| Hotline: 0983.970.780

Giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, rọ mõm

Thứ Ba 23/05/2023 , 12:47 (GMT+7)

Để giảm thiểu tình trạng chó thả rông cắn người, không còn người tử vong vì bệnh dại, tỉnh Phú Yên đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống.

Để phòng, chống bệnh dại, tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ hộ thực hiện khai báo, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình. Ảnh: KS.

Để phòng, chống bệnh dại, tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ hộ thực hiện khai báo, nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình. Ảnh: KS.

Báo cáo chính xác số hộ nuôi chó, mèo

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thống kê và báo cáo chính xác số hộ nuôi chó, mèo. Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện việc khai báo, chấp hành nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.

Trường hợp cho chó ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng cắn người, đặc biệt đối với các giống chó hung dữ cần được nuôi xích nhốt, có rọ mõm.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại.

Tỉnh Phú Yên cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các xã có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp tiếp tục phối hợp với ngành thú y thực hiện tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 70% tổng đàn giai đoạn 2022-2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra, thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

Song song đó, thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn thú y, y tế đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại cơ sở. Cũng như kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh dại.

Đặc biệt, kiện toàn thú y cấp xã, đảm bảo mỗi xã có nhân viên thú y hoặc người phụ trách lĩnh vực chăn nuôi thú y để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương…

Để phòng chống bệnh dại, cơ quan chuyên môn đang nỗ lực tiêm vacxin cho chó, mèo. Ảnh: KS.

Để phòng chống bệnh dại, cơ quan chuyên môn đang nỗ lực tiêm vacxin cho chó, mèo. Ảnh: KS.

Đẩy mạnh tiêm vacxin phòng bệnh dại

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, năm 2022, toàn tỉnh có gần 8.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Còn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 3.900 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng.

Trong đó, các huyện Tuy An, Tây Hòa và TP Tuy Hòa có nhiều trường hợp bị chó dại và nghi dại cắn, đặc biệt là có 1 ca tử vong do bệnh dại ở thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, qua thông kế hiện toàn tỉnh có khoảng 30.000 con chó, mèo được người dân nuôi với mục đích giữ nhà, làm cảnh, thú cưng… Chó, mèo phần lớn được thả rông trong sân vườn, nhà.

Nhận định thời gian tới, đàn chó, mèo trên địa bàn không biến động nhiều về số lượng, song có xu hướng tăng đối với đối tượng nuôi làm cảnh, thú cưng ở khu vực đồng bằng và nuôi giữ nhà ở khu vực miền núi.

Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại, Chi cục bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022-2030, đồng thời ưu tiên mua vacxin, tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo. Tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh đã tiêm phòng trên 14.000 con, đạt tỷ lệ khoảng 47%. Trong đó hơn 1.600 liều vacxin dại được nhà nước hỗ trợ cho vùng đồng bào, vùng đặc biệt khó khăn.

“Hiện, Chi cục vẫn đang tích cực chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm phòng vacxin dại chó, mèo để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Tuy nhiên, để tỷ lệ tiêm phòng đạt được kết quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng thì cần có sự chủ động của người dân”, Ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết thêm, mặc dù các cấp chính quyền, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống bệnh dại chó, mèo nhưng trên thực tế, ý thức của một số chủ nuôi chó, mèo chưa cao. Tình trạng chó, mèo thả rông ngoài đường, khu vực đông người vẫn còn khá phổ biến.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay chủ vật nuôi chưa thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã. Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa triển khai lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn. Việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng, xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại chưa đạt kết quả như mong đợi.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, với thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng hoặc có thể lâu hơn. Bệnh này lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo qua các vết cắn hay vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương và vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vacxin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Một khi đã lên cơn dại, kể cả người và động vật đều tử vong với tỷ lệ 100%.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.