| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho cà rốt

Thứ Ba 29/01/2019 , 08:38 (GMT+7)

Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ cà rốt cho nông dân. Trong khi đó, dự báo nhiều khả năng giá cà rốt sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi vụ thu hoạch cà rốt của Trung Quốc kết thúc.

Khuyến cáo kéo dài vụ thu hoạch

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương: Vụ đông năm 2018-2019, tổng diện tích cà rốt tại địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức khoảng xung quanh 1.200 ha, với tổng sản lượng khoảng 43 nghìn tấn, tăng không đáng kể diện tích và giảm nhẹ về sản lượng so với các năm trước (năng suất cà rốt trà sớm một số bị mất mùa do mưa).

16-07-45_nh3
Ngành nông nghiệp Hải Dương khuyến cáo nông dân kéo dài vụ thu hoạch cà rốt


Về tình hình tiêu thụ, cà rốt tỉnh Hải Dương chủ yếu được các Cty, DN và thương lái thu mua và tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và các thành phố lớn. Một phần được các nhà máy thu mua sơ chế, chế biến, bảo quản để XK. Hiện trên địa bàn tỉnh có 16 DN và khoảng 50 tư thương thu gom cà rốt tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, Nam Sách để sơ chế, đóng gói tiêu thụ nội địa, XK ở dạng tươi và một phần sấy khô cung cấp cho công nghiệp chế biến và cấp đông, bảo quản lạnh XK sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, các vùng Trung đông… Các DN lớn tiêu thụ cà rốt như Cty TNHH MTV Hưng Việt (huyện Gia Lộc); Cty CP CBNSTP Tân Hương, Cty CP Giống cây trồng và Nông sản XK Kiên Giang, Cty CP XNK Xuân Lộc, Cty TNHH NSTP Ánh Dương (huyện Cẩm Giàng); DNTN Vũ Công (huyện Nam Sách)...

Hiện các DN này đang thu mua cà rốt của nông dân khoảng 20-100 tấn/ngày, giá mua khoảng 3.000-4.500 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, hiện nay giá cà rốt thấp hơn cùng kỳ năm trước, tiêu thụ còn chậm do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc được mùa (không bị ảnh hưởng của băng tuyết như năm trước) và đang trong thu hoạch nên đã ảnh hưởng đến tiêu thụ tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều diện tích cà rốt đã được các thương lái, cơ sở thu mua tại địa phương đặt mua trọn gói ngay từ đầu vụ với giá trung bình từ 5-6 triệu đồng/sào. Với giá này, dù không lãi cao như một số năm trước nhưng nông dân vẫn có lãi trung bình khoảng 2 triệu đồng/sào.

16-07-45_nh1
Các DN vẫn đang tích cực tiêu thụ cà rốt cho nông dân tại Hải Dương


Trước những khó khăn trong tiêu thụ cà rốt, hiện Sở NN-PTNT Hải Dương đã có khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc và bảo vệ cây cà rốt cho đến khi kết thúc thu hoạch. Theo đó, có thể kéo dài thời vụ thu hoạch đối với các khu ruộng cà rốt chưa quá lứa, còn phát triển củ, không thu ồ ạt ảnh hưởng đến thị trường. Bởi vụ cà rốt tại Hải Dương thường vẫn có thể kéo dài tới cuối tháng 4 (dương lịch) hàng năm.

Đây cũng là giải pháp có thể kỳ vọng đẩy được giá cà rốt sẽ tăng lên khi nguồn cà rốt của Trung Quốc hết vụ thu hoạch, bởi hiện tại, cà rốt của Trung Quốc cũng đang chuẩn bị vào cuối vụ. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hải Dương cũng đề nghị các Cty, siêu thị, thương lái... chủ động kế hoạch, đặt hàng với nông dân (thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác), ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại 2 vùng cà rốt tập trung từ nay đến hết vụ. Đồng thời, tăng thu mua cà rốt, tích trữ bảo quản trong các kho lạnh bán dần, tăng cường công suất chế biến sản phẩm cà rốt khô cung cấp cho các NM làm gia vị và tìm kiếm thị trường XK cà rốt chế biến. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương cũng kêu gọi các DN, đơn vị thu mua cà rốt có tinh thần phối hợp với nông dân, thu mua không ép giá và thúc đẩy liên kết bền vững lâu dài đôi bên cùng có lợi.


Giá cà rốt có thể tăng trong thời gian tới

Trao đổi với NNVN, nhiều DN có thâm niên trong ngành XNK, chế biến nông sản tại Hải Dương đều dự báo chỉ một thời gian ngắn nữa, cà rốt nhiều khả năng sẽ tăng giá trở lại.

Năm 2018, toàn huyện Cẩm Giàng có 750ha cà rốt. Trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là xã Đức Chính, chiếm 360ha. Tại xã Cẩm Văn, giáp xã Đức Chính, từ năm 2009 đã hình thành một NM chế biến, XK nông sản rộng hơn 1ha. Chủ sở hữu NM này là Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Tân Hương foods).

Ông Nguyễn Đức Mệnh, GĐ Tân Hương foods cho biết, khoảng nửa tháng nay, NM chế biến luôn thu mua đều đặn cho người trồng tại các xã Cẩm Văn, Đức Chính khoảng 100 tấn cà rốt/ngày. Cty này thu mua qua các thương lái với giá xô từ 5,5 – 5,7 nghìn đồng/kg. Sau khi thu mua, DN này sơ chế, đóng gói theo quy cách để XK. Theo ông Mệnh, lượng cà rốt XK và tiêu thụ nội địa luôn cân bằng ở mức 50/50. Thị trường XK ổn định của DN này là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Không chỉ Tân Hương foods, hầu hết các DN xuất khẩu cà rốt đang phải cạnh tranh nảy lửa với thị trường cà rốt Trung Quốc. “Nếu như mọi năm, thời tiết tại Trung Quốc rét đậm, rét hại và mưa tuyết thì năm nay lại ấm hơn. Mọi năm, do mưa tuyết, các vùng trồng cà rốt của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nên phải thu hoạch và hết sớm. Năm nay, cà rốt Trung Quốc trúng vụ, sản lượng nhiều nên thương lái bên họ không thu mua cà rốt Việt Nam mà ưu tiên tiêu thụ hàng nội địa. Trong khi thị trường XK của họ tương đối giống Việt Nam nên sự cạnh tranh là điều không tránh khỏi” – ông Mệnh cho biết.

16-07-45_nh2
Xã Đức Chính khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích cà rốt


Theo tính toán của ông Mệnh, hiện cà rốt Việt Nam XK đi các nước đang thấp hơn cà rốt Trung Quốc khoảng 400 đồng/kg. Đại diện Tân Hương foods tiết lộ, do cà rốt Trung Quốc trước nay vốn được trồng bài bản, mẫu mã đẹp, năng suất cao. Hơn nữa, do Chính phủ Trung Quốc lại luôn có chính sách trợ giá nông sản XK. Ví như vụ cà rốt tại Trung Quốc, nếu rớt giá, các DN có đơn hàng XK ngay lập tức được Chính phủ trợ giá khoảng 200 đồng/kg (quy đổi ra VNĐ). Tuy nhiên theo ông Mệnh, thời vụ thu hoạch cà rốt Trung Quốc hiện không còn nhiều, vì vậy giá cà rốt Việt Nam nhiều khả năng sẽ dần tăng giá trở lại trong thời gian tới. Do sản lượng cà rốt của người dân tại Hải Dương sắp tới kỳ thu hoạch còn nhiều, ông Mệnh cho rằng, khi đó sản phẩm Việt Nam sẽ chiếm lĩnh lại các thị trường XK, thế chân Trung Quốc.

Trước những khó khăn hiện tại, theo ông Mệnh, các DN xuất khẩu cũng đã và đang lên nhiều phương án đối phó. Một là đầu tư xây dựng các kho lạnh để thu mua, bảo quản cà rốt cho người dân, sau đó tung ra thị trường khi Trung Quốc khan hàng. Hai là đầu tư dây chuyền chế biến cà rốt thành các sản phẩm khô. “Lường trước khó khăn, vài năm qua DN của tôi đã đầu tư, dành 20% lượng cà rốt để chế sấy khô. Những sản phẩm này sau đó được bán lại cho các DN SX mì tôm, cơm rang hay làm mứt” – vị này cho biết.
 

Đề nghị không mở rộng diện tích cà rốt

Ghi nhận của PV NNVN, tới hôm qua (29/1) tại vựa cà rốt xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), giá cà rốt nông dân bán tại ruộng dao động từ 2.500 – 3.700 đ/kg (thấp hơn so với bình quân năm trước ở mức 4.500đ/kg).

Theo UBND xã Đức Chính, một trong những nguyên nhân khiến giá hạ là do người dân tự ý mở rộng diện tích trồng cà rốt không theo quy hoạch của xã. Cụ thể, tổng diện tích trồng cà rốt tại xã Đức Chính chỉ có khoảng 360ha, tuy nhiên người dân sang các tỉnh lân cận, thuê thêm gần 750ha đất để mở rộng diện tích canh tác cà rốt, khiến sản lượng tăng thêm vọt thêm gần 40.000 tấn.

“So với năm ngoái, lượng cà rốt của xã Đức Chính XK (ngoài thị trường Trung Quốc) năm nay tăng nhiều hơn mọi năm. Trong thời gian tới, khi thị trường Trung Quốc hết hàng, giá cà rốt Đức Chính chắc chắn sẽ lại tăng trở lại và XK sẽ mạnh hơn. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng thêm diện tích cà rốt để ổn định về cung – cầu” - ông Nguyễn Đức Thuật, GĐ Hợp tác xã nông nghiệp xã Đức Chính nêu quan điểm.

Theo kinh nghiệm của nông dân tại xã Đức Chính, một trong những biện pháp để bảo quản cà rốt, đó là thu hoạch xong, cắt lá và vùi củ trong đất cát ngay tại ruộng, phủ ni-lon để cà rốt không bị gặp mưa. Bằng cách này, cà rốt thu hoạch xong vẫn có thể bảo quản được nguyên vẹn về chất lượng, mẫu mã từ 3-4 tháng. Đây cũng có thể là giải pháp để bảo quản cà rốt khi giá quá thấp.

Trao đổi với NNVN, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, về khâu hậu thu hoạch, Hải Dương luôn tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào chế biến, XK. Hải Dương đang cố gắng hình thành nhiều NM chế biến công suất cao, hiện đại, đưa mặt hàng cà rốt tới nhiều thị trường hơn trên thế giới.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm