| Hotline: 0983.970.780

Gian nan truy tìm chất cấm

Thứ Năm 17/09/2015 , 07:35 (GMT+7)

Hiện nay các cơ quan chức năng đang truy cứu trách nhiệm đến cùng những đầu mối, nguồn gốc đưa chất cấm vào các trại chăn nuôi heo./ Bộ trưởng Cao Đức Phát: Cần 'đánh' chất cấm như 'đánh' ma túy

Nghi vấn lớn nhất vẫn là thương lái “xúi” người chăn nuôi, sau đó là các sản phẩm thức ăn tăng trọng “bung đùi tạo nạc” đang bán hà rầm trên thị trường thông qua các “nhân viên tiếp thị” len lỏi từng ngõ ngách.

Trong khi nghi vấn thương lái gần như không bắt được quả tang, còn thức ăn “bung đùi tạo nạc” do cơ quan chức năng của các địa phương không kiểm tra thường xuyên, lâu lâu “đánh quả” một lần nhưng thông tin “nhỏ giọt” cộng với việc xử lý cũng không triệt để nên cuối cùng “mèo lại hoàn mèo”, đến nay chưa thấy vụ nào xử lý hình sự.

Chất cấm có phải "nhạy cảm"?

Chúng tôi về xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, nơi được xem là một cù lao của tỉnh Tiền Giang do bị “bao vây” ba phía là sông nước và cũng được xem là “vương quốc heo” trong tỉnh với số lượng hàng năm lên đến 35.000 con heo của trên 280 hộ dân.

Thế nên, dư luận khá “sốc” với chất cấm Sabutamol khi đoàn kiểm tra của tỉnh vừa qua về lấy mẫu đàn heo của 16 hộ chăn nuôi trong xã Xuân Đông đã phát hiện có đến 50% trại nuôi heo có sử dụng chất cấm. Vì vậy, không hiểu có phải chất cấm đang lúc quá “nhạy cảm” không mà đến nỗi PV NNVN liên hệ với ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng trạm Thú y huyện Chợ Gạo xin đăng ký làm việc để nắm tổng thể thì ông bảo không thể phát ngôn được mà phải là lãnh đạo Chi cục Thú y (CCTY) tỉnh.

Tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng CCTY thì bất ngờ bà Mến cũng từ chối cung cấp thông tin về “chất cấm” mà đề nghị PV liên hệ trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN-PTNT để có phát ngôn chính thức?!

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông rất tận tình giúp đỡ PV trong quá trình tác nghiệp nắm bắt thông tin về chất cấm. Mặc dù đang lúc trời mưa to do áp thấp nhiệt đới của cơn bão số 3, ông Mười vẫn điện thoại chỉ đạo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng ban Thú y xã đang đi công tác xuống ấp quay trở lại làm việc.

Theo ông Tuấn, từ ngày 19-25/8, đoàn kiểm tra của tỉnh xuống xã Xuân Đông lấy mẫu nước tiểu đàn heo của tổng số 16 hộ chăn nuôi, sau đó thông báo có 9 hộ chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm. Trong đó, trại nuôi cao nhất là 600 con, thấp nhất là 200 con tập trung nhiều là ở ấp Tân Ninh.

15-13-57_4
Người tiêu dùng lo ngại chất cấm trong thịt heo “nạc đỏ sát da”

- Sau khi lấy mẫu, bao nhiêu ngày trên tỉnh mới thông báo cho các hộ nuôi biết về kết quả chất cấm có trong nước tiểu đàn heo? Tôi hỏi anh Tuấn.

- Cũng mấy ngày thôi, nhưng họ không thông báo trực tiếp cho các trại nuôi mà ở huyện điện thoại cho tôi, sau đó tôi điện thoại báo lại cho các trại biết để họ giữ đàn heo lại không được xuất chuồng. Gần đây, sau gần 1 tháng, ngày 15/9, đoàn có quay trở lại lấy mẫu, nếu trại nào âm tính thì cho bán.

Vẫn theo ông Tuấn, có trường hợp khi báo lại cho chủ trại biết có chất cấm thì trong thực tế họ đã bán heo “dương tính” cho thương lái gần hết do thông tin đến chậm.

“Các hộ nuôi nhỏ lẻ khoảng 50 con chắc không sử dụng chất cấm, đa số là các trại lớn từ 100 con trở lên là có thể sử dụng chất cấm, từ hai nguồn: một là thương lái đưa chất cấm “ép” chủ trại cho heo ăn, sau đó mua lại với giá cao; hai là, từ các Cty thuốc thú y và thức ăn bổ sung tăng trọng.

Trong đó, nguồn gốc chất cấm do thương lái cung cấp chủ yếu là tin đồn, dân nói lại không bắt được quả tang, còn thức ăn bổ sung tăng trọng do các nhân viên tiếp thị mang bán trực tiếp cho các trại thì hà rầm, ở đâu cũng có” - ông Chủ tịch xã Xuân Đông nói.

Chất cấm ở đâu?

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, một chủ trại nuôi với 240 con ở ấp Tân Ninh cho biết, vừa qua ông có bán một lô heo 40 con cho một thương lái tên Hòa đưa lên TP.HCM để “sang” tay cho một thương lái khác tên Thủy đưa vào lò mổ. Trong đợt kiểm tra của Chi cục Thú y TP.HCM vừa qua đã phát hiện lô heo của bà Thủy đưa vào lò mổ dính chất cấm.

Sau khi truy xuất nguồn gốc, hộ ông Dũng bị các cơ quan chức năng mời lên. “Tui nói rõ không biết chất cấm đưa vào từ nguồn nào, nhưng trước đó tôi có cho ăn thức ăn tăng trọng “bung đùi, tạo nạc” của một nhân viên tiếp thị với giá 350 ngàn đồng/kg, theo hướng dẫn cho heo ăn trong khoảng 1 tháng trước khi heo xuất chuồng”.

Khi được hỏi thức ăn tăng trọng tên gì, của Cty nào SX thì ông Dũng trả lời: “Không nhớ tên gì của Cty nào, nhưng tui đã làm cam kết với công an là không sử dụng chất cấm, còn đến nay chưa biết xử lý như thế nào, ở TP.HCM hay ở tỉnh?”.

Bất ngờ mới đây, chiều ngày 9/9/2015 trong lúc đến kiểm tra trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Truyền, đoàn kiểm tra của tỉnh gồm Thanh tra Sở NN-PTNT và Công an kinh tế đã bắt quả tang ông Huỳnh Thanh Hùng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đang cung cấp 1 thùng sản phẩm “tăng trọng heo thịt” Gopimix (30 kg/thùng) được quảng cáo trên bao bì là SX theo tiêu chuẩn “Công nghệ châu Âu, nguyên liệu nhập khẩu” để bán cho ông Truyền giá 1.500.000 đồng.

Theo nhận định của đoàn kiểm tra: “Đây là sản phẩm không có trong danh mục được phép lưu hành của Cty TNHH Dinh Dưỡng Heo Vàng, địa chỉ ở G30, tổ 33, KP3, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, ĐT 0612227565. Tuy nhiên sau khi nghe đoàn mời về làm việc nhằm làm rõ nguồn gốc sản phẩm và Cty “Heo vàng” thì “ông Huỳnh Thanh Hùng xin đi mua thuốc lá, sau đó đối tượng bỏ trốn” (trích nguyên văn biên bản làm việc ngày 9/9).

Điều đáng nói là sản phẩm Gopimix “không nằm trong danh mục” lại được các trại chăn nuôi trong xã Xuân Đông sử dụng khá phổ biến lâu nay, trong đó có một số hộ cho heo ăn bị dính.. chất cấm!

15-13-57_3
Sản phẩm Gopimix “không có trong danh mục” được ông Nguyễn Quốc Thống sử dụng từ 2 năm nay

Điển hình là hộ ông Nguyễn Quốc Thống nuôi 200 con. Ông Thống thừa nhận đã sử dụng sản phẩm tăng trọng Gopimix của Cty Heo vàng từ hai năm nay. Ngày 19/8 thì bị đoàn kiểm tra lấy mẫu lô heo gần 100 con bị dính chất cấm. Theo hướng dẫn của Cty, heo thịt có trọng lượng 30 kg trở lên là trộn Gopimix với thức ăn hỗn hợp cho đến khi xuất chuồng.

“Tiền Giang là điểm nóng về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn ở đây rất chậm” - Ông Phạm Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ kiểm tra, xử lý các vi phạm trong SXKD, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - Bộ NN-PTNT.

Bình quân 1 tháng ông Thống sử dụng 1 thùng, cho ăn sản phẩm “tăng trọng tạo nạc” nói trên nhận thấy dáng heo đẹp hơn, đùi mông nở ra, so với sản phẩm Samurai của Cty Khoa Nguyên (bài “Có bao nhiêu DN thú y 'đen' như Khoa Nguyên?") thì một chín, một mười. Ngoài ra, ông Thống còn sử dụng các sản phẩm khác của Heo vàng như sản phẩm thú y long đờm, canxi và men.

Hiện nay tất cả các sản phẩm thú y và thức ăn tăng trọng của Cty Heo vàng có trại của ông Thống đã bị đoàn kiểm tra thu hồi bao gồm 1 thùng Gopimix, 1 thùng canxi và một loại sản phẩm thú y khác trị giá khoảng 3 triệu đồng.

“Ngày 15/9, tức gần 1 tháng sau, đoàn kiểm tra có xuống lấy 2 mẫu nước tiểu đàn heo, sau khi thử nhanh cho kết quả âm tính. Từ đó, họ cho phép tôi được bán đàn heo.

Tuy nhiên, sản phẩm Gopimix có chứa chất cấm hay không thì chưa nghe trên tỉnh thông báo, trong khi người của Cty Heo vàng không dám xuống đây, nhưng lại điện thoại cho tôi đòi tiền” - ông Thống nói.

Xác minh về Cty Heo vàng, chúng tôi càng bất ngờ khi được biết Cty này trước đây có tên là Đất Quảng. Năm 2010, Cty Đất Quảng từng bị ngành chức năng tỉnh Đồng Nai xử phạt 19,5 triệu đồng về thức ăn bổ sung có chất cấm.

Đến năm 2012, Cty Heo vàng lại bị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện sản phẩm B.ComplexC (bột hòa tan kích thích thèm ăn và tăng trọng nhanh - PV) dạng gói 1 kg cũng chứa chất cấm. Nói về công ty này, ông Nguyễn Chí Hiền, Chi cục phó CCTY Đồng Nai lắc đầu bảo: “Có đến kiểm tra cũng khó vì có ai đâu, hơn nữa Cty nằm tận sâu trong hẻm hóc”.

ĐỖ QUYÊN

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.