| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đã tới tay người dân

Thứ Hai 12/12/2022 , 08:12 (GMT+7)

Hàng trăm tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đã được chi trả cho người dân qua đó tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng hơn.

Thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và gắn bó hơn với rừng. Ảnh: T.L

Thụ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống và gắn bó hơn với rừng. Ảnh: .

Gắn bó hơn với rừng

Từ năm 2012 đến nay, việc thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đảm bảo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Từ khi thực hiện chính sách đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả hơn 635,1 tỷ đồng đến các đối tượng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng, đúng diện tích rừng được hưởng. Quá trình thực hiện không có khiếu nại, thắc mắc phát sinh, đảm bảo việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng công khai, minh bạch.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai đã tạo một nguồn thu mới, ổn định lâu dài đối với người làm nghề rừng. Ngoài việc góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, thông qua việc thực thi chính sách, ý thức của người dân cũng dần dần được nâng cao, đời sống của bà con khấm khá hơn so với trước đây. Thu nhập thực tế bình quân của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ rừng đã có những cải thiện. Diện tích rừng được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng do các đơn vị quản lý được tổ chức, bảo vệ tốt, không có tình trạng vi phạm, xâm hại đến rừng.

Ông Xí Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết, có thể khẳng định, sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ nét; nhân dân tích cực tham gia công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng chống cháy rừng… Không để xảy ra vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân, việc tuyên truyền sâu rộng trong các trường học, đến các em học sinh trên địa bàn góp phần chuyển tải, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ rừng... Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng còn góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng...

Với nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, không ít cộng đồng thôn bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sinh kế, các công trình phúc lợi góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình.

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lào Cai được công khai, minh bạch. Ảnh: T.L

Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lào Cai được công khai, minh bạch. Ảnh: HB.

400 cộng đồng thôn hưởng lợi

Tính đến ngày 15/9/2022, các đơn vị thuộc đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng thực hiện ký kết 62 hợp đồng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai. Theo đó từ ngày 1/1 đến 15/9/2022, đã thu tiền dịch vụ môi trường rừng về quỹ là gần 121 tỷ đồng/148,688 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 26,2%.

Cũng từ ngày 1/1 đến ngày 15/9/2022, quỹ đã thực hiện chi trên 108 tỷ đồng, trong đó chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý trên 8 tỷ đồng; chi chủ rừng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2021 trên 100 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có gần 400 cộng đồng thôn, bản và hàng nghìn hộ gia đình được hưởng nguồn dịch vụ môi trường rừng. Nguồn quỹ này đang giúp các địa phương làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng hằng năm. Quỹ cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai để tổ chức chi trả đến hộ gia đình.

Đối với chủ rừng là tổ chức thì việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng nhận khoán, hộ nhận khoán được thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, việc chi trả đảm bảo công khai minh bạch.

Hồ sơ, hợp đồng khoán khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng đơn vị thực hiện đúng theo quy định. Các khoản chi, chứng từ thanh toán cơ bản đảm bảo định mức, đúng quy định. Qua kiểm tra, nắm bắt ngoài hiện trường đại diện các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng đều xác nhận đã nhận đủ tiền dịch vụ môi trường rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện...

Đối với UBND các xã đã xây dựng phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng gửi Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt. Nội dung chi của UBND các xã cơ bản thực hiện theo phương án sử dụng tiền và theo quy định. Qua kiểm tra, nắm bắt ngoài hiện trường các cộng đồng, thành viên tổ bảo vệ rừng đều xác nhận đã nhận đủ tiền dịch vụ môi trường rừng từ UBND các xã.

Cách làm này sẽ giúp minh bạch tiền dịch vụ môi trường rừng cũng như đảm bảo đến tay đối tượng thụ hưởng nhanh nhất.

Qua đó, gần 10 năm nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện đã giúp nhiều nông dân trồng rừng có thêm nguồn thu nhập. Thông qua việc thực hiện chính sách này đã giúp nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, trồng rừng, duy trì tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Thực hiện Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với UBND cấp xã và chủ rừng là tổ chức quản lý, trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về việc điểu chỉnh kế hoạch kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, từ ngày 27/9/2022 đến hết ngày 7/10/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với UBND cấp xã và chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2020, 2021.

Chủ rừng là tổ chức gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện Bát Xát, Bảo Yên; UBND các xã: Mường Hum (huyện Bát Xát), Điện Quan (huyện Bảo Yên), Lùng Phình (huyện Bắc Hà), Sín Chéng (huyện Si Ma Cai). Qua kiểm tra cho thấy công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng, đúng diện tích rừng được hưởng..

Bên cạnh những ưu điểm, đoàn kiểm tra cũng đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương. Trong đó, một số diện tích rừng còn có sự chồng chéo giữa các hộ gia đình, UBND cấp xã và chủ rừng là tổ chức; ở một số đơn vị, công tác giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng còn chưa kịp thời, công tác kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng còn chưa thường xuyên;

Công tác xây dựng, thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng đối với UBND các xã còn chưa thống nhất, kịp thời; Một số nội dung chi của UBND xã chưa phù hợp, chưa sát thực tế, chưa chú trọng chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương do đó chưa thực sự có hiệu quả, hồ sơ, chứng từ chi chưa đảm bảo.

Kết thúc đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra đã báo cáo đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với các sở, ngành, UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại của các đơn vị trong quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.