Ở xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) có giống lạc địa phương mà bà con canh tác từ lâu đời. Giống lạc này có hạt nhỏ nhưng thơm ngon, còn được bà con gọi là lạc cúc.
Nhằm lưu giữ, khôi phục và duy trì các giống cây bản địa, tạo ra sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh nhằm nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nhãn mác và tiêu thụ sản phẩm tại xã Cao Quảng.
Ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, mô hình có diện tích 7ha, với 35 hộ tham gia.
“Việc xây dựng mô hình nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm địa phương, phát huy lợi thế vùng miền và bảo vệ môi trường. Đồng thời, qua đó chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con và xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, ông Trung nói.
Trên cánh đồng lạc thôn Vĩnh Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Huê đang thu hoạch. Vụ lạc này, gia đình chị tham gia mô hình với diện tích trên hơn 10 sào (0,5ha) với giống lạc truyền thống (lạc cúc).
Nhổ mấy gốc lạc với củ lạc già chắc, chị Huê cho biết, lạc năm nay được mùa, có khả năng đạt hơn 2 tạ/sào (trên 40 tạ/ha). "Đạt được kết quả đó là do vụ này gia đình tôi chuyển đổi trồng lạc theo cách truyền thống sang canh tác theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hướng dẫn và chuyển giao. Bà con được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật", chị Huê hồ hởi.
Trên vạt ruộng của mình, chị Trần Thị Đông vừa thu hoạch lạc vừa chuyện trò. Những năm trước, bà con cũng trồng giống lạc cúc này nhưng canh tác theo kiểu truyền thống nên năng suất thấp. Do làm không có lãi nên bà con cũng bỏ dần.
Vụ lạc này được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ canh tác theo hướng hữu cơ nên cây lạc cho năng suất gần gấp đôi. “Vì vậy, bà con phấn khởi lắm. Mấy hôm nay, nhiều người ở địa phương ra ruộng tham quan để vụ tới trồng như chúng tôi", chị Đông cho hay.
Những hộ dân tham gia mô hình đều phấn khởi cho biết vụ xuân năm nay, lạc cúc đạt năng suất rất cao. Bình quân năng suất ở mô hình trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ đạt từ 32 - 35 tạ/ha. Hiện giá lạc khô 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân thu lãi khoảng 50 - 54 triệu đồng/ha.
“Nếu so sánh thì trồng lạc cúc theo hướng hữu cơ cho lãi gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Ngoài ta, hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng được đảm bảo”, chị Nguyễn Thị Huê bộc bạch.
Không chỉ chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền xã, HTX Dịch vụ nông nghiệp và Sản xuất kinh doanh tổng hợp Tân Vĩnh Phát thiết kế nhãn mác bao bì, hộp đựng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Tiếp đó, Trung tâm thực hiện cam kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho nông dân, quảng bá qua mạng xã hội, giới thiệu sản phẩm tại các điểm trưng bày hỗ trợ tiêu thụ nông sản, siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn.
Nhiều năm nay, lạc trở thành cây trồng chủ lực được nhiều người dân ở địa phương đưa vào sản xuất. Vụ này, xã Cao Quảng trồng hơn 60ha lạc. Chính quyền địa phương đã xây dựng phương hướng đưa lạc trở thành cây trồng chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, giống lạc cúc được nhiều người biết đến bởi chất lượng tốt, tỷ lệ tinh dầu cao.
“Chúng tôi tập trung xây dựng thương hiệu lạc Cao Quảng, tiến tới xây dựng vùng chuyên canh sản xuất VietGAP và xây dựng sản phẩm lạc OCOP của địa phương. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp để liên kết phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ lạc cúc như dầu lạc, mè lạc… nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong thời gian tới”, bà Phương cho hay.