| Hotline: 0983.970.780

Cảng 'tự phát' khó giám sát sản lượng cá

Thứ Hai 04/03/2024 , 15:54 (GMT+7)

Thanh Hóa có sản lượng khai thác thủy sản vào loại lớn so với các tỉnh Bắc Trung bộ, tuy nhiên, tỷ lệ giám sát sản lượng cá qua cảng còn thấp.

Bến "tự phát" khó kiểm soát sản lượng

Phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) có tổng số 196 tàu cá, chủ yếu là tàu trên 15m (tàu đánh bắt xa bờ). Loại tàu đánh bắt gần bờ khoảng 50 chiếc thuộc sở hữu của ngư dân địa phương. Cạnh khu vực cảng cá Lạch Bạng là bến cá truyền thống của ngư dân địa phương dài hơn 500m, hằng ngày vẫn có hàng chục con tàu của ngư dân neo đậu tại cửa lạch. 

Theo lãnh đạo phường Hải Bình, việc kiểm soát sản lượng, truy xuất nguồn gốc khai thác thủy sản tại bến cá tự phát này gặp nhiều khó khăn. “Đa số loại tàu dưới 15m sau khi khai thác hải sản sẽ bán trực tiếp trên biển cho các tàu thu gom. Ngoài ra, địa phương không có cán bộ chuyên trách trực tiếp kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác hằng ngày mà chỉ tổng hợp thông qua khảo sát của tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ phụ trách, khiến việc kiểm soát sản lượng gặp khá nhiều khó khăn”, ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Bình chia sẻ.

Tàu neo đậu tại cảng cá Lạch Bạng (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Tàu neo đậu tại cảng cá Lạch Bạng (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo lãnh đạo phường Hải Bình, một số chủ tàu không muốn cập cảng chỉ định với lý do, mất thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật Thủy sản, trong khi người dân địa phương phần lớn đã quen với lối đánh bắt truyền thống, tự phát.

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có gần 6.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó có hơn 4.100 tàu khai thác gần bờ và hơn 1.000 tàu có chiều dài hơn 15m khai thác vùng khơi, vùng lộng. Sản lượng thủy sản năm đạt hơn 138.000 tấn, trong đó chủ yếu là sản lượng khai thác biển.

Theo Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa, năm 2023, có hơn 7.200 lượt tàu trên 15m cập cảng Lạch Bạng (Nghi Sơn), Lạch Hới (Sầm Sơn), Hòa Lộc (Hậu Lộc). Tổng hàng hóa qua cảng đạt hơn 92.000 tấn, trong đó hàng thủy sản là hơn 21.000 tấn.

Tuy Thanh Hóa có sản lượng khai thác thủy sản vào loại lớn so với các tỉnh Bắc Trung bộ, tuy nhiên, sản lượng thủy sản qua cảng còn thấp (khoảng 15% so với tổng sản lượng khai thác). Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản còn lại chủ yếu nằm ở các tàu dưới 15m, không bắt buộc cập bến chỉ định, thường xuyên ra vào bến tự phát, bến truyền thống, bãi ngang tại các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn. Tuy nhiên, dù số lượng tàu cập các bến này khá nhiều, nhưng nhiều địa phương trong tỉnh chưa có giải pháp để theo dõi sản lượng khai thác từ các tàu cá cập các bến này.

Bến cá truyền thống tại xã Hải Bình, nơi neo đậu tàu thuyền của nhiều ngư dân địa phương. Ảnh: Quốc Toản.

Bến cá truyền thống tại xã Hải Bình, nơi neo đậu tàu thuyền của nhiều ngư dân địa phương. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa chia sẻ: “Tàu cá của địa phương sau khi khai thác lại cập bến tỉnh khác bốc dỡ hàng hóa, vì luồng lạch ra vào cảng bị bồi lắng gây khó khăn cho việc di chuyển. Ngoài ra, có trường hợp tàu cá khai thác bất hợp pháp thiếu các thủ tục xuất nhập cảng và hồ sơ khai thác, nên họ tìm cách “né” lực lượng chức năng”.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế về giám sát sản lượng cá qua cảng, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết Sở đề nghị giao cho xã, phường tại nơi có bãi ngang, bến cá tự phát, trực tiếp quản lý và cập nhật thường xuyên sản lượng khai thác của tàu, thuyền nhỏ khi cập bến. Đối với tàu cá cập cảng loại 3 thì giao cho cấp huyện quản lý để thực hiện giám sát sản lượng và thực hiện báo cáo theo quy định.

Bồi lắng luồng lạch, tàu thuyền mắc cạn

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 3 cảng cá đã được UBND tỉnh công bố cảng cá loại II là cảng cá Hòa Lộc, cảng cá Lạch Hới, cảng cá Lạch Bạng có sức chứa từ 700 tàu đến 1.000 tàu cá. Đây cũng là 3 cảng cá đủ điều kiện cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và cho tàu cá nước ngoài có chiều dài từ 46m cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng các cảng cá đã được xây dựng từ lâu, thiết kế đã lạc hậu, không đủ năng lực phục vụ cho tàu cá công suất lớn.

Bến cá tự phát không chỉ gây khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng khai thác mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Toản.

Bến cá tự phát không chỉ gây khó khăn trong việc kiểm soát sản lượng khai thác mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ghi nhận của phóng viên, các cảng cá chưa được đầu tư đồng bộ các hạng mục như cầu cảng, mái che, nhà phân loại. Các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá tại khu tránh trú bão đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên do đó chưa phát huy hết năng lực phục vụ.  

Tại các khu vực cửa lạch, cửa âu, lòng âu tránh trú bão, khu vực trước cầu cảng không được nạo vét thường xuyên, nên bị bồi lắng rất nghiêm trọng dẫn đến luồng lạch bị thu hẹp. Cảng và âu bị cạn, khiến việc ra vào cảng để bốc dỡ hàng hóa rất khó khăn.

Cũng theo Ban quản lý Cảng cá Lạch Bạng, trước đây khi cảng chưa bị bồi lắng, lượng tàu từ các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Nam Định đổ về cảng khá lớn, có thời điểm lên tới vài trăm chiếc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do luồng lạch bị bồi lắng, nhiều tàu không dám vào cảng vì sợ mắc cạn. 

Tàu cá mắc cạn và bị đánh chìm trên đường vào cảng Lạch Bạng, gây thiệt hại lớn cho chủ tàu.

Tàu cá mắc cạn và bị đánh chìm trên đường vào cảng Lạch Bạng, gây thiệt hại lớn cho chủ tàu.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết: "Nhiều tàu khai thác xa bờ của ngư dân vào cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão phải chờ nhiều giờ, đợi thủy triều lên mới có thể vào cảng và âu để bốc dỡ hàng hóa cũng như neo đậu tránh trú bão. Đặc biệt, các cảng cá được xây dựng từ những năm 2000 đến nay chưa được nạo vét nên cảng bồi lắng nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian làm dịch vụ, thậm chí gây thiệt hại cho chủ tàu”.

Điển hình như cuối tháng 12/2023 và tháng 1/2024, có 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Nam Định khi di chuyển vào luồng lạch để trao đổi hàng hóa tại cảng Lạch Bạng (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) thì bị mắc cạn và bị sóng đánh chìm. Vụ việc khiến các chủ tàu thiệt hại cả tỷ đồng.

Từ thực tế trên, ông Thăng đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm đầu tư, nâng cấp mở rộng các cảng. Nạo vét luồng lạch vào cảng, nạo vét các cảng đảm bảo mức nước ban đầu để thuận lợi tàu ra vào không phụ thuộc thủy triều, tăng năng lực bốc xếp tại cảng. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng.

Tàu cá neo đậu tại các bến tự phát, gây khó khăn cho việc kiểm soát sản lượng. Ảnh: Quốc Toản.

Tàu cá neo đậu tại các bến tự phát, gây khó khăn cho việc kiểm soát sản lượng. Ảnh: Quốc Toản.

Nói về phương án đầu tư hạ tầng cảng cá trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động nghề cá, đầu tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng với tổng mức đầu tư 69,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm từ 2023-2025; đối với cảng cá Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng đang gấp rút tiến hành lập hồ sơ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Tiểu dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới và Tiểu dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Bạng để cập nhật vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phát triển thủy sản bền vững.

Theo ông Cường, dự án sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, nâng cao khả năng giám sát sản lượng thủy sản qua cảng.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển