Các xã vùng cao trên 1.200m ở Bắc Hà (Lào Cai) thường lạnh mát quanh năm, độ ẩm 70 - 80%, là môi trường phù hợp để trồng những loại dược liệu quý, trong đó có cây tam thất. Loại cây có giá trị kinh tế cao này giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo, từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống.
Ông Sùng Seo Kênh ở xã Tả Van Chư có hơn 2ha nương đồi trước đây trồng ngô và lúa nhưng hiệu quả không cao. Sau khi nhận thấy cây tam thất có thể cải thiện kinh tế gia đình, ông quyết định tập trung vào trồng và chăm sóc loại cây dược liệu này.
"Trước đây, nhà tôi chỉ canh tác cây ngô, cây lúa, vất vả lắm. Từ khi liên kết sản xuất tam thất thì thấy công việc không quá nặng nhọc mà có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, tôi còn biết và học được nhiều kinh nghiệm từ trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu quý", ông Sùng Seo Kênh nói.
Sau khi trồng 2 năm, cây tam thất có thể cho thu hoạch hoa và nụ để làm thuốc, trà tùy theo mục đích sử dụng. Loại cây dược liệu này khi đạt đến 6 - 7 năm tuổi thì có thể thu hoạch củ. Cây càng để lâu, càng có giá trị kinh tế cao.
Với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp, tại xã Nậm Mòn hiện có nhiều hộ bắt đầu tham gia liên kết trồng cây tam thất. Ông Sùng Seo Bình ở Nậm Mòn từ ngày thấy em ruột là ông Sùng Seo Thìn nhờ trồng cây dược liệu mà có "của ăn, của để" nên quyết định trồng cùng lúc hơn 3ha tam thất.
"Chăm sóc cây tam thất không quá khó khăn. Chỉ làm cỏ, bón lót, bón thúc bằng phân hữu cơ hoai mục. Cây tam thất ưa độ ẩm cao nhưng không được để úng, nếu để úng cây sẽ chết. Cây này còn ưa ánh sáng dịu nên tôi đã làm giàn che cho cây tùy thuộc thời tiết mà điều chỉnh các lớp lưới", ông Sùng Seo Bình cho hay.
Cuối tháng 10, vườn tam thất của gia đình ông đã cho thu hoạch hơn 100kg nụ hoa tam thất, với giá bán khoảng 600 nghìn đồng/kg, mang lại khoản thu hàng chục triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông Sùng Seo Quỳnh có tiền mua sắm thiết bị gia dụng trong nhà và chi tiêu cho vào một số việc đã dự định.
Với mô hình liên kết trồng cây dược liệu được triển khai bài bản, hiện nay Hợp tác xã nông nghiệp Cồ Dề Chải đã triển khai được gần 10ha tam thất, ký kết hợp đồng hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm giữa hợp tác xã và hộ dân. Toàn bộ hoạt động trồng, chăm sóc và thu hoạch cây tam thất sẽ được giám sát chặt chẽ, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật từ khâu làm đất đến thu hái.
Ông Đặng Quang Trung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Cồ Dề Chải cho hay, hợp tác xã đầu tư cho người dân giống, phân bón, kỹ thuật, nhà lưới... Người dân bỏ công sức ra trồng, chăm sóc trên đất của mình. Hàng năm, người dân hưởng 36 triệu đồng từ công bảo vệ, trông nom vườn. Công chăm sóc, làm cỏ được tính riêng và trả ngay theo từng đợt. Sau khi thu hoạch và bán sản phẩm, lợi nhuận được chia đều 50 - 50 sau khi đã trừ giống, phân bón, tiền công.
Cây tam thất được biết đến là loại dược liệu quý, từ nhiều năm trước đã được người dân trồng tại Bắc Hà. Với chi phí trồng và chăm bón thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, cây tam thất không đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt, phù hợp với trình độ canh tác của bà con vùng cao nên có thể mở rộng diện tích trồng.
Theo ông Đặng Quang Trung, cây tam thất không sử dụng phân hóa học mà sử dụng mùn hoặc phân hữu cơ trộn ủ để đảm bảo dinh dưỡng trong đất nuôi cây. Khi dùng phân bón hóa học, cây sẽ không sinh trưởng, phát triển được, làm giảm dược tính của cây. Về lâu dài, các thành phần hóa học còn khiến cây bị còi cọc, chết dần chết mòn, ảnh hưởng đất trồng...
Trước khi trồng, đất trồng được mang đi kiểm nghiệm để chắc chắn không bị nhiễm kim loại nặng, chất diệt cỏ...
Qua các mùa vụ, cần bổ sung chất dinh dưỡng cho đất bằng mùn hữu cơ. Có thể sử dụng cây ngải cứu dại và lá cây hoai mục trộn với men vi sinh, vôi bột rồi ủ từ 12-16 tháng thì có thể sử dụng được. Trường hợp ủ với phân chuồng thì lưu ý phân lợn độ đạm cao, phân trâu bò chứa nhiều hạt cỏ bên trong; phân gà thì có hàm lượng kali lớn nên các loại phân này đều cần xử lý trước khi sử dụng.
Trong quá trình chuẩn bị đất, cần chọn đất thịt nhẹ, đất tơi xốp, tốt nhất chọn đất có hướng phơi là hướng đông nam; đất chu kỳ trước chưa trồng tam thất hoặc khu vực gần đấy chưa trồng tam thất nhằm cách ly sự lây lan dịch bệnh cho cây.
Đất phải được cày bừa kỹ từ 3 đến 4 lần, làm sạch cỏ dại, khử trùng đất bằng dung dịch đồng sunfat 1%. Lên luống, chiều rộng từ 1,2 - 1,5m, rãnh sâu 25 - 30cm nhằm đảm bảo không bị ngập úng nuớc vào mùa mưa. Đối với đất đồi núi thì làm đất từ chân lên đỉnh.
Cây tam thất ở Bắc Hà thường được trồng vào cuối đông, đầu xuân, tốt nhất nên trồng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.
Diện tích dược liệu toàn tỉnh Lào Cai hiện đạt 4.246ha, trong đó diện tích cây dược liệu lâu năm 3.215ha, diện tích dược liệu hàng năm 1.031ha.