Chăm sóc đàn bò |
Mô hình được thực hiện với quy mô 90 con bò và 18.000 m2 trồng cỏ VA06 và cỏ Ghine. 90 hộ dân tại thôn Giọt 1, Giọt 2, Kon Giang, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn đã tham gia thực hiện.
Mô hình được triển khai nằm trong chương trình Xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế và tập huấn giữa Ban Quản lý dự án Phục hồi - Quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Bình Định (Dự án JICA2) và Trung tâm Khuyến nông Bình Định.
Các hộ tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 100% chi phí cỏ giống, phân bón và công phối tinh, bên cạnh đó còn được cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định, khuyến nông viên, cán bộ thú y xã Vĩnh An hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên việc thực hiện mô hình còn nhiều khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn rộng, tập trung chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả thụ tinh nhân tạo và công tác kiểm tra.
Qua 2 năm triển khai, mô hình “Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo kết hợp trồng cỏ” tuy có chậm về tiến độ thực hiện nhưng đã cho kết quả cao.
Các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu đề ra của mô hình: Đã phối giống thành công cho 90 bò cái với tinh bò thịt giống bò Brahman; 100% bò cái được phối giống có chửa; 15 bò cái đã đẻ, bê con sinh ra phẩm chất giống tốt, ngoại hình đẹp; trồng 1,8 ha cỏ (giống VA06 và Ghi nê) với năng suất bình quân 150 tấn/ha/năm, đảm bảo đủ thức ăn xanh cho bò trong mô hình, đồng thời tạo thêm nguồn giống cỏ mới cho địa phương.
Anh Đinh Vét ở thôn Giọt 1 là một trong những chủ hộ nuôi bò đã nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, gia đình anh quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống.
Anh Đinh Vét cho biết: “So với thụ tinh truyền thống, bê con sinh ra từ phương pháp mới này nặng hơn 3kg, sức đề kháng cũng cao hơn. Từ kết quả thực tế của gia đình tôi, nhiều hộ đã học tập làm theo. Hiện nay, trong thôn còn rất ít hộ áp dụng phương pháp phối giống truyền thống”.
Thụ tinh nhân tạo đã giúp cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những bò đực giống có giá trị, năng suất cao trên phạm vi rộng đến từng hộ chăn nuôi, từ đó chất lượng đàn bò được cải thiện rõ rệt.
Kết quả của mô hình đã làm tăng số lượng bò lai của vùng dự án, giúp bà con nâng cao nhận thức trong việc lai tạo và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nắm bắt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản, bò lai, kỹ thuật trồng một số giống cỏ năng suất để giải quyết nguồn thức ăn thô xanh cho bò. Đây có thể xem là hướng đi mới nhằm phát triển đàn bò hàng hóa có giá trị kinh tế cao của xã trong thời gian tới.