| Hotline: 0983.970.780

Giống lê LMN1 cho miền núi phía Bắc

Thứ Hai 10/09/2018 , 09:50 (GMT+7)

Giống lê LMN1 do Th.S Đỗ Sỹ An, PGS.TS Lê Quốc Doanh và cộng sự, chọn tạo từ nguồn giống Đài Loan nhập nội, được Bộ NN-PTNT công nhận, cho phép sản xuất thử từ tháng 4/2018.

Đặc điểm giống: Cây sinh trưởng khoẻ (cao 9 - 11m). Lá màu xanh nhạt (dài 11cm, rộng 7cm), phiến lá mỏng, mép lá có răng cưa dày, chồi non màu đỏ tía. Thời gian rụng lá: Cuối tháng 11 đến trung tuần tháng 12 (dương lịch). Thời gian ra hoa và lộc là đầu tháng 3. Thời gian cho thu hoạch quả trong tháng 7. Năng suất (cây 6 tuổi) đạt 18 - 20kg/cây.

15-26-33_chum_le
Giống lê LMN1 không có vị chát, khả năng bảo quản khá

Dạng quả hình cầu dẹt, khối lượng quả lớn (trung bình 300g/quả), vỏ quả màu nâu, khi chín chuyển màu nâu vàng, ít vết đốm. Thịt quả mềm màu trắng ngà, độ ngọt khá, ít chua, không nhiều sạn, không vị chát, thịt quả không bị thâm sau bổ ra, khả năng bảo quản khá. Hàm lượng Tamin 5,22%. Brix 11,8%. Nước 81,26%. Vitamin C là 0,61mg/100g. Axit hoà tan 0,28%. Đường tổng số 3,35%.

Hướng sử dụng và kỹ thuật trồng: Lê LMN1phù hợp trồng tại các địa phương miền núi phía Bắc có tiểu khí hậu ôn đới như Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu), Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai)...

Kỹ thuật trồng: Chọn đất có mực nước ngầm thấp, tầng canh tác dày trên 70cm, pH 4,5 - 6. Thiết kế vườn trồng theo hướng Bắc - Nam và gần nguồn nước tưới. Có rãnh thoát nước chống úng. Trên đất dốc cần tạo các luống bậc thang rộng 3 - 5m theo đường đồng mức. Đào hố: cây cách cây 3 - 4m, hàng cách hàng 5 - 6m. Kích thước hố: dài x rộng x sâu = 1m x 1m x 0,6m.

Thời vụ trồng: Tháng 7, 8 (đầu mùa mưa) hoặc tháng 11, 12 (trước khi cây bật lộc xuân). Bón lót 25 - 30kg phân chuồng, 0,1 - 0,2kg đạm urê, 0,3 - 0,5kg supe lân, 0,2 - 0,4kg Kali Clorua, 0,2 - 0,5kg vôi bột (vôi trộn đều với đất rồi lấp đầy hố trước trồng cây 20 - 30 ngày). Giai đoạn cây 1 - 3 tuổi, bón 30 - 40kg phân hữu cơ, 0,5kg đạm, 1,5kg lân, 0,4kg kali/cây/năm (chia phân bón 3 lần các tháng 2 - 3; 4 - 5 và 8 - 9).

Trồng cây: Với cây rễ trần, đặt cây vào giữa hố, cho đất vào nửa hố sao cho mặt bầu ngang bằng với miệng hố, ấn nhẹ cho đất tiếp xúc với rễ cây, tưới nước vào hố để cho đất bó sát với rễ, khi nước rút lấp đất đầy hố.

Đối với cây bầu thì bỏ vỏ túi nilon trước khi trồng, dùng tay ấn nhẹ cho chặt gốc, tưới nước một lần nữa. Sau cắm cọc và buộc níu giữ cố định cây vào cọc. Sau trồng tưới giữ ẩm thường xuyên cho cây trong 15 ngày. Dùng tay loại bỏ cỏ dại quanh gốc. Phun thuốc trừ cỏ dọc theo hàng cây, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi rìa đường đồng mức để chống xói mòn.

Tủ gốc bằng cỏ khô, rơm rạ. Phủ dày ít nhất từ 10 - 15cm quanh gốc cây ngay sau khi trồng và lập lại vào mùa xuân năm sau. Tủ gốc cách thân cây 10cm để tránh bệnh và dịch hại lây nhiễm gốc cây. Dùng tay nhổ bỏ cỏ dại khi cỏ mọc qua lớp phủ.

15-26-33_le_lmn1
Giống lê LMN1 chọn tạo từ nguồn giống Đài Loan nhập nội

Khi cây lê chưa khép tán, nên trồng xen rau, đậu đỗ để tăng thu nhập. Chú ý, không trồng xen với những cây có khả năng che bóng và cạnh tranh chất dinh dưỡng, nước với cây lê. Chọn cây trồng xen có bộ rễ nông và không có rễ cọc. Nếu trồng xen giữa các hàng cây thì phải cách xa cây trên 0,5m.

Đốn tỉa vào tháng 11, 12 (trước khi nụ sưng lên). Trong thời kỳ kinh doanh đốn tỉa vào mùa xuân và mùa hè. Đốn tỉa kiểu hình phễu: Khi cây cao 70cm, bấm ngọn sẽ sinh cành cấp 1, để lại 4 - 6 cành cấp 1. Cành cấp 1 dài 1m bấm ngọn tiến hành vít cành ra xung quanh tạo góc 60 độ so với mặt đất. Khi cành cấp 2 dài 40 - 45cm, tiếp tục bấm ngọn cho sinh cành cấp 3.

Thường xuyên loại bỏ cành gầy yếu, sâu bệnh tạo cho cây phát triển cân đối. Theo dõi phòng trừ kịp thới các đối tượng dịch hại chính như sâu cắn lá, đục thân, bệnh thối xám và thối nâu. Thu hoạch khi vỏ quả chuyển màu vàng nâu và căng mọng.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.