| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa lai Khải Phong số 1 lại có vấn đề

Thứ Tư 06/01/2010 , 11:15 (GMT+7)

Sau vài ngày ngâm ủ, kiểm tra thóc giống, bà con phát hiện hạt thóc màu thâm đen, tỷ lệ hạt thóc nứt trắng được khoảng 70% nhưng không thấy rễ, có mùi chua bốc lên rất khó chịu...

Chiều 31/12/2009, Văn phòng báo NNVN tại Bắc Trung bộ liên tiếp nhận được điện thoại từ các xã Thọ Thành, Hậu Thành, Đô Thành, thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An... liên lạc đề nghị cử PV ra tìm hiểu và can thiệp giúp họ trả lại giống lúa Khải Phong số 1 vừa được bà con ngâm ủ trên dưới 50% có hiện tượng nảy mầm kém, bị thối rễ trên các trưa mạ...

Trước những yêu cầu bức bách này, không quản ngày nghỉ Tết dương lịch, từ TP Vinh PV báo NNVN đã vượt chặng đường trên 120 km về một số xã nói trên để kiểm tra thực hư. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trân, 47 tuổi, trú tại xóm 8, xã Thọ Thành, Yên Thành cho biết: Tôi được nhận 5 kg lúa lai Khải Phong số 1 của Trung Quốc, do Cty CP giống cây trồng TW ký hợp đồng cung ứng trực tiếp cho HTX nông nghiệp Thọ Thành.

Bà Quang với đám mạ bị mốc và thối trên ruộng

Theo tờ hướng dẫn ở trong bao giống, tôi lấy lượng nước sạch vừa đủ hâm nóng khoảng 50 độ C rồi cắt gói thuốc Vitavax 200WP (có sẵn trong bao) hòa lẫn với lượng thóc giống, ngâm đúng 4 tiếng đồng hồ thì vớt ra dùng nước sạch đãi hết hạt lép vừa dùng tay vò kỹ hạt thóc như vo gạo, sau đó mới đổ tiếp nước ấm vào thóc giống ngâm tiếp 16 giờ nữa thì vớt ra đãi lần 2 cho thật sạch rồi mới đổ xuống nền xi măng, tủ nilon và rơm rạ lên để ủ. 

Mấy ngày sau khi đưa thóc giống ra xem thì thấy hạt thóc màu thâm đen, tỷ lệ hạt thóc nứt trắng được khoảng 70% nhưng không thấy rễ, có mùi chua bốc lên rất khó chịu. Trên nhiều hạt có hiện tượng nhớt lẫn với mốc trắng nhẹ... Các hộ dân trong xóm gieo ra ruộng mạ sau 4-5 ngày đều bị thối, mốc cả nên đang phân vân chưa biết có nên gieo nữa hay không?

Bà Nguyễn Thị Quang, cũng trú tại xóm 8 đi xem mạ ngoài đồng về thấy chúng tôi đang hỏi chuyện giống lúa Khải phong số 1 liền kéo PV ra tận ruộng mạ mà xem thực hư. Đoạn bà lội xuống ruộng dùng 2 tay bốc cả tảng mạ vừa mốc vừa thối đưa lên tận bờ cho chúng tôi xem và chụp ảnh rồi chua chát nói: "Nhà tui cũng nhận 9 kg Khải phong số 1 của HTX về ngâm ủ đúng quy trình được in bằng tiếng Việt trong từng bao. Tôi đãi thóc giống bằng nước sạch cả 2 lần còn kỹ hơn cả vo gạo nấu ăn. Ủ được 4 ngày thì thấy hạt thóc có màu thâm đen, nhưng nhìn kỹ thì thấy tỷ lệ nẩy mầm trắng trên 80% nhưng rễ rất ít và có mùi chua khá nặng. Trước khi lấy thóc giống ra ruộng bắc mạ tôi còn đãi qua cho bớt mùi chua rồi mới đem gieo. Từ hôm gieo đến nay đã được 5 hôm mà hạt thóc giống vẫn không thấy phát triển. Trên cả ruộng mạ, từng cụm mốc trắng như bông bám dày đặc cả trưa mạ. Tôi xúc một nắm đem rửa sạch đất để xem có rễ không thì hóa ra không có rễ. Số rễ ít ỏi mọc trước khi đem gieo giờ cũng bị thối đen hết cả...".

Chắc năm nay do trời ấm, mạ lại được bà con phủ nilon kín nên rất có thể đó là nguyên nhân khiến cây mạ không phát triển được và sinh ra bệnh khác? Tôi hỏi. Bà Quang giãy nảy lên và dẫn chúng tôi đến xem một trưa mạ cách đó vài chục mét đang được phủ nilon. Trên đó bà bắc 2 giống khác nhau cùng một lúc (Khải phong số 1 và lúa nếp thuần) rồi chất vấn lại: "Nếu vì thời tiếp ấm và phủ nilon kín quá thì tại sao mạ nếp lại phát triển tốt thế này mà giống lúa lai Khải phong số 1 lại bị thế kia?...".

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: "Ngay sau khi nhận được thông tin trên, tôi cùng với Trưởng phòng NN&PTNT xuống tận nơi kiểm tra để có phương án xử lý. Theo thống kê tại 10 xã thì tổng cộng có khoảng 29 tấn giống Khải phong số 1 do Cty TNHH giống cây trồng Thịnh Dụ (Trung Quốc) SX được cung ứng, đợt này cả 10 xã trên đều có hiện tượng tương tự. Chúng tôi đã đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp cùng với huyện và đơn vị cung ứng giống xuống từng xã kiểm tra, lập biên bản và có phương án khẩn trương thay thế giống lúa khác cho kịp thời vụ".

Đến nhà ông Nguyễn Quốc Hoàng, Đội trưởng đội 8 thì ông đi vắng. Chị Lê Thị Hy (vợ ông Hoàng) cho biết: "Thấy bà con trong xóm đến kêu giống hỏng nhiều quá nên chồng tôi nóng ruột phải đi thăm ruộng mạ của từng nhà và gọi loa yêu cầu bà con tháo nilon trên các trưa mạ để xem có cứu vãn được tình thế hay không". Chị Hy nói tiếp: "Riêng xóm 8 lấy của HTX 1,4 tấn giống Khải phong số 1 nhưng bán chưa hết thì đã có chuyện..".

Bán tín, bán nghi nên chiều 01/1/2010, chúng tôi tìm đến xã Hậu Thành. Gặp chị Nguyễn Thị Thương, 27 tuổi, trú tại xóm Đông Sơn. Chị vào nhà bưng ra 1/3 thúng thóc giống mới ngâm được 3 ngày ra cho PV xem. Theo quan sát của chúng tôi thì hạt thóc giống đã ngả màu hơi đen, tỷ lệ nảy mầm khoảng trên 70% nhưng bốc mùi chua loét khó chịu. Chị Thương nói: "Nhà em nhận từ Xóm trưởng về 5 kg giống lúa lai Khải phong số 1; thấy ngoài bao bì in do Cty TNHH giống cây trồng Thịnh Dụ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) SX. Đơn vị nhập giống là Cty CP giống cây trồng TW. Em ngâm ủ cũng rất đúng quy trình, đãi nước sạch cẩn thận trước khi ủ mà giờ nó ra thế này đây. Giống lúa Khải phong số 1 năm nay cũng giống như năm ngoái: Hạt thóc bị tách vỏ nhiều nên khi đãi hạt gạo rơi ra rất nhiều. Năm nay, lại thế này không biết HTX sẽ xử lý ra sao cho dân?

Tìm đến nhà ông Nguyễn Viết Lục, Xóm trưởng xóm Đông Sơn. Ông Lục cho biết: Vụ xuân 2010, xóm Đông Sơn đăng ký 640 kg Khải phong số 1 của Cty TNHH giống cây trồng Thịnh Dụ SX. Lẽ ra còn khoảng 10 ngày nữa thì bà con mới được ngâm ủ. Thế nhưng, bà con xóm này đã ngâm ủ trước thời gian quy định mất khoảng 50% thì đều bị thối như các anh thấy đấy nên bà con đã mang trả lại cho tôi số thóc giống còn lại. Do HTX cho bà con vay giống đến cuối vụ mới trả cả gốc + lãi là 72.000 đồng/kg nên tôi đang lo phát sốt lên vì đã lỡ nhận lại của họ 100 kg rồi, cuối năm tôi lấy tiền đâu mà trả cho HTX?

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm