| Hotline: 0983.970.780

Thâm canh lạc trên đất màu kém hiệu quả

Thứ Tư 12/05/2021 , 10:43 (GMT+7)

Một số giống lạc của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc được thâm canh cho năng suất, giá trị cao.

Những năm qua, thực hiện dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả tại xã Tịnh Thọ.

Trải quả 3 vụ sản xuất từ vụ đông xuân 2019 - 2020 đến nay, cho thấy việc áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học công nghệ (KH-CN) và cơ giới hóa trong sản xuất lạc ở xã Tịnh Thọ đã góp phần nâng cao năng suất lạc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và trồng màu ở địa phương.

giống lạc mới kết hợp thâm canh cho năng suất cao tại xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh: Thu Phượng.

giống lạc mới kết hợp thâm canh cho năng suất cao tại xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh: Thu Phượng.

Xã Tịnh Thọ nằm ở phía tây bắc huyện Sơn Tịnh, chất lượng đất trên địa bàn xã tương đối tốt, rất phù hợp với việc sản xuất các loại cây trồng như lúa, ngô, sắn, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, lạc là loại cây trồng chiếm diện tích khá lớn với khoảng 136 ha, nhưng năng suất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN tỉnh, 2 năm qua, xã Tịnh Thọ đã thực hiện mô hình thâm canh cây lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả, với diện tích 80 ha. Trong đó, vụ đông xuân 2020 - 2021, xã triển khai trồng 40 ha, có 339 hộ ở các thôn Thọ Trung, Thọ Nam và Thọ Tây tham gia.

Mục tiêu của dự án là áp dụng đồng bộ các biện pháp KH-CN và cơ giới hóa trong sản xuất lạc để trồng lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả. Các giống lạc được đưa vào trình diễn gồm LDH.01, LDH.09 và L14. Đây là các giống lạc do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc, thuộc hạng giống tốt tạo tiền đề cho năng suất cao.

Các giống lạc có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao ở các vùng sinh thái, quả to, eo và gân quả nông, tỷ lệ hạt nhiều. Giống chống chịu tốt với điều kiện khô hạn. Trong quá trình sản xuất, bà con được tập hướng, hướng dẫn các qui trình kỹ thuật thâm canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả như chuẩn bị giống lạc, xử lý hạt trước khi gieo, chọn đất trồng lạc, kỹ thuật làm đất, kỹ thuật bón phân, chăm sóc khi gieo và phòng trừ sâu bệnh.

Theo đó, sau khi giống được chọn, bà con phơi giống đảm bảo hàm lượng nước trong hạt dưới 8%, phân loại hạt to, nhỏ để trồng riêng từng luống cho đều cây. Bà con làm đất theo đúng kỹ thuật như đất thoáng, tơi xốp, đủ ẩm, sạch cỏ dại, mặt luống được làm phẳng.

Lạc được trồng hàng cách hàng 25 cm, cây cách cây 10cm, cứ 1 hạt/hốc, mật độ 40 cây/m2. Các loại phân được bón gồm phân hữu cơ, đạm, lân, kali và vôi bột. Quy trình bón qua 4 bước gồm bón lót, bón thúc lần 1 sau gieo 10-15 ngày, bón thúc lần 2 sau gieo 25 - 30 ngày, bón thúc lần 3, khi lạc kết thúc hoa. Quá trình phát triển, các loại sâu bệnh xuất hiện cũng được bà con phòng trừ kịp thời.

Lạc là cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất cát khô cằn, khó khăn về nước tưới tại Quảng Ngãi. Ảnh: Thu Phượng. 

Lạc là cây trồng rất phù hợp cho các vùng đất cát khô cằn, khó khăn về nước tưới tại Quảng Ngãi. Ảnh: Thu Phượng. 

Trên cánh đồng Tre, xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh), ông Nguyễn Tâm, một nông dân tham gia mô hình cho biết vụ này, ông trồng 3 sào lạc giống L14. Nhờ được hướng dẫn, áp dụng KH-KT bài bản nên giống lạc L14 kháng bệnh cao, năng suất cho khoảng 3 tạ/sào (cao hơn giống lạc sẻ trước đây, chỉ khoảng 2,6 tạ/sào).

Còn ông Nguyễn Xuân Sơn ở cùng xã cũng vui vẻ cho biết, vụ này ông được hỗ trợ trồng 2 sào lạc L14, giống này có khả năng thích ứng rộng, quả to, tỷ lệ quả hạt nhiều. Nhờ áp dụng đúng qui trình kỹ thuật nên với 2 sào lạc giống L14 sau khi thu hoạch dự kiến ông ép được 75 lít dầu, nhiều hơn 12 lít so với 2 sào lạc sẻ.

Hiện nay, 40 ha lạc vụ đông xuân 2020 - 2021 ở xã Tịnh Thọ tham gia mô hình thâm canh đã được tổng hợp với năng suất dự kiến trung bình đạt từ 36,1 đến 38,7 tạ/ha. Trong đó, giống LDH.01 đạt 36,1 tạ/ha; giống LDH.09 đạt 38,7 tạ/ha; giống L14 đạt 36,6 tạ/ha.

Trong khi đó, giống lạc sẻ truyền thống chỉ đạt 26,3 tạ/ha. Theo đó, doanh thu giống lạc LDH.01 trên 90 triệu đồng/ha, giá bán 25 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 47,4 triệu đồng/ha, cao hơn giống lạc sẻ hơn 28,5 triệu đồng/ha.

Doanh thu giống lạc LDH.09 lợi nhuận đạt trên 53,9 triệu đồng/ha, cao hơn giống lạc sẻ 35 triệu đồng/ha; doanh thu giống lạc L14, lợi nhuận đạt trên 48,6 triệu đồng/ha, cao hơn giống lạc sẻ trên 29,8 triệu đồng/ha.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.