Kiểm soát tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản là 1 trong những khuyến nghị mà Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu thực hiện nhằm gỡ "thẻ vàng" cho ngành thủy sản Việt Nam. Tại tỉnh Quảng Nam, những năm qua, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ để đáp ứng được nội dung này. Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay, việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc hải sản vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Với đội tàu cá lớn, trên 3.300 tàu lớn nhỏ, mỗi năm, ngư dân Quảng Nam khai thác trung bình khoảng 90.000 - 100.000 tấn hải sản các loại. Mặc dù vậy, hiện nay, số lượng hải sản được giám sát trên địa bàn tỉnh chỉ đạt được khoảng 30%, một con số tương đối thấp. Phần lớn các sản phẩm đánh bắt chỉ được giám sát tại cảng cá Tam Quang đặt tại xã Tam Quang (huyện Núi Thành). Bởi đây là cảng cá duy nhất của tỉnh Quảng Nam được Bộ NN-PTNT chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Ông Phan Đình Châu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, trước đây, do chưa xây dựng xong nên các tàu cá khi cập cảng Tam Quang vào lên cá đều không được giám sát về mặt sản lượng. Đến tháng 2/2022, khi cảng cá Tam Quang được công bố là cảng cá loại 2 thì Trung tâm đã thành lập tổ giám sát sản lượng, phân người giám sát hằng ngày tại bến. Hiện tại, 100% tàu cá cập cảng đều được giám sát sản lượng hải sản theo quy định.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại cảng cá Tam Quang có 2.788 lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản với sản lượng 8.786 tấn. Ngành chức năng đã cấp 10 giấy xác nhận nguồn gốc hải sản cho doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa. Dù vậy, thủ tục cấp giấy giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Giấy SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) qua hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cho các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chủ tàu cá ghi nhật ký khai thác không đúng quy định, không chi tiết đến loài...
Ngoài các tàu cá cập cảng cá Tam Quang bán hải sản thì hầu hết các tàu cá khác ở tỉnh Quảng Nam đều bán hải sản tự phát tại bến cá truyền thống, bãi ngang ven biển. Đặc biệt là các huyện, thành phố phía Bắc của tỉnh do chưa có cảng cá chỉ định. Hầu hết chủ tàu cá Quảng Nam bán hải sản ở các bến cá nhỏ lẻ, tự phát do ràng buộc đầu nậu ứng tiền trước để ngư dân thực hiện chuyến biển nên khi về bờ phải bán hải sản cho đầu nậu đó.
Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ tàu cá QNa 90404TS, cho biết: “Mỗi lần tàu về, chúng tôi hay cập cảng bán cá tư nhân cho đầu nậu. Do trước khi ra khơi, đầu nậu ứng tiền trước để ngư dân thực hiện chuyến biển, nên khi về bờ phải bán hải sản cho đầu nậu đó. Việc đổ nguyên liệu cho chuyến biển sau cũng thuận tiện hơn”.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thừa nhận rằng, việc giám sát sản lượng hải sản khai thác đang là 1 trong những hạn chế ở địa phương. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Quảng Nam đang đầu tư xây dựng khu neo đậu Hồng Triều kết hợp với cảng cá tại huyện Duy Xuyên, đáp ứng nhu cầu neo đậu, lên cá cho các tàu ở phía Bắc của tỉnh, dự kiến sẽ hoạt động vào năm sau.
“Thống kê, kiểm soát sản lượng hải sản và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản không chỉ vì mục tiêu trước mắt là gỡ "thẻ vàng" thủy sản mà quan trọng hơn là phát triển nghề cá bền vững, nghề cá có trách nhiệm. Riêng về những bãi ngang ven biển và một số bến cá thì chúng tôi cũng đang hướng dẫn các địa phương để thực hiện giám sát sản lượng lên cảng nhằm tăng sản lượng giám sát, đảm bảo theo yêu cầu của EC”, ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nói.