| Hotline: 0983.970.780

Giống tốt, tiền đề để chăn nuôi phát triển

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

Sáng 23/10, Viện Chăn nuôi đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng, định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Sáng 23/10, Viện Chăn nuôi đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng, định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám tới dự và chỉ đạo.

Phải đột phá

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2012 tổng đàn lợn của cả nước đạt trên 26,3 triệu con, giảm 2,1% so với năm 2011; tốc độ tăng trưởng bình quân giảm 1,6%/năm. Tình hình chăn nuôi lợn 3 cấp (ông bà, bố mẹ, thương phẩm) gặp nhiều khó khăn.

Do khả năng tài chính còn nhỏ, năng lực quản lý trang trại của người chăn nuôi còn yếu nên các trang trại, DN trong nước chủ yếu nhập giống ông bà từ nước ngoài về SX lợn bố mẹ để bán cho các hộ chăn nuôi khác SX lợn thương phẩm.

Đối với giống gia cầm, các Cty nước ngoài có vốn đầu tư FDI chiếm khoảng 80% thị phần ở công đoạn giống nuôi bố mẹ và ông bà để SX giống thương phẩm 1 ngày tuổi. Ở công đoạn nuôi gà thịt thương phẩm thì Cty nước ngoài cũng chiếm tỷ lệ rất cao, theo phương thức nuôi gia công hoặc bán trực tiếp với người chăn nuôi.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đối với giống bò sữa thì từ năm 2001, giống bò chuyên dụng sữa Holstein Friesian (HF) thuần cao (có năng suất trên 7.500 kg/chu kỳ) được Viện Chăn nuôi nhập từ Hoa Kỳ về nuôi thử nghiệm tại Sơn La và Lâm Đồng.

Những năm gần đây, Việt Nam đã ứng dụng thành công bước đầu đối với công nghệ phối giống tinh bò phân biệt giới tính với tỷ lệ bê cái sinh ra 87 - 92%. Phương pháp này cho hiệu quả kinh tế cao. Trong khi bê đực mới sinh chỉ bán được 1,2 triệu đ/con thì bê cái giống cao sản có giá bán 12 triệu đ/con.

Còn giống bò thịt đã chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh. Chính vì vậy năng suất của đàn bò thịt cũng như chất lượng thịt bò ngày càng được cải thiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau nghiên cứu, phân tích, thảo luận đánh giá những mặt được và chưa được trong công tác giống vật nuôi những năm qua. Có ý kiến cho rằng nếu không giải quyết được những vấn đề căn cơ tồn tại, hạn chế trong công tác giống vật nuôi thì việc tạo ra được đột phá cho ngành này sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Nghiên cứu hiện đại để chăn nuôi bền vững

TS Ngô Thị Kim Cúc, Trưởng bộ môn Di truyền giống vật nuôi, Viện Chăn nuôi cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay là do 3 vấn đề. Một là hộ nông dân chưa biết hết giá trị của việc áp dụng ưu thế lai trong công tác giống để nâng cao hiệu quả kinh tế và đó cũng là nguyên nhân quan trọng để họ chưa liên kết với nhau, phân công trách nhiệm trong thị trường.

Hai là, họ chưa sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác để cùng nhau điều tiết thị trường. Vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, SX tùy hứng theo tâm lý đám đông. Hậu quả là mọi người đều bị thiệt hại. Ba là, các cơ quan chức năng trong quản lý giống vật nuôi còn làm chưa tốt.

Từ những vấn đề đặt ra đó, TS Ngô Thị Kim Cúc kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉnh sửa bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống hiện không còn phù hợp với thực tế SX. Cần cập nhật theo tiến bộ của thế giới và các kết quả nghiên cứu, thực tế SX hiện nay. Cần hướng tới các đối tượng là trại giống, con giống và trạm thụ tinh nhân tạo.

Cùng với đó là hình thành ít nhất một trung tâm đào tạo và huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi, đào tạo kiến thức quản lý trang trại đại gia súc và một trung tâm đào tạo, huấn luyện chăn nuôi lợn cho các chủ trại, cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại các trang trại.

Nhìn nhận thực trạng giống vật nuôi, TS Nguyễn Quế Côi, GĐ Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cho rằng, thực tế quá trình chăn nuôi lợn ngoại ở VN trong những năm qua cho thấy một nghịch lý: Những năm 2007 trở về trước khi các điều kiện chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và yêu cầu của người tiêu dùng chưa cao thì các dòng lợn PIC tỏ ra chiếm ưu thế bởi có năng suất sinh sản tốt, dễ thích nghi phù hợp với điều kiện chăn nuôi.


Coi trọng chất lượng giống là yếu tố sống còn để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Song những năm gần đây, khi các điều kiện chăn nuôi đã phát triển, yêu cầu về chất lượng con giống của thị trường và yêu cầu chất lượng thịt của người tiêu dùng tăng lên thì các dòng lợn có nguồn gốc PIC chỉ đáp ứng được về khả năng sinh sản, còn khả năng sinh trưởng, năng suất và chất lượng thịt của chúng đã không theo kịp được yêu cầu của thị trường.

+ Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo cần phải xây dựng chiến lược riêng cho từng đối tượng vật nuôi. Ngay cả gia cầm, thủy cầm cũng phải có chiến lược riêng cho nó để chuyên môn hóa đầu tư để có tính cạnh tranh cao. Các giống nhập khẩu phải thường xuyên cập nhật tiến bộ của thế giới để mang được những giống tốt nhất về lai tạo và phải để người chăn nuôi tiếp cận được những tiến bộ đó.

+ "Điểm yếu của chúng ta là ứng dụng và chuyển giao tiến bộ chăn nuôi. Hệ thống khuyến nông, các trung tâm chuyển giao của Viện Chăn nuôi và địa phương cần coi trọng vấn đề này. Cùng với đó là phải siết chặt công tác quản lý giống vật nuôi. Là một đất nước có nền chăn nuôi phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có Luật Chăn nuôi.

Trong khi đó nghị định và pháp lệnh cũng còn ít. Hiện chỉ mới có pháp lệnh giống nên chưa đủ mạnh để làm tốt hơn nữa công tác quản lý", Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Đề cập đến những hạn chế, TS Nguyễn Quý Khiêm, GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) thẳng thắn chỉ ra rằng: “Tồn tại nhiều dòng gà nhưng tính cạnh tranh còn thấp, chưa tạo được dòng gà chủ lực. Quy mô đàn một số dòng còn nhỏ chưa đủ độ lớn để nâng cao áp lực chọn lọc, tạo điều kiện cho tiến bộ di truyền”.

Về định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi trong thời gian tới và tầm nhìn đến 2030, hội nghị đưa ra mục tiêu: Phát triển nghiên cứu về di truyền, giống vật nuôi theo hướng nghiên cứu hiện đại để phục vụ ngành chăn nuôi bền vững có năng suất, chất lượng cao, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

Trong đó tập trung nghiên cứu tạo ra các loại sản phẩm chăn nuôi, các dòng, giống đặc sản của VN có chất lượng cao mà các nước khác không có từ các nguồn gen bản địa và nguồn gen nhập nội. Xác định các tổ hợp lai phù hợp với trình độ SX trong nước và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…

Trực tiếp chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao ngành chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi thời gian qua đã đáp ứng được đầy đủ thực phẩm cho toàn xã hội. Thứ trưởng cho rằng ngành chăn nuôi rõ ràng không thiếu giống cho vật nuôi song mối quan tâm nhất hiện nay của Bộ NN-PTNT chính là chăn nuôi nông hộ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nông hộ có được giống vật nuôi tốt.

“Chúng ta đang bàn chiến lược phát triển giống vật nuôi trong bối cảnh triển khai đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Chúng ta xem lợi thế của mình là trồng lúa, vậy thì lựa chọn những vật nuôi gì sử dụng trực tiếp lúa để có hướng lựa chọn cho đầu tư. Vùng khí hậu nhiệt đới thì nên lựa chọn loại cỏ nào để trồng tốt nhất và vật nuôi nào tốt nhất để sử dụng giống cỏ đó nhằm sinh ra lợi nhuận cho nông hộ”, Thứ trưởng gợi mở.

Sẽ thất bại nếu chần chừ chuyển gen

Phát biểu tại hội nghị, TS Phùng Đức Tiến, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN & môi trường Quốc hội nêu quan điểm nếu chúng ta cứ chần chừ mãi về vấn đề chuyển đổi gen là sẽ thất bại. Giống tốt mà thức ăn cứ nhập về thì không thể giàu lên được. Các nước đã làm lâu rồi sao ở mình cứ khảo nghiệm mãi thế. Làm giống phải có một chiến lược lâu dài chứ làm kiểu chắp vá, nay tạo giống, mai tạo giống thì sẽ khó đột phá cho phát triển.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm