Vụ ngô xuân 2021, chị Cát Thị Phương Liên ở thôn Liên Hoa, xã Bằng Giã, Hạ Hòa (Phú Thọ) trồng giống ngô lai VNUA36. Đứng bên chiếc xe cải tiến chở bắp vừa thu hoạch từ ruộng chia sẻ: Năm nay, nhiều diện tích ngô ở địa phương bắp khá bé.
Tuy nhiên, giống ngô VNUA36 của chị vượt trội hơn hẳn. “Giống này lá bi rất mỏng, bắp rất dài, to và rất sâu cay nên bóc một đống ngô to mà chỉ có một ít lõi”, chị Liên đánh giá.
Anh Lê Kim Ngọc, một hộ dân khác ở xã Bằng Giã trồng giống ngô VNUA36 kể: “Lá bi giống ngô VNUA36 rất mỏng. Nhiều người không tin còn bảo là bi mỏng chắc là do nhà mình đã bóc bớt đi”. Trong góc sân đầy ắp bắp mới thu về, bà Nguyễn Thị Chén ở cùng thôn phấn khởi khoe: “Vụ tới có giống này nhà tôi sẽ trồng tiếp. Giống này bắp rất dài, lại rất dễ tẽ hạt”.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Hà, đại diện cho nhóm tác giả nghiên cứu giống ngô lai đơn VNUA36 thuộc Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: VNUA36 là giống ngô lai đơn đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận cho sản xuất thử cuối năm 2018.
Giống được lai tạo từ nguồn vật liệu mới theo hướng gọn cây, dễ tính, dễ trồng, dễ thu hoạch, dễ tẽ hạt nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhân công trực tiếp; phù hợp với hướng sản xuất ngô cơ giới.
Đặc biệt, nhóm tác giả rất mong nhận được sự quan tâm của các trang trại sản xuất ngô cơ giới hóa và sẵn sàng gửi hạt giống thử nghiệm.
Được biết, Viện Nghiên cứu phát triển cây trồng và Công ty TNHH Hạt giống Việt (Vietseed) đã ký kết thỏa thuận hợp tác cho việc khai thác và sản xuất hạt giống F1 nhằm mở rộng vùng sản xuất ngô VNUA36 trong thời gian chờ giống được công nhận lưu hành theo quy định của Luật Trồng trọt.
Sản xuất ngô đang ngày càng gặp nhiều khó khăn do giá trị thấp so với nhiều loại cây trồng khác, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm đang là yêu cầu sống còn đối với sản xuất ngô hiện nay. Giống ngô lai đơn VNUA36 là lựa chọn tốt cho mục tiêu này.