| Hotline: 0983.970.780

Gian dối& khoa học

Thứ Năm 04/10/2012 , 09:59 (GMT+7)

TS Nguyễn Đăng Nghĩa khẳng định, ở nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, lãnh đạo muốn giữ người bất đắc dĩ phải tìm đủ cách giúp cán bộ “nói dối” để anh em có thể sống được. Vậy là, làm khoa học điều đầu tiên đã dạy người ta phải biết… gian dối!

TS Nguyễn Đăng Nghĩa

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) khẳng định, ở nhiều viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, lãnh đạo muốn giữ người bất đắc dĩ phải tìm đủ cách giúp cán bộ “nói dối” như kê thêm ngày lương, công tác phí, đề tài thực hiện để anh em có thể sống được. Vậy là, làm khoa học điều đầu tiên đã dạy người ta phải biết… gian dối!

>> Khoa học - thương mại, một trời một vực
>> Thạc sĩ phân bón làm... muối ớt
>> Bán thuốc, buôn phân

Ngay từ đầu câu chuyện, TS Nghĩa đã nói vui với chúng tôi: Từ năm 2003, lúc mới về làm GĐ Trung tâm Nghiên cứu & chuyển giao TBKT nông nghiệp (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), mọi người đã nói đùa rằng: “Đây là trung tâm nghiên cứu, huấn luyện và… chuyển đi”. Điều đó có nghĩa, cứ khi nào trung tâm đào tạo được một người có tên tuổi, thương hiệu là y như rằng lại có Cty đến mời chào, lấy mất.

“Nhìn thấy thế nhưng tôi cũng chẳng thể giữ nổi họ với đồng lương ít ỏi như vậy. Nhiều người khi đi đã nói thẳng: “Đồng lương em không đủ sống, anh thông cảm!”, có người lại thẳng thừng “xin thôi việc” sau đó đàng hoàng đến các Cty làm việc. Nhìn thế, buồn lắm chứ!”, TS Nghĩa nói.

Nhiều lần tiến sỹ nói rằng: “Thế hệ trước đây khổ thế, sao vẫn gắn bó và cho ra nhiều công trình nghiên cứu khoa học đáp ứng thực tiễn. Giờ điều đó có vẻ khác xa rồi, tiến sỹ lý giải sao đây?

Làm nghiên cứu khoa học nông nghiệp như thế hệ chúng tôi vào những năm tháng vô cùng gian khổ, khó khăn trước đây bắt đầu phải từ sự đam mê. Bản thân tôi là người sinh ra ở thành phố, nhưng ngay từ lúc làm hồ sơ thi đại học thì tôi đã có nguyện vọng xin vào học ngành nông nghiệp. Và từ đó đến nay, sau 32 năm làm nghiên cứu, tôi cũng học được của những người thầy thế hệ trước sự tâm huyết với ngành, với nông dân và đồng ruộng.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, bắt đầu tôi thấy lo lắng cho lĩnh vực của khoa học nông nghiệp. Thế hệ chúng tôi sắp về hưu khi ngoái lại đằng sau thấy trống vắng thế hệ kế thừa quá. Thậm chí người có tiếng tăm, uy tín lứa tuổi như chúng tôi, đứng đầu ngành ở nhiều trung tâm nghiên cứu, quay đi quay lại cũng đang rơi vãi nhiều. Rơi vãi đi đâu? Hầu hết đều đi vào các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây con…; hoặc đi ra ngoài thành lập Cty riêng.

Tôi đã từng chứng kiến một tiến sỹ tên Th, được đào tạo bài bản ở Hà Lan, về nước được làm giám đốc một trung tâm nghiên cứu ở ĐBSCL, vậy nhưng ông vẫn ra đi. Cũng ở đây, một tiến sỹ tên T, làm trưởng phòng cũng bỏ ra làm cho 1 Cty nước ngoài. Rồi ngay cả một vị tiến sỹ tên K, chuyên về lĩnh vực chăn nuôi được đào tạo bài bản tại Nhật, đang giữ chức trưởng phòng Khoa học & HTQT của một viện khoa học lớn, nhưng vẫn đi theo lời mời của một Cty nước ngoài.

Tại sao thế? Về các Cty nước ngoài họ được trả lương vài nghìn USD/tháng, nên chỉ cần Cty ra thông báo hoặc gặp gỡ riêng thỏa thuận thì nhiều người đã ngả theo. Đây là một vấn đề đang hết sức nóng bỏng, bức xúc với những người có tâm huyết, làm khoa học chân chính. Nguy hiểm nhất nó dẫn đến hệ lụy là tính kế thừa sẽ không còn, khi khoa học bị đứt quãng thì làm sao phát triển đây?!

Người ta nói làm khoa học giờ “bèo bọt” lắm. Bản thân ông thấy thế nào? Có bao giờ ông nghĩ mình cũng sẽ phải… ra đi?

Từ trải nghiệm của tôi thấy rằng, để trở thành một chuyên gia trong khoa học nông nghiệp thì đòi hỏi ngoài kiến thức được đào tạo, người đó phải vất vả nhiều năm lăn lộn thực tế.

Vậy nhưng, trả lại cho sự cống hiến đó thì tiền lương phải đảm bảo cho họ có được cuộc sống bình thường nhất, không phải bị vợ con khinh thường, không bị băn khoăn về tiền chợ hàng ngày, không phải băn khoăn mình đi xe đạp hay xe máy (vì không đủ tiền đổ xăng). Mức lương chúng ta đang trả cho những nhà khoa học nông nghiệp quá “bèo”.


Thay đổi cơ chế làm việc mới mong giữ chân các nhà khoa học nông nghiệp

Ví dụ như với tôi có học vị tiến sỹ, có chức vụ giám đốc, lại 32 năm cống hiến trong nghề (gần hết cuộc đời), vậy nhưng mức lương chỉ 6 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa bằng lương một kỹ sư mới vào nghề làm tại các DN nước ngoài. Bản thân tôi đã nhận được rất nhiều lời mời của hàng loạt DN cả trong và ngoài nước với mức lương 2.000-3.000 USD/tháng, vậy nhưng tôi vẫn không dứt áo ra đi. Tại sao ư? Đơn giản là cơ chế dở thì điều còn lại trong tôi chỉ là sự đam mê. Nếu không thực có đam mê, yêu nghề, có lẽ tôi cũng đã ra đi lâu rồi!

Nhiều người cho rằng, cơ chế thực hiện các đề tài khoa học hiện nay không khác gì “xin-cho”, đầy các thủ tục nhiêu khê, phiền phức làm nản lòng những người có tâm huyết. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ dứt áo ra đi?

Điều này rất đúng, thậm chí còn có cả những chuyện không hay phía sau buộc các nhà khoa học phải làm theo để được phê duyệt thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Đấy là chưa nói đến đủ loại thủ tục thanh quyết toán cực kỳ nhiêu khê, phức tạp và đầy “nghệ thuật” mới hòng yên ổn được. Vì thế mới có chuyện, nhiều người làm khoa học yếu nhưng lại rất giỏi xin thực hiện đề tài; còn nhà khoa học chân chính, có tâm huyết lại yếu “nghệ thuật” nên sinh tâm lý buồn chán, buông xuôi.

Thực tế này được tôi trải nghiệm rất rõ vì phải đi chấm đề tài khoa học, luận án tiến sỹ, thạc sỹ nhiều rồi, chất lượng không còn được như trước nữa. Thậm chí bản thân tôi cũng thấy có lỗi vì có ý nghĩ cảm thông, nhân nhượng, bỏ qua vì nghĩ rằng “thể chế hiện tại nó thế, phải theo thôi”.

Nhưng khi hạ bút duyệt, tức cảm thông xong rồi, về nhà lại thấy day dứt và buồn lắm! Trước đây, khi làm nhiệm vụ phỏng vấn đầu vào cho một viện khoa học nông nghiệp, nhiều khi tôi không thể phân biệt được đâu là một thạc sỹ, đâu là một anh kỹ sư mới ra trường vì kiến thức anh thạc sỹ chẳng hơn anh sinh viên. Điều đó chứng tỏ công tác đào tạo thạc sỹ hay tiến sỹ khoa học của ta đang có vấn đề rất lớn…".

Nếu có ý kiến, ông sẽ đề xuất ngay điều gì để cải thiện thực trạng đáng buồn này?

Theo tôi, có hai vấn đề lớn nhất cần thay đổi: Thứ nhất là làm sao có chính sách mới về lương bổng để từ những người mới ra trường, cho đến những nhà khoa học cống hiến nhiều năm cho khoa học nông nghiệp không còn phải dằn vặt với chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Có thế họ mới yên tâm làm công tác khoa học chứ.

Thứ hai, việc giao dự án, đề tài phải cải cách ngay, bớt các thủ tục phiền hà, đồng thời kích thích được những nhà khoa học giỏi, tâm huyết tham gia đóng góp cho nghiên cứu, chuyển giao những tiến bộ KHKT vào thực tế SX nông nghiệp.

Đề xuất là thế, nhưng thú thật làm cũng khó lắm. Nhưng thấy khó mà không làm, thấy cơ chế dở mà không đổi thì khoa học ắt sẽ èo uột và còn nhiều gian dối!

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm