| Hotline: 0983.970.780

Gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm [Bài 1]: Quản chặt con giống nhập khẩu

Chủ Nhật 05/11/2023 , 14:33 (GMT+7)

Nghề nuôi tôm hùm đang phải phụ thuộc con giống nhập từ nước ngoài, dễ rủi ro về chất lượng và dịch bệnh. Quản lý con giống nhập khẩu là nhiệm vụ cấp thiết.

Kiểm tra giống tôm hùm.

Kiểm tra giống tôm hùm.

Dự kiến vào ngày 15/11/2023, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Nội dung Diễn đàn: Công tác quản lý con giống tôm hùm, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững; Truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường; Công tác kiểm soát giống nuôi biển nhập khẩu; Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp, các loại vật tư phục vụ nuôi biển; Tình hình thị trường thủy sản cuối năm và dự kiến 2024.

100% giống tôm hùm xanh phải nhập khẩu

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung tại 5 tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận với hơn 179.000 lồng, tổng sản lượng hơn 3.250 tấn mỗi năm. Trong đó 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” tôm hùm, chiếm 95% số lồng và sản lượng nuôi.

Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm tại 2 tỉnh trên đã trở thành đối tượng nuôi biển trọng điểm và là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân ven biển.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người nuôi tôm hùm có thâm niên ở thôn Bình Ba Đông, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, hiện bà con chủ yếu nuôi 2 loại tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Do tôm hùm chưa có giống nhân tạo nên phụ thuộc nguồn khai thác tự nhiên và nhập khẩu. Tuy nhiên những năm gần đây, con giống ngoài tự nhiên cạn kiệt nên bà con nuôi chủ yếu từ con giống nhập khẩu.

"Về giá giống lúc dồi dào từ 20-30 ngàn đồng/con nhưng từ tháng 10 đến tháng giêng, nguồn giống nhập khẩu khan hiếm thì lên 50-60 ngàn đồng/con. Đối với giống tôm hùm bông giá thường gấp 4 lần so với tôm xanh, dao động từ 100 - 110 ngàn đồng/con. Tuy nhiên hiện nay, thị trường Trung Quốc hạn chế nhập khẩu tôm hùm bông, bà con ngưng thả nên giá giống rớt thấp còn 30 ngàn đồng/con", anh Tuấn chia sẻ.

Theo người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa, với một lồng nuôi 16m2 thả 500 con giống tôm hùm xanh. Sau 8 tháng thả nuôi thu hoạch còn khoảng 300 - 350 con, tức tỷ lệ hao hụt từ 30-35%.

Còn nuôi tôm hùm bông (tôm sao) tỷ lệ hao hụt còn cao hơn nhiều. Theo đó, mỗi lồng thả 120 con, sau 12 tháng thu hoạch chỉ còn 50% số lượng thả, thậm chí còn hao hụt hơn nữa. Nuôi hao hụt nhiều, thị trường khó khăn, người nuôi trên vịnh Cam Ranh ít thả tôm hùm bông. Nhưng tại vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) phần lớn người nuôi vẫn còn thả loại tôm này.

Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm trọng điểm của tỉnh Phú Yên, hiện có hơn 80.000 lồng nuôi thương phẩm và lồng ươm tôm hùm.

Những năm gần đây, bà con thị xã Sông Cầu cũng chuyển sang chủ yếu nuôi tôm hùm xanh, vì thời gian nuôi ngắn chỉ từ 8-10 tháng là thu hoạch. Còn ở tôm hùm bông thời gian nuôi dài hơn từ 12-18 tháng, rủi ro lại cao.

Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, hiện bà con nuôi tôm hùm chủ yếu từ giống nhập khẩu. Thời gian gần đây, nguồn giống nhập khẩu bị “đứt” nên nhiều bà con bỏ trống ô lồng rất nhiều. Hơn nữa, tỷ lệ con giống nuôi bị hao hụt rất cao, lên đến 50%.

Theo ông Quang, mỗi lòng 3m2, bà con thả ương 500 con giống

Theo ông Quang, mỗi lòng 3m2, bà con thả ương 500 con giống

“Mỗi lồng 3m2, bà con thả ương 500 con giống bị hao hụt chỉ còn 250-300 con. Còn khi chuyển qua nuôi thịt trong lồng 9m2 thả 300 con, đến ngày xuất bán chỉ còn 200-220 con”, ông Quang chia sẻ.

Cần kiểm soát chặt nguồn tôm hùm giống

Theo Cục Thủy sản, hàng năm nhu cầu thả nuôi ở Nam Trung bộ từ 80-90 triệu con giống tôm hùm các loại. Trong đó, 80% giống tôm hùm bông và 100% giống tôm hùm xanh phải nhập khẩu từ các nước như: Philippines, Indonesia, Myanmar, Srilanka, Singapore.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng đàn tôm không ổn định, có lô đạt tỷ lệ sống cao, có lô nhập về cho tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm (tỷ lệ hao hụt 30-70%). Nguyên nhân do những đàn tôm nhập về chưa thích nghi kịp với môi trường Việt Nam hoặc trải qua quá trình vận chuyển dài khiến tỷ lệ sống thấp và tăng trưởng chậm.

Mặt khác, từ ngày 21-30/6, qua giám sát, cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) phát hiện có 5 lô hàng của 3 công ty nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng.

Tăng cường kiểm tra vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống vào Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống vào Việt Nam.

Để ngăn ngừa tôm giống không đảm bảo sạch bệnh nhập khẩu vào Việt Nam, Chi cục Thú y vùng IV đã báo cáo và đề nghị Cục Thú y tạm thời ngừng cấp phép nhập khẩu tôm hùm giống từ nước có lô hàng xuất khẩu bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Đồng thời, ban hành văn bản gửi cơ quan thẩm quyền của các nước có tôm hùm giống xuất khẩu sang Việt Nam để đề nghị cung cấp thông tin về quy trình thực hiện kiểm dịch tôm hùm giống xuất khẩu và cam kết đảm bảo các lô tôm hùm giống nhập vào Việt Nam đều an toàn về yếu tố dịch bệnh. Ngoài ra, đề nghị các công ty không nhập khẩu tôm hùm giống từ các nhà cung cấp và các đối tác đã có lô hàng dương tính với virus gây bệnh đốm trắng…

Thêm vào đó, thời gian gần đây, người dân và doanh nghiệp phản ánh tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Tiếp nhận thông tin, Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn số 6361 ngày 11/9/2023 về ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống.

Thực hiện theo công văn này, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán tôm hùm giống trái phép vào Việt Nam, tôm hùm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Theo các địa phương, tôm hùm là loại thủy sản đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Hàng năm nhu cầu tôm hùm giống của người nuôi là rất lớn, vì vậy vấn đề kiểm soát nguồn giống là yếu tố sống còn để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm. Và khi chúng ta minh bạch nguồn gốc tôm giống sẽ giảm thiệt hại cho người nuôi, đồng thời là cơ sở để triển khai chuỗi liên kết tôm hùm xuất khẩu chính ngạch.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, toàn tỉnh Phú Yên có hơn 112.000 lồng bè nuôi tôm hùm trên diện tích khoảng hơn 1.650 ha mặt nước. Mỗi năm tỉnh cần khoảng 22-25 triệu con tôm trắng/năm, trong đó khoảng 390 ngàn con khai thác ngoài tự  nhiên, còn lại giống nhập khẩu.

Còn tại Khánh Hòa cần khoảng 55-60 triệu con tôm trắng/năm. Hàng năm, nguồn giống tôm hùm được khai thác tại các vùng biển trong tỉnh chỉ cung cấp được 15 - 20% nhu cầu, số giống tôm hùm còn lại được mua từ các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam hoặc nhập từ Indonesia, Philippines và Singapore…). Tỉnh Ninh Thuận cần khoảng 1,5-2 triệu con tôm trắng/năm cho nuôi thương phẩm.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm