| Hotline: 0983.970.780

Giấy thông hành cho chè Việt

Chủ Nhật 01/01/2012 , 07:30 (GMT+7)

Cả cuộc đời gắn với nghề làm chè, người phụ nữ gần lục tuần đã góp phần tôn vinh, đưa tiếng thơm nghề chè và sản phẩm chè của quê hương mình vượt trùng dương...

Cả cuộc đời gắn với nghề làm chè, người phụ nữ gần lục tuần đã góp phần tôn vinh, đưa tiếng thơm nghề chè và sản phẩm chè của quê hương mình vượt trùng dương đến tận trời Tây. Bà là Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên.

Biết chúng tôi đang chờ, bà Hiệp lái chiếc cup 81 cà tàng phi vào tận cửa trụ sở HTX. Dáng vẻ hối hả, dựng chân chống xe, bà nói, cuối năm nhiều việc quá, vừa phải đi làm giá với các cơ quan ngoài thành phố, tiện đường qua ngân hàng rút tiền về trả cho xã viên. Nhà báo thông cảm cho! Rồi bà cười. Nước da bánh mật đã lộ nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt của bà. Bà có dáng gầy, nhỏ thó, nhanh nhẹn chứa chất nắng sương đồi bãi, đong đựng những tảo tần khuya sớm.

Vậy mà khi bà diễn thuyết thì ai cũng cảm thấy như được bồi thêm nguồn sinh lực, nụ cười tươi rói, hồn hậu của bà chợt làm rạng ngời tự tin. Với vai trò chủ nhiệm HTX, bà Hiệp là người góp công lớn để sản phẩm chè Tân Hương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế UTZ Certified vào đầu tháng 11/2011. Chứng nhận UTZ Certified đã đưa chè Tân Hương trở thành sản phẩm chè đầu tiên của Việt Nam đảm bảo hội tụ đủ điều kiện để hội nhập và lưu thông trên thị trường quốc tế.

HTX chè Tân Hương do bà Hiệp làm chủ nhiệm

Nghệ nhân thẩm trà

HTX chè Tân Hương có 62 hộ xã viên. Bà Hiệp làm chủ nhiệm liên tục từ năm 2000, từ khi HTX mới thành lập đến nay. Xin nghỉ vì tuổi già thì xã viên bảo gừng càng già càng cay, nói vì công việc gia đình thì chồng con lại động viên làm tiếp. Bà tâm sự: Cả cuộc đời gắn với cây chè, say mê, nhiệt huyết làm chè, chỉ mong sao người nông dân làm chè đỡ khổ hơn, chè của quê hương mình được nhiều người biết đến và mua với giá cao hơn. Thế là mình lại lao vào xốc vác nhiệm vụ được bà con giao phó, thấm thoắt đã 11 năm rồi!

Theo quy chế, trách nhiệm của BQL HTX là tìm đầu ra để bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Phần tiêu thụ chênh lệch được chi vào thù lao và lương của BQL. Trong liên tiếp 4 năm từ 2000 đến 2004, BQL đã hoàn thành nhiệm vụ là thu mua sản phẩm chè của xã viên để bán ra thị trường nhưng các thành viên của BQL chẳng những không có lương mà còn trở thành người vác tù và hàng tổng vì cũng chẳng làm ra được tiền thù lao cho chính mình.

Bà Hiệp động viên từng thành viên trong BQL tiếp tục nỗ lực và lý giải, chúng ta phải chấp nhận thiệt thòi để HTX tồn tại. Có HTX thì người dân làm chè mới có cơ hội để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua những cơ chế, chính sách. Đó là tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ thuật làm chè; là xây dựng và phát triển thương hiệu... Theo bà, chỉ làm ra những cân chè có chất lượng đặc trưng thì mới đủ sức cạnh tranh. Tận tình với việc chỉ đạo xã viên cải tạo chè, mạnh dạn làm chè sạch, chè an toàn, bà Hiệp được cả xã phong là “nghệ nhân” thẩm chè.

Khi uống thử để nhận xét về chất lượng chè, bà làm nhiều người giật mình. Có lần, sau khi uống, bà nhận xét chè của một xã viên là chè hái xong không mang về luôn mà để lâu trên nương quá nên bị ôi, có mùi ngai ngái. Chị xã viên kia bái phục cả ... nón. Lần khác, Phó Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Nhài mời bà đến KCS. Bà Hiệp nói như đóng đinh, máy sao chè của nhà chị bị cháy, khét mùi tôn. Nghe thế, Phó Chủ nhiệm thất thần, quái sao bà ta lại "thính" thế?

Đến giờ thì Phó Chủ nhiệm Nhài nhận định, đó là một cảm quan đặc biệt, năng lực thẩm trà như thế thật hiếm thấy. Uống một chén, bà Hiệp có thể biết được giống chè, phân bón cho chè, bón đạm có đảm bảo thời gian cách ly cho đến ngày thu hái không? Bà còn đọc ra được chè bị sao thiếu nhiệt hay quá lửa, những khiếm khuyết khi hái, khi sao vò...

Chất lượng của chè Tân Hương ngày càng được nâng cao. Nhưng chỉ có những khách hàng quen, những người sành trà mới dám mua với giá cao hơn giá bình quân. Nóng lòng, bà Hiệp thuê xe ô tô chở cả chè và BQL HTX về triển lãm Giảng Võ để tiếp thị bán hàng. Ban ngày ràng rạc chào hàng, khản cổ phải uống thuốc, đổ mật ong. Ban đêm, trời rét như cắt, anh chị em lại quây quầy hàng vào làm chỗ ngủ tạm. Bán nửa tháng cũng chỉ được vài tạ, vừa đủ tiền thuê xe.

Cái khó là BQL đã phải mua chè của xã viên cao hơn giá thị trường khoảng 5%. Khi bán, lại phải tăng giá hơn nữa thì mới có thù lao và lương cho anh em. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là khách hàng, là thị trường. Yếu tố này đã mang lại mức lương cho BQL HTX chè Tân Hương trong 6 năm, từ 2005 đến 2010 với vỏn vẹn vài chục ngàn đồng/người/tháng. Thế là thất bại, làm gì được bây giờ, chẳng lẽ giải thể HTX?

Cơ duyên

Đầu năm 2011, khi tham gia một hội thảo về nâng cao chất lượng sản phẩm chè nông nghiệp, bà Hiệp nghe được cái gọi là chứng nhận UTZ Certified. Qua tìm hiểu, bà khẳng định, đây chính là thời cơ, là chìa khoá để mở ra thành công cho HTX. Bà Hiệp nói làu làu: UTZ là "tốt" theo tiếng Maya, UTZ Certified là một chương trình chứng nhận toàn cầu cho hoạt động sản xuất và buôn bán trà có trách nhiệm.

Bộ nguyên tắc UTZ Certified đề cập đến những vấn đề như các tiêu chuẩn về lưu giữ hồ sơ, việc sử dụng một cách tối thiểu và có ghi chép các hoá chất bảo vệ thực vật, bảo hộ quyền lao động và tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đối với người lao động và gia đình của họ. Bà Hiệp lại họp BQL HTX diễn thuyết rồi tập hợp xã viên và yêu cầu thực hiện sản xuất để được cấp chứng nhận UTZ. Từ tháng 6/2011, HTX được chọn là đơn vị tiến hành tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ Certified.

Bà Lê Hồng Vân, Trưởng đại diện Solidaridad - tổ chức hỗ trợ chứng nhận nhận xét, chị Hiệp thực sự là một nông dân kiểu mẫu ở Tân Hương với khát vọng và sự hăng say cháy bỏng để đưa sản phẩm chè Tân Hương đạt đến đẳng cấp quốc tế.

Còn bà Hiệp lại chỉ khiêm tốn rằng, nếu xã viên HTX không có sự đoàn kết, đồng lòng thì bà không làm được việc gì cả.

Tham gia thực hiện chứng nhận, HTX chè Tân Hương đã tập hợp được 37 hộ xã viên với diện tích chè 10,25 ha và sản lượng 28 tấn. Các hộ được chia làm 7 tổ, các tổ trưởng có trách nhiệm đôn đốc và giám sát việc tuân thủ của từng hộ dân đối với các quy định thực hành sản xuất theo chứng nhận UTZ Certified. Khi hệ thống quản lý nội bộ được hình thành, việc giám sát công việc sản xuất và chế biến được tiến hành bất thường. Bà Hiệp cho biết, toàn bộ sản phẩm được chứng nhận đảm bảo có thể truy nguyên nguồn gốc đến từng hộ sản xuất. Làm chứng nhận UTZ Certified thì phải thực hiện việc ghi chép luân chuyển từ hộ gia đình đến HTX và ra thị trường, ghi chép sổ sách cho từng lô đầu vào và đầu ra cho đến tận tay người mua hay trên từng bao bì với ký hiệu lô cụ thể.

Bà Hiệp kể, khi họp xã viên để trình bày kế hoạch làm chứng nhận UTZ đã có không ít người phản đối. Đến lúc thực hiện, nhiều xã viên làm sai quy trình hướng dẫn, vậy là cả BQL phải đến từng nhà kiểm tra, giám sát rồi hướng dẫn thực hiện lại. Khi vận động đã khó, đến lúc thực hiện càng khó. Xã viênmình quanh năm chân lấm tay bùn đâu có quen ghi chép. Mình phải khéo léo uốn nắn không lại bị tự ái, bỏ dở giữa chừng. Điều bà Hiệp tâm niệm là sản phẩm cuối cùng sẽ thuyết phục được các xã viên cũng như sự đón nhận của thị trường.

Và bà đã đúng! 28 tấn chè đầu tiên làm theo tiêu chuẩn UTZ đã được bao tiêu với giá cao ngất là 300.000đồng/kg (gấp 2 lần giá thị trường). Trong lễ trao chứng nhận, ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đã khẳng định, Hiệp hội sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè UTZ Tân Hương. Đến giờ thì các xã viên của HTX đã thuần thục áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, bón phân hợp lý, sử dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp, sản phẩm được thu hái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không dư lượng hoá chất, đảm bảo lưu giữ và chế biến trong điều kiện vệ sinh

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.