Khó giám sát sản lượng khai thác của đội tàu chiều dài dưới 15m
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2.514 tàu cá, trong đó, 83 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi; 292 tàu từ 12m đến dưới 15m hoạt động vùng lộng; hơn 2.100 tàu từ 6m đến dưới 12m hoạt động vùng ven bờ (chiếm trên 70%).
Thống kê của ngành chuyên môn cho thấy, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm trên toàn tỉnh bình quân đạt trên 35.000 tấn, riêng sản lượng từ tàu đánh vùng khơi chiếm khoảng 23% (trên 7.500 tấn).
Đầu năm 2024, trong chuyến kiểm tra chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá, sản lượng khai thác thủy sản của Hà Tĩnh được theo dõi, giám sát đạt rất thấp, đặc biệt là giám sát sản lượng khai thác tại cảng cá chỉ mới đạt khoảng 8-9% so với tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Trong khi đó, việc giám sát, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Tại cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà, đến hết tháng 6/2024, cảng cá này đón hơn 2.700 lượt tàu nội tỉnh, trong đó có 118 lượt tàu trên 15m. Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh đã thực hiện giám sát 100% sản lượng đối với 470 tấn thủy sản nội tỉnh được bốc dỡ từ các tàu này thông qua báo cáo nhật ký hành trình của từng chuyến khai thác và thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tuy nhiên, đây là con số rất khiêm tốn so với tổng sản lượng khai thác thủy sản của toàn tỉnh tính trong 6 tháng đầu năm (gần 22.000 tấn).
Theo ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Hà Tĩnh, hiện Hà Tĩnh có 2 cảng cá đang hoạt động là cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân và cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà.
Theo quy định của Luật Thủy sản, các tàu cá cập cảng sẽ được thực hiện giám sát sản lượng. Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài các tàu trên 15m bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định thì đội tàu dưới 15m nội tỉnh ít vào cảng, chủ yếu ra vào bến tự phát, bến truyền thống, bãi ngang tại các huyện ven biển: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh để buôn bán, bốc dỡ hải sản nên rất khó thực hiện giám sát sản lượng.
Huyện Kỳ Anh có 221 tàu cá đang hoạt động, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 3.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương này đang “lực bất tòng tâm”, chưa có giải pháp theo dõi sản lượng khai thác từ đội tàu chiều dài dưới 15m.
Nguyên nhân chủ yếu do tàu thuyền nhỏ, đánh bắt ven bờ; hoạt động giao thương buôn bán của ngư dân, tiểu thương tổ chức ở các bến cá nhỏ lẻ, tự phát. Hơn nữa, hạ tầng nghề cá không đảm bảo, nguồn lực hạn chế, lực lượng chuyên môn thiếu nên việc theo dõi sản lượng khai thác khó khả thi.
Quá trình rà soát, đánh giá của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh xác định, nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh được theo dõi, giám sát tại cảng cá đạt thấp là do hầu hết công trình cảng cá, âu trú bão (Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu) sau nhiều năm sử dụng đã lạc hậu, xuống cấp; luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền công suất lớn khó cập cảng; chưa đáp ứng được yêu cầu về chống khai thác IUU trong kiểm soát tàu cá ra vào cảng.
Ngoài ra, việc ghi chép, giao nộp nhật ký khai thác của một bộ phận ngư dân chưa đúng, chưa đủ nên khi giám sát còn chênh lệch giữa sản lượng thủy sản bốc dỡ thực tế so với sản lượng khai báo trên nhật ký.
“Không chỉ tồn tại giám sát sản lượng khai thác thủy sản tại cảng mà việc giám sát đội tàu nhỏ ở địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn. Muốn khắc phục hạn chế này, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là ý thức tự giác khai báo của ngư dân”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng nghề cá
Song hành sự vào cuộc của ngành Thủy sản và chính quyền địa phương, hiện tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo rốt ráo chủ đầu tư các dự án hạ tầng nghề cá đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm nâng cao năng lực cập cảng cho tàu cá, tạo thuận lợi cho công tác bốc dỡ, vận chuyển thủy sản.
Đầu tiên là cảng cá Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng quy mô cảng cá cấp II với các tàu công suất 400CV cập cảng, năng lực cập tàu đạt 100 lượt/ngày, lượng thủy sản qua cảng khoảng 16.000 tấn/năm. Hiện nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh đang yêu cầu các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, tranh thủ làm việc khi thủy triều xuống để sớm bước vào giai đoạn lắp ráp cấu kiện. Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng, phấn đấu bàn giao đưa sử dụng vào cuối năm nay.
Mới đây, dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà cũng vừa khởi công với nhiều hạng mục quan trọng, hướng tới mục tiêu đáp ứng tiêu chí cảng loại II. Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng cũng đang được các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ.
“Những dự án này khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh, đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, góp phần nâng cao tỷ lệ sản lượng thủy sản được giám sát qua cảng”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Sau đánh giá của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các huyện, thị xã tại nơi có bãi ngang, bến cá tự phát phải quản lý và cập nhật thường xuyên sản lượng khai thác được bốc dỡ của tàu, thuyền nhỏ khi cập bến.
Đồng thời, giám sát thường xuyên, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định; thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định; kiểm tra, đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.
Ngư dân Nguyễn Văn H., xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, có 2 thuyền nhỏ dưới 8m đánh bắt cá, mực ven bờ. Nếu thực hiện khai báo sản lượng khai thác hằng ngày tại cảng cá theo đúng quy định, thuyền của ông phải di chuyển gần chục hải lý vào cảng Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên hoặc cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà. Điều này vừa gây tốn kém vừa mất thời gian của ngư dân nên lâu nay ông chưa khai báo sản lượng khai thác hằng ngày đến cơ quan chức năng.