| Hotline: 0983.970.780

Giống cây trồng trong chiến lược phát triển nông nghiệp

Thứ Năm 21/03/2024 , 22:21 (GMT+7)

Việc xây dựng hệ thống quản lý giống cây trồng phù hợp với thực tiễn đất nước, hài hòa với quốc tế là yếu tố quan trọng phát triển ngành này vững mạnh.

Việt Nam hiện có 8.000 giống cây trồng đã được công nhận, trong đó có hơn 7.000 giống tự công bố.

Việt Nam hiện có 8.000 giống cây trồng đã được công nhận, trong đó có hơn 7.000 giống tự công bố.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành trồng trọt ở Việt Nam chiếm 64 - 68% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Thành tựu này có sự đóng góp đáng kể của công tác giống với vai trò then chốt từ các giống cây trồng mới.

Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới và khu vực đã được ký kết. Đó là điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng song cũng có không ít thách thức, cạnh tranh.

Việc xây dựng một hệ thống quản lý giống cây trồng phù hợp với thực tiễn đất nước, hài hòa với khu vực và quốc tế nhằm phát huy lợi thế là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.

Tính đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý về giống cây trồng của Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện với hệ thống các bộ luật và văn bản, gồm: Luật Trồng trọt số 31 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật như Nghị định 94/2019/NĐ-CP; Thông tư số 26/TT-BNNPTNT về lấy mẫu; Thông tư 17/TT-BNNPTNT về Danh mục cây trồng chính.

Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan thuộc hệ thống sở hữu trí tuệ. Các Luật khác ở một số Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và các Hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương có liên quan đến giống, nguồn gen cây trồng. Các văn bản pháp luật liên quan có tác dụng hỗ trợ qua lại và có những ràng buộc ở từng vấn đề cụ thể.

Cơ quan quản lý giống cây trồng được xây dựng đầy đủ, gồm: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan trực thuộc (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm và các trạm khảo nghiệm của Trung tâm).

Cùng với đó, Sở NN-PNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các cấp tỉnh, huyện, xã cũng thực hiện quản lý giống câu trồng.

Trong hơn 2 năm thực thi Luật Trồng trọt, 8.000 giống cây trồng đã được công nhận, trong đó có hơn 7.000 giống tự công bố. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, chưa đảm bảo kịp những yêu cầu mà sản xuất đặt ra.

Một trong số các vướng mắc tiêu biểu là vấn đề lưu hành giống cây trồng, thời hạn được lưu hành, việc đình chỉ, phục hồi, gia hạn quyết định lưu hành; công tác khảo nghiệm giống cây trồng và việc cấp Quyết định chứng nhận Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng, xung đột giữa Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhằm phác họa một cách chính xác về thực trạng chọn tạo, sản xuất, giống cây trồng ở Việt Nam hiện nay và bàn luận về các vướng mắc trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA) tổ chức Hội thảo “Giống cây trồng trong Chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam” vào ngày 23/3/2023, tại khách sạn White Lotus Huế, số 5 Hoàng Hoa Thám, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hội thảo 'Giống cây trồng trong Chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam' diễn ra ngày 23/3 tại TP. Huế.

Hội thảo “Giống cây trồng trong Chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 23/3 tại TP. Huế.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, các Cục, Vụ liên quan, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các chuyên gia đầu ngành giống cây trồng và đông đảo doanh nghiệp, công ty tư nhân, đại lý giống cây trồng, vật tư nông nghiệp.

Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng được nói lên tiếng nói, kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, hướng đến xây dựng ngành giống cây trồng phát triển vững mạnh trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 23/3, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ (2021 - 2024) tổng kết lại các hoạt động, kết quả đạt được của VSTA thời gian qua và công bố phương hướng của Hiệp hội trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, VSTA đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp.

Các thành viên VSTA duy trì ổn định được nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống cây trồng nông nghiệp chính như giống lúa, ngô, rau màu các loại, đặc biệt các doanh nghiệp lớn đầu đàn, như Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty ADI, Công ty giống cây trồng Quảng Ninh, Nam Định, Công ty giống-vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, Công ty vật tư nông nghiệp Bắc Giang, Công ty giống Hải dương, các trung tâm giống và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài FDI…

Mỗi năm, các doanh nghiệp trong VSTA sản xuất, nhập khẩu ước khoảng 500 - 550 nghìn tấn giống lúa; 20 - 22 nghìn tấn giống ngô; vài trăm nghìn tấn giống khoai tây; hàng trăm nghìn tấn giống rau, củ quả các loại; hàng triệu cây giống cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây ăn quả.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.