín hoàn toàn, phân cá chúng tôi thu hồi lại tạo thành phân bón hữu cơ. Mặt nước, chúng tôi tạo thành một phần năng lượng mặt trời, tận dụng hết, không bỏ phí bất kỳ thứ gì trên diện tích này.
Ông Lê Doãn Tới, TGĐ Tập đoàn Nam Việt: DN cần hỗ trợTrong bối cảnh hiện nay, đối với DN như chúng tôi phải cảm ơn Chính phủ và các Bộ ngành đã đưa ra rất nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ trong thời gian qua. Vậy DN cần gì trong lúc khó khăn này? Thưa, chúng tôi cần Chính phủ và các Bộ ngành hỗ trợ DN tồn tại, duy trì và phát triển. Cụ thể nhất bằng việc giãn nợ, giãn thuế và BHXH, chúng tôi chỉ mong lùi thời hạn lại trong lúc khó khăn này. Còn lùi dài hay ngắn tùy thuộc vào sức khỏe mỗi DN nhưng chúng tôi phải gồng mình. |
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam: Khó khăn bủa vây DNDo dịch bệnh Covid–19, tất cả việc xuất khẩu cá tra khá chậm, diện tích nuôi giảm mạnh. Từ đó kéo theo giá cá giảm người nuôi thiệt hại nặng, nếu DN nào còn cá trong ao hầm thì phải nuôi cầm chừng. Hiện nay, các DN gặp khó khăn về nợ xấu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến DN chế biến thức ăn và thú y thủy sản. Khó khăn là hàng tồn kho của DN xuất khẩu cá tra khá lớn, hầu hết các DN thiếu kho dự trữ. Do hiện nay, cá tra xuống giá thấp, cá nuôi quá lứa không thể thu hoạch được. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn là phải trả lương duy trì nuôi công nhân. |
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Người nuôi cá tra tiếp tục bị lỗTrước tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, diện tích thả nuôi cá tra của tỉnh bị ảnh hưởng. Trong 4 tháng đầu năm 2020, diện tích thu hoạch phần lớn tập trung ở DN và các hộ nuôi cá tra có liên kết tiêu thụ. Diện tích thu hoạch đến thời điểm khoảng 363 ha cho sản lượng thu hoạch khoảng 110 ngàn tấn, bằng với cùng kỳ năm rồi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành hàng cá tra ở An Giang bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài các tháng đầu năm. Hiện giá cá tra thương phẩm từ 18.200 - 18.500 đ/kg (cá từ 0,8 - 1 kg), (đối với cá trên 1 kg có giá 17.800 - 18.000 đ/kg). Với giá thu mua hiện tại người nuôi cá tra vẫn tiếp tục bị lỗ khoảng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. |
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Từ nông dân đến DN đều thua lỗ nặngToàn tỉnh Đồng Tháp có 20 DN chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất thiết kế khoảng 477.000 tấn thành phẩm/năm. Kế hoạch trong năm 2020 diện tích nuôi cá tra thương phẩm tăng lên là 2.700 ha, ước sản lượng thu hoạch 560.000 tấn. Sản lượng cá tra bột 27 tỷ con và sản lượng cá tra giống 1,9 tỷ con. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh, khiến ngành hàng cá tra bị thua lỗ nặng từ nông dân đến doanh nghiệp. |
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Nhiều thị trường trọng điểm bị Covid-19 ảnh hưởng nặngBước sang các tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc – đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân lớn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |