| Hotline: 0983.970.780

Giao thông nông thôn thúc đẩy sản xuất, giao thương

Thứ Bảy 17/12/2022 , 09:30 (GMT+7)

Đường giao thông nông thôn được mở rộng, thuận tiện, nông sản sạch của bà con trồng ra được đưa tới những thị trường lớn, mở ra cơ hội mới, tăng thu nhập cho họ.

Lãnh đạo huyện Bảo Thắng động viên người dân hiến đấy, tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.Nga

Lãnh đạo huyện Bảo Thắng động viên người dân hiến đấy, tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.Nga

Huyện đầu tiên mở đường nông thôn lên 6m

Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai mở rộng đường giao thông nông thôn từ rộng 3m lên thành 6m. Trước đây, mặc dù đã có đường tuy nhiên việc vận chuyển nông sản của bà con vẫn gặp khó khăn do lòng đường nhỏ. Vì vậy, cả 14 xã, thị trấn thuộc huyện Bảo Thắng đồng loạt mở rộng đường giao thông và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm hướng tới việc hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Việc mở rộng đường dựa trên cơ sở người dân tham gia hiến đất, tạo nền mặt đường, tham gia ngày công đổ bê tông mặt đường, làm cống ngang, rãnh thoát nước dọc, Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, khảo sát.

Chính vì vậy, gia đoạn từ nay đến 2025, huyện Bảo Thắng đề ra mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch.

Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn, lựa chon các tuyến đường tập trung động dân cư, nhu cầu đi lại nhiều để mở rộng mặt đường trước, bê tông hóa sau.

Đây cũng là nguyện vọng của đa số người dân nên bà con đồng thuận góp sức, hiến đất để tạo thuận lợi cho việc mở rộng đường.

Theo ông Triệu Kim Phấu, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), đường của thôn trước đây chỉ khoảng 4m nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con gặp khó khăn nhất là khi 2 xe đi ngược chiều nhau. Do vậy, từ việc vận động của chính quyền địa phương, bà con nhân dân đã hiến đất mở rộng lòng đường. Khi giao thông thuận lợi thì chính người dân sẽ được hưởng lợi.

Mới đây, UBND xã Phú Nhuận tiếp tục xây dựng đường bê tông xi măng tuyến đường Phú Thịnh 2 đi thôn Phú Sơn có chiều dài 1,8 km, mở rộng 6m, được đổ bê tông xi măng dày 20cm. Đường được thiết kế phục vụ cho các phương tiện giao thông thô sơ tải trọng trục tiêu chuẩn để thiết kế công trình đường là 6t/trục và tốc độ phương tiện lưu thông tối đa là 15km/h. Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 2 tỷ đồng. Nguồn vốn do ngân sách tỉnh, huyện, xã và nhân dân đóng góp.

Để mở rộng tuyến đường này có gần 20 hộ dân trong thôn tự nguyện hiến gần 5.000m2 đất, tự nguyện di dời cây cối để giải phóng mặt bằng đảm bảo cho tiến độ thi công con đường. Dự kiến con đường này sẽ được đưa vào sử dụng trước tết Nguyên Đán năm 2023.

Mô hình liên kết trồng nông sản sạch mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: T.Nga

Mô hình liên kết trồng nông sản sạch mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: T.Nga

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập người dân

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, xây dựng giao thông nông thôn, huyện Bảo Thắng xây dựng vùng rau an toàn. Trong đó, lựa chọn những diện tích mầu để triển khai thực hiện.

Theo bà Vương Thị Loan, thôn Soi Cờ của xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), gia đình tôi trước đây trồng ngô nhưng thu nhập rất thấp nên đã chuyển sang trồng 3 sào dưa leo. Sau 45 ngày dưa leo đã cho thu hoạch và được thu mua với giá 6.000 đồng/kg. Ước vụ dưa leo năm nay thu về khoảng trên 3 tấn quả với trị giá trên 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, gia đình bà còn trồng thêm 3 sào đậu cô ve để không lãng phí đất canh tác và gia đình có thêm thu nhập.

Gia đình bà Đoàn Thị Thương vụ đông này cũng thực hiện chuyển đổi sang trồng 3 sào đậu đũa leo dàn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Do vậy, gia đình bà rất yên tâm về đầu ra, không lo lắng được mùa thì giá bán rẻ như trước đây. Giống đậu của đơn vị đối tác cung cấp cho thấy hiệu quả cao hơn các loại cây trồng khác vì phù hợp chất đất, phương pháp canh tác. Hiện đơn vị liên kết thu mua tại vường với 8.000 đồng/kg. Ước tính mùa thu hoạch này gia đình bà sẽ thu 3,5 tấn quả, trừ chi phí cũng có lãi ít nhất 20 triệu đồng.

Còn bà Trần Thị Hảo cùng thôn Soi Cờ sau khi chuyển diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bắp cải đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Đây cũng là một mô hình liên kết giữa người dân với doanh nghiệp từ cấp cây con giống, hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc tới thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Có được những kết quả trên là do việc huyện Bảo Thắng đã triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Hiện nay, xã Gia Phú có khoảng 40 ha cây rau màu các loại trong đó hơn một nửa là rau an toàn, nên giá bán cao hơn hẳn so với cách sản xuất nông sản theo cách truyền thống. Bà con nông dân thấy được lợi ích nên tích cực tham gia liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản bởi vậy giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất