Gian hàng thịt sạch tại chợ Đầm Quy Nhơn (ảnh: ĐT) |
Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua mà chính sách đầy ưu ái này chẳng có mấy nhà đầu tư quan tâm, kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 31 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung của tỉnh này hầu như đã bị “cháy”! Nguyên nhân do đâu?
“Trải thảm”
Với quyết tâm đưa việc giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn dần đi vào quy củ, ngay từ năm 2014 Bình Định đã đề ra chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung giai đoạn 2015 - 2020 vào nghị quyết với nhiều ưu ái cho nhà đầu tư.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, chặt chẽ với nhiều giải pháp.
Theo đề án, từ năm 2015 đến năm 2020, Bình Định sẽ xây dựng 31 cơ sở giết mổ GSGC tập trung tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung và người đưa GSGC vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung đều được Nhà nước hỗ trợ.
Riêng nhà đầu tư thì được miễn tiền thuê đất suốt thời hạn thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tại các huyện miền núi và trung du như: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát; miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất.
Trường hợp nhà đầu tư nào đi tiên phong, xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung trong những năm đầu thực hiện đề án (từ năm 2015-2017) sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng tường rào, đường giao thông, điện lưới, nhà xưởng, mua thiết bị. Các cá nhân đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung trong giai đoạn này cũng được Nhà nước hỗ trợ 100% phí dịch vụ giết mổ, phí kiểm soát giết mổ GSGC trong năm thứ nhất và 50% cho năm thứ 2 kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động.
Vắng bóng nhà đầu tư
Tuy Bình Định đã đề ra những chính sách gần như là “trải thảm” như trên, nhưng từ năm 2015 đến nay mới chỉ có 2 nhà đầu tư tham gia xây dựng 2 cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn TP Quy Nhơn, còn ở tuyến huyện, thị xã thì tịnh không có nhà đầu tư nào tham gia. 2 cơ sở đang được xây dựng thì cũng chẳng được thông suốt, ì ạch suốt mấy năm qua không đảm bảo tiến độ.
Một gian hàng thịt heo ở chợ quê (ảnh: ĐT) |
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cơ sở giết mổ tập trung của Cty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định được xây dựng tại phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) với công suất 400 con heo/ngày hoặc 200 con heo và 2.000 con gà/ngày; và cơ sở Cty TNHH Sản xuất – chế biến thực phẩm Quy Nhơn được xây dựng tại khu vực 3, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) với công suất 200 con heo, 30 con trâu bò, 2.000 con gia cầm/ngày lẽ ra đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 vừa qua, nhưng do gặp nhiều rắc trở nên hết quý 1/2018 mới có thể đi vào hoạt động. “Quyết tâm ban đầu là vậy, nhưng đến giờ này chúng tôi xác định kế hoạch đến năm 2020 sẽ xây dựng 31 cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn là bất khả thi”, ông Hổ nói.
Nguyên nhân ông Hổ dẫn ra là dù tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng chẳng có mấy nhà đầu tư tham gia vì họ sợ xây dựng xong sẽ không có người đưa GSGC vào mổ.
“Tâm lý của người dân là nếu đưa GSGC vào lò mổ tập trung thì sẽ không tiêu thụ được những con heo chết, heo bệnh, vì tại các lò giết mổ tập trung quản lý rất chặt vấn đề VSATTP. Giết mổ động vật tại nhà vừa mổ được heo bệnh, heo chết kiếm lãi to, vừa tận dụng được nhân công tại nhà nên có chi phí giết mổ thấp. Đây là thực tế gây đau đầu cho ngành chức năng, vì tình trạng này có nguy cơ dẫn đến dịch bệnh lây lan và gây ô nhiễm môi trường.
“Để khống chế dịch bệnh, trong năm 2017 Bình Định đã chi ra gần 10 tỷ đồng để mua vacxin tiêm phòng cho GSGC. Tại những địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ GSGC tập trung, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ tại chợ để đảm bảo VSATTP. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát từ khâu chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi, nhất là việc sử dụng chất cấm và sử dụng bổ sung những chất an thần”, ông Phan Trọng Hổ. |