Giống nhãn lai LĐ11 (NL1-23) chất lượng tốt
Thông qua các kết quả đánh giá về khả năng sinh trưởng, phát triển, tính thích ứng, khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và chất lượng của giống được trồng khảo nghiệm trên nhiều vùng đất khác nhau của tỉnh Tiền Giang, các tác giả đã chọn lọc được dòng LĐ11 ổn định từ 91 cá thể lai (NL 1-23). Giống được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép đưa vào sản xuất thử ở các tỉnh vùng ĐBSCL.
Đặc điểm chính:
- Cây sinh trưởng mạnh, tán lá dày, cây có dạng hình cái ô. Phiến lá to, dài, lá non có màu tím nhạt, khi lá già màu xanh đậm.
- Phát hoa to, ngắn và dày, đóng chặt, màu trắng kem. Hoa nở từ 6 - 9 giờ sáng trong 2 tháng 6 và 7 dương lịch (chính vụ).
- Quả có hình giống nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, chặt, cuống to. Khối lượng quả từ 12,07 - 12,96g. Thịt quả màu trắng trong và bóng, thịt ráo, ăn giòn, vị ngọt thanh. So với nhãn tiêu da bò, thịt quả dày hơn (5,68 - 5,35mm), hạt bé hơn (1,48 - 2,12g), tỷ lệ phần ăn được chiếm 60,15 - 73,43%, độ Brix từ 19,80 - 22,98%.
- Thời gian từ trồng đến thu quả lứa đầu là 3 năm.
- Năng suất bình quân 3 năm (3 năm, 4 năm, 5 năm sau trồng) là 35,7 kg/cây/năm, sau 6 năm trồng là 53,7 - 60,5 kg/cây/năm, tương đương năng suất giống tiêu da bò cùng điều kiện.
- Giống LĐ11 chống chịu khá với bệnh chổi tồng, chỉ nhiễm ở mức độ nhẹ, trong khi nhãn Tiêu da bò bị khá nặng.
- Nhược điểm của giống là chùm quả đóng quá khít nên quả dễ bị sâu đục quả tấn công.
Giá trị kinh tế:
Với những ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn khác đang được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL thì quả của giống nhãn mới LĐ11 bán được giá cao hơn nên cho thu nhập cao hơn với cùng điều kiện canh tác.
Theo ông Trần Hải Sơn ở xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang), do chất lượng nhãn giống mới cho quả đẹp, ăn ngon và ngọt hơn nên nhiều người ưa thích, đặc biệt là khách du lịch. Nếu như các giống nhãn khác có giá bình quân 35.000 - 40.000 đồng/kg thì ở đây giống nhãn LĐ11 bà con bán được tới 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi.
Một số lưu ý:
- Trồng bằng cây ghép đúng giống, khỏe mạnh.
- Đất cần được chuẩn bị kỹ: cày, bừa, lên liếp hoặc đắp mô hình tròn rộng 60 - 80 cm, cao 50 - 70 cm. Trộn đất trong mô với 10 - 15 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai, tro trấu, 0,5 kg phân lân trước khi trồng cây từ 15 - 30 ngày.
- Mật độ: Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 5 x 6 m hoặc 6 x 6 m, tương đương 300 - 350 cây/ha, sau đó tỉa cành, tạo tán khi cây đã lớn (3 - 4 năm) để có khoảng cách hợp lý 10 x 10 m. Khi cây chưa khép tán có thể trồng xen cam, quýt đường, bưởi vào vừa tăng thêm thu nhập vì cam, quýt đường và bưởi cần ít ánh sáng hơn,
- Bón phân NPK đủ lượng, cân đối và đúng thời gian theo qui trình sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả sai và mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Khi quả to bằng đầu ngón tay, nên bón tăng lượng phân, đặc biệt là kali nhằm hạn chế sốc sinh lý làm quả rụng hoặc chậm lớn, vừa để tăng năng suất và chất lượng quả.
- Chú ý phun xịt thuốc trừ nhện lông nhung (tác nhân gây bệnh chổi rồng) kịp thời khi lá và đọt còn non, có màu tím. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, thảo mộc, hạn chế các loại thuốc có nguồn gốc hóa học.