Nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng nhanh, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2010 đến nay, nhiều công ty lâm nghiệp ở Tuyên Quang đã bắt đầu sử dụng cây giống keo từ phương pháp nuôi cấy mô để đưa vào trồng rừng sản xuất.
Keo lai mô có tính đồng đều cao, sinh trưởng nhanh, mật độ 1.330 cây/ha, cho chất lượng gỗ tốt, đặc biệt năng suất cao gấp 4 đến 5 lần so với các giống keo thông thường. Ngoài ra, keo lai mô còn có khả năng thích ứng với nhiều lập địa khác nhau. Nếu thời gian nuôi gỗ lớn kéo dài, cây keo có khả năng cố định đạm, cải tạo đất giúp cho việc sản xuất được lâu dài, bền vững.
Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các huyện Yên Sơn, Sơn Dương triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô, với quy mô 78 ha/40 hộ tham gia. Riêng trong năm 2017 trồng được 42 ha, tại xã Xuân Vân và xã Trung Trực (huyện Yên Sơn). Năm 2018 trồng được 36 ha tại xã Lương Thiện và thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương).
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cây giống keo lai mô và 50% phân bón, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, từ khâu xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón phân đến kỹ thuật trồng, chăm sóc...
Qua theo dõi mô hình tại các hộ, phần lớn diện tích đều cho kết quả bước đầu khả quan; tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, cây keo mô sinh trưởng, phát triển nhanh, độ đồng đều cao, ít sâu bệnh hại, chiều cao và đường kính của cây vượt từ 15 - 20% so với diện tích đối chứng.
Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã triển khai nghiên cứu đề tài Ứng dụng kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng loài cây keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đề tài được thực hiện tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020.
Qua gần 3 năm triển khai đề tài, cây keo nuôi cấy mô được trồng tại các công ty lâm nghiệp và hộ dân trên địa bàn các huyện Sơn Dương và Yên Sơn đều sinh trưởng, phát triển tốt. Diện tích rừng keo lai mô 28 tháng tuổi trồng ở mật độ 1.110 cây/ha và mật độ 1.330 cây/ha đều cho mức tăng trưởng đạt từ 17,6 m3/ha đến 22,8m3/ha. Khả năng sinh trưởng về năng suất rừng trồng cao hơn hẳn so với trồng rừng đại trà tại tỉnh Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp ngày càng được tỉnh Tuyên Quang chú trọng. Tỉnh đã triển khai thực hiện thành công quy trình nhân giống keo lai nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu nuôi cấy mô công suất 1,6 triệu cây/năm của Trường Đại học Tân Trào.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện đề tài Ứng dụng kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng loài cây keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô; đề tài Nghiên cứu nhân giống bằng hạt và thử nghiệm trồng rừng theo hướng tập trung cây gáo trắng bản địa và bước đầu có kết quả tích cực.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình là một trong những đơn vị cung ứng cây giống chất lượng lớn của tỉnh Tuyên Quang. Ông Nguyễn Ngọc Tháp, Giám đốc công ty cho biết, ưu điểm của keo lai mô là cây con có độ dẻo dai nên trong quá trình vận chuyển cây ít bị gãy, cây trồng trong điều kiện thời tiết tốt tỷ lệ sống từ 95% trở lên, trong đó các giống keo khác tỷ lệ cây sống chỉ khoảng 80%.