Vào lúc 21 giờ 30/10, bão số 5 đổ bộ vào Bình Định với sức gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12, sóng biển cao 4 - 5m, gây thiệt hại nặng cho tàu thuyền đánh bắt thủy sản. TX Sông Cầu (Phú Yên), địa phương láng giềng với Bình Định cũng chịu tổn thất không kém về nuôi trồng thủy sản và tàu cá.
Nhiều tàu cá hư hỏng
Theo Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định, đến trưa ngày 31/10, mức thiệt hại do bão số 5 trên địa bàn tỉnh này tuy chưa được thống kê đầy đủ nhưng đã cho thấy ngành thủy sản tổn thất nặng nề.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, vào lúc 20 giờ ngày 30/10, có 70 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang neo đậu tại Cảng Quy Nhơn thì bị gió giật làm bung neo, trôi dạt vào cầu cảng, va đập mạnh khiến những tàu cá này bị hư hỏng nghiêm trọng.
Cây cối ngã đổ gây khó khăn giao thông trên đường Thanh Niên, phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định). |
Sau khi gió giảm, có 25 tàu tự khắc phục và di chuyển vào nơi neo đậu an toàn, 45 tàu còn lại bị hư hỏng do va đập đang được Ban quản lý Cảng cá Bình Định phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn đánh giá thiệt hại để hỗ trợ.
Cũng trong đêm 30/10, có 4 tàu cá vỏ thép đang neo đậu ở Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) cũng bị trôi neo nhưng đã khắc phục được ngay sau đó. Sự cố tàu cá bức neo trôi dạt trong đêm bão không gây thiệt hại về người. Đặc biệt có 1 tàu cá cùng 3 thuyền viên bị trôi ra khỏi Cảng cá Quy Nhơn, nhưng được Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn hỗ trợ lai dắt an toàn.
Đến 22 giờ ngày 30/10, vùng cảng biển Quy Nhơn có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10, sóng biển cao 4 - 5m. Tại thời điểm này có 7 chiếc tàu hàng đang neo đậu tránh bão tại vùng biển Quy Nhơn bị gió giật trôi neo tại vùng nước Cảng Quy Nhơn. Trong 7 chiếc tàu hàng bị nạn có 6 chiếc quốc tịch Việt Nam, 1 chiếc quốc tịch Panama, tổng số thuyền viên trên 7 tàu hàng là 67 người.
Ngay trong đêm, 3 tàu đã tự khắc phục và tìm nơi neo đậu an toàn; 1 tàu trôi ra biển, nhưng nhờ máy vẫn hoạt động nên sau đó đã khắc phục được và kịp thời tìm nơi neo đậu an toàn vào lúc 0 giờ 30 ngày 31/10.
Riêng 3 tàu bị mắc cạn đã được Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tìm giải pháp hỗ trợ, dự kiến 3 tàu nói trên sẽ thoát khỏi nơi mắc cạn trong ngày 31/10. Tất cả 67 thuyền viên trên 7 tàu hàng đều an toàn.
Nhà người dân xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) bị trốc móng trong bão số 5. |
Thị xã Sông Cầu (Phú Yên), địa phương láng giềng của Bình Định cũng có tổn thất lớn về thủy sản, nhất là tàu thuyền đánh cá. Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, bão số 5 đã nhấn chìm của ngư dân Sông Cầu 32 chiếc tàu cá có công suất từ dưới 20CV đến 34CV, địa phương bị thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Tịnh với 11 chiếc.
Về lồng bè nuôi trồng thủy sản thì ở xã Xuân Phương có 4 bè bị sóng đánh vỡ; xã Xuân Lộc có 80ha ao đìa bị ngập, trong đó có 50ha còn đang nuôi thủy sản, ước thiệt hại 800 triệu đồng; xã Xuân Đài có 4 đìa bị vỡ hư hỏng 100% với diện tích 9.700m2, ước thiệt hại 150 triệu đồng; xã Xuân Cảnh có 4 đìa bị vỡ; xã Xuân Bình có 7 ao đìa nuôi tôm cá bị tràn bờ, 1 bè nuôi cá mú tại thôn Tuyết Diêm bị nước tràn vào gây thiệt hại 7 tạ cá, thôn Tuyết Diêm còn tổn thất 430 tấn muối dự trữ.
Hàng trăm nhà sập, tốc mái
Đến trưa 31/10, những địa phương trong vùng tâm bão số 5 tuy chưa có ghi nhận thiệt hại về người, nhưng đã có hàng trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn và bị tốc mái.
Tại Bình Định, tuy các địa phương chưa báo cáo đầy đủ, nhưng đến trưa 30/10, trên địa bàn tỉnh này đã có 144 căn nhà bị sập hoàn toàn, 333 nhà bị hư hỏng, 250 nhà bị ngập nước.
Diện tích lúa vụ 3 chưa kịp thu hoạch và các loại hoa màu khác bị ngập 4.500ha; 20ha nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; hàng trăm cây xanh bị ngã đổ khu vực TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước; 50 phòng học bị tốc mái và hư hỏng. Về điện lực và viễn thông có 34 cột cao thế, 22 cột hạ thế bị gãy đổ; 10km đường dây điện bị đứt; 1 trụ ăng ten bị đổ, 20km cáp quang các loại bị đứt. Tổng thiệt hại ước tính 250 tỷ đồng.
Chị Bùi Thị Thanh trong căn nhà bị tốc mái hoàn toàn của mình. |
TX An Nhơn là địa phương có gió mạnh nhất Bình Định trong bão số 5 với gió giật cấp 11, nên mức độ thiệt hại ở đây rất nặng nề về nhà cửa.
Sáng 31/10, vợ chồng chị Bùi Thị Thanh (58 tuổi) ở khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) đang vất vả tìm cách gỡ 2 mái tôn của căn nhà trên và nhà giữa của chị bị bão bê nguyên giàn cây quăng sang vườn nhà bên cạnh, gác trên nững cây chuối.
Đứng trong căn nhà bị tốc mái hoàn toàn của mình, chị Thanh nhớ lại: “Vào lúc 1 giờ sáng ngày 31/10, lúc ấy gió to dữ dội, vợ chồng tôi đang nằm trong nhà thì nghe mái tôn giật ầm ầm. Sợ quá, 2 vợ chồng dắt nhau xuống bếp trú. Không bao lâu sau gió bê nguyên dàn gỗ của mái tôn căn nhà trên và cả nhà giữa quăng sang vườn nhà bên cạnh. Lúc ngôi nhà không còn mái tôn chằng chống, vợ chồng tôi cứ lo căn nhà sẽ bị bão xô sập tường”.
Theo ghi nhận của PV NNVN, đến 9 giờ sáng 31/10, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Châu và thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ) ngập sâu trong nước. Theo báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), phần bên phải tuyến quốc lộ 1A từ Km1155 - Km1156 và Km1161 - Km1164 qua địa bàn huyện Phù Mỹ ngập trong nước đến 0,1m, nhiều đoạn ngập sâu gần nửa mét khiến giao thông qua khu vực bị ách tắc.
Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định bị ngập sâu. |
Ông Trần Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 tại Bình Định cho biết: “Hiện đơn vị đang chỉ đạo Chi cục Quản lý đường bộ III.2 cùng đơn vị quản lý bảo trì tiến hành cẩu, nâng dải phân cách cứng để tiêu thoát nước, đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, cử cán bộ túc trực thường xuyên trên tuyến để có phương án xử lý nhanh nhất, duy trì giao thông qua khu vực, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A. Đến 10 giờ, một số đoạn qua địa bàn Bình Định vẫn còn ngập nước.
Từ khoảng 23 giờ ngày 30/10 đến 2 giờ 45 ngày 31/10, Trạm BOT Nam Bình Định (Cty TNHH Đầu tư BOT Bình Định) xả trạm, không thu phí do mất điện kéo dài. Đồng thời mưa to, gió lớn thổi từ Đông sang Tây nên không thể mở cabin để bán vé.
Hàng loạt cây cối bị gió mạnh quật ngã, nhiều diện tích cây trồng của người dân bị nước lũ nhấn chìm. Nước lớn cũng khiến một số tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi ngập sâu, cô lập.
Đà Nẵng: Dù cách tâm bão đổ bộ hơn 300km nhưng bão số 5 vẫn gây ảnh hưởng với mưa to kèm theo gió giật trên địa bàn. Vào đêm qua, gió lớn đã khiến cho hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường lớn ở các quận Liên Chiểu và Sơn Trà bị bật gốc, ngã đổ chắn ngang đường và sa vào đường dây điện khiến giao thông nhiều khu vực bị ảnh hưởng.
Quảng Nam: Đến trưa nay, tại Quảng Nam vẫn đang có mưa, đặc biệt các huyện miền núi vẫn đang mưa lớn. Tại huyện Nam Trà My, mưa to từ tối qua đến sáng nay xuất hiện từng đợt kèm theo mưa lớn đã đã gây ra thiệt hại về công trình, hạ tầng giao thông và các thiệt hại khác trên địa bàn.
Nhiều cây xanh bật gốc, ngã đỗ ở TP Đà Nẵng. |
Tuyến quốc lộ 40B nối từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My qua sông Trường và sông Nước Oa nước lớn nhanh, bị chia cắt nên xe không lưu thông được. Ngoài ra, trên tuyến đường này còn xảy ra 7 vị trí sạt lở nhỏ, trong đó có 2 vị trí đất tràn ra hơn nửa đường, đoạn Km33 và đoạn cách Nước Xa 2km.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trên địa bàn ghi nhận có 1 ngôi nhà dân ở xã Trà Mai bị tốc mái hoàn toàn; 3 ngôi nhà khác bị sạt lở đất vào nhà. Tuyến điện về các xã trên địa bàn huyện đã bị mất điện từ đêm 30/10.
Quảng Ngãi: Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn đã gây ngập úng nhiều diện tích canh tác của người dân. Riêng tại huyện Sơn Hà, theo thống kê có khoảng 100ha sắn ngập úng và 20ha keo ngã đổ do ảnh hưởng của bão số 5.
Bên cạnh đó, một số sông suối nhỏ ở các xã: Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Thủy bị ngập, cô lập cục bộ một số khu vực. Các xã Sơn Nham, Sơn Linh, Sơn Cao bị chia cắt hoàn toàn.
Ghi nhận đến trưa ngày 31/10, toàn huyện Sơn Hà có 8 ngôi nhà của người dân trên địa bàn huyện bị hư hỏng 30%. Thị trấn Di Lăng theo dõi và tổ chức di dời 6 hộ ở khu vực Nước Nia có nguy cơ bị sạt lở cao đến nơi an toàn.