Vừa qua, hàng trăm hộ dân dân vùng “chảo lửa” huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã đến tham quan mô hình trình diễn giống lúa TBR97 tại cánh đồng lúa Cầu II (xã Phú Cần, huyện Krông Pa). Tại đây, nhiều người dân mê tít giống lúa TBR97 bởi khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh và đặc biệt cho năng suất vượt trội. Thực tế gặt thử nghiệm 1m2 cho thấy giống lúa TBR97 cho năng suất 0,95kg (tương đương 9,5 tấn lúa tươi/ha), nhiều hộ dân không khỏi trầm trồ, thán phục.
Huyện Krông Pa có tổng diện tích lúa nước vụ đông xuân năm 2024 hơn 2.000ha. Để chọn một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt thay thế những giống lúa cũ hiện đang bị thoái hóa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên (Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình sản xuất thí điểm giống lúa TBR97 với diện tích 0,5ha. Mô hình giống nhằm đánh giá tính thích ứng của giống với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Đồng thời kiểm tra, đánh giá năng suất, chất lượng của giống lúa TBR97 để các tổ chức, người dân tham quan học tập, nhân rộng.
Ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, diễn biến thời tiết thuận lợi cho lúa TBR97 sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, vào giai đoạn lúa làm đòng, điều tiết nước của thủy lợi Ia Mlah không đủ nên đã ảnh hưởng ảnh đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Trong quá trình triển khai mô hình, lượng nước ruộng chưa đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Mặc dù vậy, lúa TBR97 vẫn chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi, cứng cây, ít sâu bệnh gây hại, chống đổ ngã tốt. Lúa TBR97 sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, bộ lá giữ được màu xanh đến cuối vụ.
“Qua theo dõi ở vụ đông xuân 2023 - 2024 cho thấy, giống lúa TBR97 sinh trưởng, phát triển qua các thời kỳ đạt yêu cầu. Nhìn chung, giống lúa TBR97 thích nghi với đất đai, khí hậu của địa bàn huyện Krông Pa”, ông Trung chia sẻ.
Trực tiếp tham quan, đánh giá giống lúa TBR97 tại cánh đồng lúa Cầu II (xã Phú Cần), nhiều hộ dân và cán bộ địa phương đánh giá năng suất lúa đạt khoảng 7,5 tấn tươi/ha, tuy nhiên gặt thực tế cho thấy năng suất đạt tới 9,5 tấn/ha.
Anh Kso Dynm, cán bộ nông nghiệp xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) hồ hởi: "Qua tham quan mô hình, chúng tôi không thể ngờ lúa TBR97 lại cho năng suất cao đến như vậy, trong khi các giống lúa thông thường chỉ đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Hơn nữa, khi quan sát thực tế, cây lúa TBR97 rất cứng, hạt chắc, chất lượng cơm cũng rất ngon. Chúng tôi mong muốn Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục đưa giống lúa TBR97 trồng thử nghiệp tại xã Ia Rmok để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận giống lúa mới, nâng cao năng suất, thu nhập".
Tương tự, chị Phạm Thị Ngọc, cán bộ nông nghiệp xã Chư Gu (huyện Krông Pa) cho biết, dù mới là mô hình thử nghiệm nhưng thực tế giống lúa TBR97 mang lại hiệu quả bất ngờ trên vùng đất Krông Pa. Tuy nhiên, giống lúa TBR97 còn mới đối với người dân nơi đây nên quy trình chăm sóc cần phải được hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn lượng giống, quy trình gieo sạ, bón phân cần phải được đảm bảo.
“Do phần lớn người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc hướng dẫn quy trình chăm sóc là rất quan trọng. Vì vậy, rất mong công ty đưa mô hình giống lúa TBR97 về trồng thử nghiệm tại xã Chư Gu để nghười dân có kinh nghiệm sản xuất giống lúa này, từ đó nhân rộng ra trên địa bàn”, chị Ngọc chia sẻ.
Ông Phạm Hữu Phước, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, giống lúa TBR97 đã được sản xuất ở rất nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Qua nhiều mô hình sản xuất thử cho thấy giống lúa TBR97 rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cây thấp, khỏe, ít sâu bệnh. Trong quá trình gặt thử nghiệm, lúa TBR97 cho năng suất vượt trội (9,5 tấn/ha), chất lượng gạo rất thơm ngon.
“Thời gian tới, chúng tôi khuyến nghị huyện Krông Pa quan tâm mở rộng mô hình sản xuất giống lúa TBR97 để người dân được tiếp cận, nhân rộng”, ông Phước chia sẻ.
Ông Kso Tin, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, phong tục tập quán của người dân trồng lúa của huyện chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên việc chăm sóc, bón phân chưa được quan tâm nhiều.
TBR97 là giống lúa hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn nhưng đã cho năng suất, chất lượng rất tốt, chống chịu tốt với sâu bệnh hại.