Cái chết của cô giáo trẻ Quy Nhơn đang còn gây bàng hoàng trong toàn xã hội. Dòng thư tuyệt mệnh “Em mong khi em đi rồi, tuyệt đối không cho một ai là giáo viên đến viếng em. Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả...", dòng thư như dao sắc cứa vào lòng với bao nhiêu câu hỏi về thực trạng nền giáo dục nước nhà. Cũng cái chết và dòng thư ấy đã thổi bùng lên trong tôi “mười cơn gió bụi” dạy học, những gió bụi không sao xóa đi được dù một quãng thời gian làm thầy thật ngắn ngủi.
Tôi đau buồn rời khỏi ngành giáo dục vào đúng lúc dịch COVID lan tràn cả nước, nhà trường phải chuyển sang dạy và học online. Khó khăn muôn vàn. Rời đi, bao nhiêu ngổn ngang trong lòng, những dự định chưa kịp thực hiện, những giấc mơ dang dở…
Suốt hai năm dịch dã, dù đã là “người ngoài” nhưng mỗi ngày vẫn đọc, vẫn nghe đồng nghiệp và học sinh kể chuyện... nhà trường. Điều khiến tôi thấy ngạc nhiên nhất không phải là những gian nan, cũng không phải là cách mà mọi thứ đã đi qua, mà là tâm trạng có phần… hạnh phúc của những học sinh và đồng nghiệp tôi.
Hạnh phúc, có vô tâm và tàn nhẫn lắm không trong cảnh tang thương ấy?
Một đồng nghiệp tôi rủ rỉ nói, “Chỉ mong được dạy online mãi, vì không phải nhìn thấy “họ”. Sợ nhất là những ngày lên trường, nhìn thấy hiệu trưởng và hiệu phó. Họ có thể vớ lấy mình mà chửi bất cứ khi nào, ngay cả trước mặt học sinh. Mỗi lần họp hội đồng sư phạm xong là cảm giác như vừa trở về từ một cuộc tra tấn. Người ta quát tháo, dạy dỗ, xúc phạm, đe dọa… Nhà trường luôn như một khẩu súng mà đạn đã lên nòng.
Giáo viên không nói về chuyên môn, không trò chuyện về sách vở, không bàn về dạy học. Ở trường, họ chỉ nói về đất đai, cả trường làm cò đất. Người thì vừa trúng một miếng lớn, kẻ thì vừa tậu được xe mới. Người ta chia phe trong trường, nói xấu, kèn cựa, ganh ghét. Mỗi tiết dạy, ngoài hành lang luôn có những cái bóng đi lại, người ta hoặc đứng nép vào nghe, hoặc cầm sổ ghi, có khi nhảy bổ vào lớp quát giáo viên ngay trước mặt học sinh.
Thành tích, thành tích, và thành tích. Chỉ còn thành tích. Tại sao điểm trung bình của cô lại chừng này, tại sao lớp thầy lại có em bị điểm kia. Dạy dỗ như vậy thì còn ra thể thống gì! Nhà trường trở thành một nơi đáng sợ, nó ngột ngạt, bức bí vừa đầy sợ hãi, vừa bất cần thách thức.
Dịch, ở nhà dạy online, hạnh phúc. Chỉ có thầy và trò, được dạy theo cách của mình, được nói theo cách của mình, không có những cái bóng đi lại ngoài hành lang, không có những buổi nêu tên giáo viên trên bảng tên của trường mỗi sáng thứ 2, không có những lời đe dọa, cũng không phải nghe chuyện buôn đất bán vườn… Bạn nói, học trò học vui, chúng vẫn thi được điểm cao, còn thầy thì mập lên, không còn gầy xác ve như trước nữa. Chỉ ước được dạy online mãi!
Ôi, hạnh phúc, cái hạnh phúc thật chua chát. Tôi lại nhớ một người bạn trước đây làm chuyên viên ở một Sở. Hắn bảo, mỗi sáng đến cổng cơ quan, dừng xe đứng nhìn vào, rồi nhìn ra đường, phải đánh vật mất một lúc mới rồ máy qua cổng. Hắn vật lộn trước cổng cơ quan như thế được 3 năm, thì bỏ. Tôi nhớ cái hình ảnh ấy, vì nó cũng là hình ảnh của mình. Tôi cũng từng “bâng khuâng” như thế mỗi ngày đến trường. Bước vào hay quay ra? Sau mấy năm lưỡng lự, rồi cũng đến một ngày tôi đã không còn bước vào đó thêm một lần nào nữa.
Đã có bao nhiêu người bạn đồng nghiệp của tôi chọn bước ra như thế? Chỉ một cái tổ chuyên môn chưa tới 10 người mà trong 7 năm đã có hơn 10 người ra đi. Đa số là những người “đáng mặt”. Giải thoát ư? Hạnh phúc ư? Không, đó chỉ là những cuộc trốn chạy.
Người ta ra đi, để lại sau lưng tình yêu của mình, bỏ lại sau lưng những giấc mơ và hoài bão, bỏ lại một quãng đời tuổi trẻ để bước vào một quãng đời mới không hẹn ước thề nguyền.
Bây giờ thì dịch đã qua đi, trường học đã trở lại như xưa. “Như xưa”, cái như xưa vừa mừng vừa sợ, vừa yêu vừa ghét. Những người đồng nghiệp của tôi trên khắp mọi miền đất nước, họ nói rằng, vì học trò, chỉ còn học trò thôi. Mặc kệ, đến trường với học trò, hết giờ thì xách cặp đi thẳng ra nhà xe.
Đúng giờ, có lẽ chưa bao giờ người ta đi dạy và đi học lại đúng giờ như thời này. Nhớ xưa, chúng tôi đi học thật sớm, đến trường để chơi với nhau, khi trống điểm thì mồ hôi đã đầm đìa. Nhưng nay thì sắp đến giờ vào lớp mà bọn trẻ con còn nấn ná phụng phịu, chúng tính chính xác đến từng phút. Tới trường là vào giờ học luôn, tan học là thẳng đường ra về. Giáo viên, giáo viên cũng thế, từ nhà xe đi thẳng lên lớp, và từ lớp xuống thẳng nhà xe.
Người ta không muốn gặp nhau nữa. Ai cũng ngại đi trên hành lang, vì sợ giáp mặt. Cứ thế, trong cái im ắng của những ngôi trường là mùi ẩm mốc, là sự ngột ngạt. Người ta cần mau mau ra khỏi đó để hít thở chút không khí trong lành.
Những vụ án, những bất công, những tai tiếng, cái đó chưa hẳn đã đáng sợ bằng sự “bình yên” kia. Cái bình yên khô khốc, bình yên rạn vỡ. Ở đó, người ta như nghe được cả những tiếng thở dài và cả những hơi nóng bị dồn lại trong lồng ngực luôn muốn vỡ tung ra.
Để tránh một cú vỡ, người ta phải đúng giờ, đúng giờ tới từng phút.
Từ bao giờ trường học đã trở nên “đúng giờ” đến thế? Làm sao để lại nghe thấy tiếng cười và những nô đùa ướt áo trên sân trường? Làm sao để thầy trò lại đi sớm về muộn? Làm sao…
Cô giáo Quy Nhơn có thể đã tìm đến với cái chết xót xa kia vì một lý do rất cụ thể nào đó mà chúng ta phải đợi cơ quan điều tra công bố. Nhưng cho dù nguyên nhân đó là gì thì từ trên những dòng thư, chúng ta hiểu hơn về những khoảng tối lớn của nền giáo dục. Và rồi, lại câu hỏi “làm sao”...