| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đàn bò hiệu quả

Thứ Tư 11/12/2019 , 08:35 (GMT+7)

Ứng dụng thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh dạng cọng rạ là biện pháp kỹ thuật quan trọng đẩy nhanh tiến bộ di truyền đối với phát triển chăn nuôi bò.

14-02-27_2
Thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò ngoại đông lạnh dạng cọng rạ được thực hiện trên nền bò cái có trọng lượng lớn.

Kèm theo đó, việc vỗ béo bò trước lúc xuất bán giúp phát huy được tiềm năng di truyền và hiệu quả kinh tế.

Bà Bùi Thị Nê, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết, gia đình bà nuôi bò sinh sản 13 năm qua. Trước đây, phối tinh bò giống địa phương, một con bê từ lúc sinh ra đến lúc xuất bán 13 tháng chỉ thu về trên dưới 10 triệu đồng. Năm 2018, bà được hỗ trợ thụ tinh nhân tạo (TTNT) giống bò BBB thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

“Bò được TTNT bằng tinh ngoại giống BBB, bê sinh ra rất lớn, ít dịch bệnh, hay ăn, chóng lớn. Vừa rồi, tôi xuất bán một con bê BBB, nuôi hơn 6 tháng được gần 20 triệu đồng. Sau khi được dự án hỗ trợ, thấy hiệu quả, gia đình tôi đã chủ động TTNT giống bò BBB. Các hộ dân ở đây hiện cũng rất ưa chuộng sử dụng tinh bò ngoại để phối giống”- bà Nê cho hay.

Nông dân Trần Quang Chung cũng đánh giá rất cao chương trình cải tạo đàn bò địa phương đang thực hiện tại xã Hà Tiến: “Qua các buổi tập huấn, nhờ có tài liệu, 3 năm nay đàn bò ở đây phát triển mạnh.

Nhưng để có lãi nhiều hơn nữa thì chúng tôi vẫn cần được bổ trợ thêm kiến thức về chăn nuôi bò lai, vỗ béo và nguồn vốn. Bò, bê của chúng tôi hiện nay chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, nếu hình thành được các chuỗi sản xuất, cung ứng thì rất tốt…”.

14-02-27_3
Chất lượng đàn bò địa phương được cải tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trước tình hình đàn bò các địa phương có thể trạng nhỏ, năng suất thịt thấp, nhiều giống bò có dấu hiệu thoái hóa, năm 2016, Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cải tạo các vùng chăn nuôi chính.

Dự án được trải đều ở các tỉnh Bắc, Trung, Nam, tập trung ở các địa phương miền núi, sử dụng tinh bò ngoại Zebu, Droughtmaste và BBB. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã cho thấy hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng.

Riêng năm 2019, dự án đã xây dựng được 5 mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT tại các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên với quy mô 997 con, 350 hộ tham gia. Bò cái làm nền sinh sản là giống bò vàng Việt Nam có khối lượng trên 180 kg hoặc những bò cái Zebu (F1, F2) có khối lượng lớn hơn 220 kg, đủ tiêu chuẩn làm giống để làm nền lai tạo.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% vật tư, cơ sở để hỗ trợ là xác định những bò phối giống đã có chửa. Kết quả phối chửa đạt trên 75%, cao hơn nhiều so với yêu cầu đặt ra khi thực hiện dự án, cho ra đời trên 1.000 con bê lai.

Vỗ béo bò thịt trong nông hộ thực hiện được 5 mô hình với 10 điểm trình diễn, tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, quy mô 1.025 con bò. Thời gian vỗ béo tùy theo đối tượng vỗ béo, trung bình 90 ngày/chu kỳ và đạt trọng lượng 21 kg/tháng, hiệu quả kinh tế cao hơn 12-15% so với bò nuôi ngoài dự án.

Mỗi bò TTNT 1 năm tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 4-5 triệu đồng, riêng bò BBB có giá trị cao hơn bò thường 8-9 triệu đồng/con. Năm 2019 còn có 600 lượt nông dân ngoài mô hình được tập huấn kỹ thuật TTNT và kỹ thuật vỗ béo bò thịt; 285 lượt nông dân tham quan học tập. Dự án thực sự phù hợp với điều kiện chăn nuôi của các tỉnh triển khai và có khả năng nhân ra diện rộng thông qua hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội.

14-02-27_4
Dự án được người chăn nuôi và các địa phương đánh giá rất cao.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, cải tạo đàn bò là một chương trình lớn của Bộ NN-PTNT. Dự án đã đáp ứng nhu cầu về cải tạo đàn bò địa phương, nâng cao năng suất, sản lượng đàn bò. Với tình hình dịch bệnh lợn, nhiều địa phương chuyển sang các loại vật nuôi khác, bò thịt là đối tượng rất được quan tâm, nhất là khi sữa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

“Giai đoạn 2020-2022, chăn nuôi bò thịt sẽ rất quan trọng. Dự án phải làm sao để người dân phát triển chăn nuôi bò thịt gắn với sử dụng các chế phẩm vi sinh, chăn nuôi gắn với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Kết thúc dự án, quan trọng là phải nhân rộng các mô hình từ ngân sách địa phương, ngân sách chính người dân. Còn nguồn hỗ trợ của khuyến nông chỉ là chính sách mồi”, bà Hạnh chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.