| Hotline: 0983.970.780

Giống thủy sản cho nuôi biển: [Bài 1] Yếu tố then chốt quyết định thành công

Thứ Tư 26/10/2022 , 06:53 (GMT+7)

Để phát triển nuôi biển bền vững theo đề án Quyết định số 1664 của Thủ tướng Chính phủ, khâu sản xuất giống là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công.

Nỗ lực sản xuất giống phục vụ nuôi biển

Ninh Thuận là tỉnh ven biển Nam Trung bộ có điều kiện khí hậu đặc trưng khô nóng, ít mưa, nhiệt động trung bình cao hơn 26 độ C, với đường bờ biển dài trên 105km, môi trường nước biển trong sạch, độ mặn cao và ổn định quanh năm, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản xuất giống thủy sản.

Các nhà khoa học đang nỗ lực làm chủ công nghệ sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Các nhà khoa học đang nỗ lực làm chủ công nghệ sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, những năm qua hoạt động sản xuất giống thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên biển luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế.

Theo đó, bên cạnh tôm giống là thế mạnh, tỉnh Ninh Thuận còn phát triển mạnh sản xuất giống một số đối tượng như cá chim vây vàng, cá bớp, cá mú trân châu, hàu Thái Bình Dương…để cung cấp cho nghề nuôi biển tại địa phương và các tỉnh khác. Nhìn chung chất lượng giống cá biển cũng đã được người nuôi đánh giá cao về tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng và phát triển.

Năm 2021 sản lượng giống cá biển được sản xuất trên 5 triệu con. Đối với sản xuất giống nhuyễn thể, chủ yếu hàu Thái Bình Dương hiện có 7 cơ sở chuyên sản xuất với sản lượng 10-15 triệu con/năm. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, nghề nuôi biển biển tại Ninh Thuận vẫn còn khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, trong đó có khâu sản xuất cá biển. Bởi địa phương này không có đàn bố mẹ dẫn đến thiếu tính chủ động trong sản xuất.

Người nuôi trồng thủy sản trông chờ giống thủy sản có tìm năng và lợi thế để nuôi biển hiệu quả. Ảnh: KS.

Người nuôi trồng thủy sản trông chờ giống thủy sản có tìm năng và lợi thế để nuôi biển hiệu quả. Ảnh: KS.

Trước thực trạng này, Sở NN-PTNT Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ xây dựng các trung tâm, lưu giữ đàn bố mẹ để chủ động sản xuất con giống có chất lượng phục vụ cho nghề nuôi biển thương phẩm.

Còn tại Khánh Hòa được đánh giá cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam. Tỉnh này cũng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về sản xuất giống thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), cho biết, năm 2021, toàn tỉnh có 252 cơ sở sản xuất giống, với sản lượng đạt 6 - 11 tỷ con giống/năm. Trong đó 68 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú; 32 cơ sở sản xuất giống cá biển gồm cá bớp, cá chẽm, cá hồng, cá chim và cá mú các loại, với số lượng 92 triệu con giống và 150 cơ sở sản xuất giống giống nhuyễn thể (ốc hương, ngao hai cồi, tu hài, trai ngọc…) với số lượng đạt 2 - 6 tỷ con giống.

Theo bà Thư, nguồn giống thủy sản của tỉnh không chỉ cung cấp nhu cầu cho người nuôi trên địa bàn mà còn xuất đi các tỉnh miền Tây, các tỉnh phía Bắc như: Cà Mau, Bến Tre, Long An, TP.HCM, Bình Thuận, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Nuôi cá biển ở trong lồng trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi cá biển ở trong lồng trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Trong khi đó bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, hiện toàn tỉnh có 3 vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, với tổng diện tích 61 ha; sản lượng ước đạt 3,1 tỷ con giống thủy sản các loại/năm. Trong năm 2021, tỉnh bổ sung, đưa vào sử dụng Trung tâm giống thủy sản tỉnh tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, với diện tích 8 ha công suất dự kiến 170 triệu giống thủy sản các loại/năm. Tuy nhiên hiện nay giống sản xuất chủ yếu là tôm nước lợ (tôm thẻ), cua và một số ít sản xuất cá biển (ấp nở trứng và ương ấu trùng). Với tổng sản lượng hàng năm chỉ đạt khoảng 300 - 400 triệu con, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

Giống yếu tố then chốt quyết định sự thành công

Để phát triển bền vững nuôi biển và đạt mục tiêu theo Quyết định 1664/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chuyên gia cho rằng cần có sự thống nhất phối hợp giữa các ngành, địa phương ven biển triển khai đồng bộ những giải pháp tổng thể về quy hoạch, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại…

Giống thủy sản là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong nuôi biển. Ảnh: KS.

Giống thủy sản là yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong nuôi biển. Ảnh: KS.

Trong đó các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống thủy sản có giá trị kinh tế, năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, có tiềm năng phát triển nuôi biển là rất quan trọng. Đây là một yếu tố then chốt quyết định sự thành công trong nuôi biển.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư cho rằng, để có con giống chất lượng nuôi biển, các Viện, trường cần nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới về gia hóa và chọn giống nhằm liên tục cải tiến chất lượng của đàn bố mẹ. Cùng với đó, ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá song/mú, cá vược/chẽm, cá chim vây vàng, cá giò/cá bớp, cá hồng, cá bè...rong tảo biển, nhuyễn thể, giáp xác và các đối tượng khác phục vụ nuôi biển. Ngoài ra, nghiên cứu phát triển một số loài cá cảnh biển có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện của Khánh Hòa và Việt Nam.

Bên cạnh đó, các tỉnh Nam Trung bộ có thế mạnh về nuôi tôm hùm. Nguồn giống chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài và một số ít được khai thác từ tự nhiên nên rất bị động. Riêng tại Phú Yên mỗi năm giống tôm hùm được nhập về nuôi với số lượng khoảng 2 triệu con.

Do đó về lâu dài để phát triển nuôi biển vững, bà Lê Thị Hằng Nga kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình sản xuất giống với các đối tượng nuôi biển công nghiệp như tôm hùm, cá biển, để chủ động được nguồn cung và chất lượng con giống.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, hàng năm nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn khoảng hơn 3 tỷ con, trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 2,5 tỷ con và các đối tượng khác khoảng 500 triệu con. Tuy nhiên, nếu phát triển nuôi biển công nghiệp theo đúng định hướng của địa phương thì nhu cầu giống các đối tượng nuôi biển còn tăng cao hơn.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.