Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc, nằm ở trung tâm giữa Đông Bắc và Tây Bắc, có tổng diện tích tự nhiên trên 688.600 ha, trong đó tiềm năng về mặt nước nuôi trồng thủy sản là 23.000ha. Địa phương có địa hình chủ yếu thung lũng xen giữa các dãy núi, đồi thấp, tạo nên một hệ thống sông, suối, hồ, ao, ruộng rất phong phú và thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhiều hình thức như: nuôi cá ao hồ nhỏ thâm canh, nuôi cá lồng, bè; nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi; nuôi ba ba gai,...
Năm 2022, tổng diện tích nuôi trồng và khai thác đạt 22.390ha, sản lượng ước đạt 13.751 tấn, tăng 7% so với năm 2021. Giá trị thủy sản cả năm ước đạt khoảng 370 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 2.645 lồng cá. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích đưa vào nuôi trồng, khai thác đạt gần 25.000ha, sản lượng đạt gần 9.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt hơn 250 tỷ đồng.
Mục tiêu của tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng, khai thác thủy sản khoảng 22.500ha; ổn định số lượng lồng nuôi từ 2.500 - 3.000; sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt trên 15.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 13.500 tấn; sản lượng khai thác tự nhiên đạt 1.500 tấn, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân từ 7 - 9%/năm; đạt trên 485 tỷ đồng vào năm 2025. Tỷ trọng ngành thủy sản chiếm khoảng 4,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng thu hoạch. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng mới cơ sở chế biến thủy sản tại huyện Yên Bình để tăng cường liên kết vùng nguyên liệu với thu mua, chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu gắn với du lịch sinh thái trên hồ Thác Bà.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Yên Bái hiện đang chỉ đạo ngành thủy sản khuyến khích người dân kiểm soát chặt sử dụng con giống và thức ăn có kiểm soát đầu vào, đảm bảo chất lượng tốt để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và người tiêu dùng. Khuyến khích mở rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, nhất là các sản phẩm thủy sản đặc hữu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao thu nhập từ khai thác diện tích mặt nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...
Ông Hoàng Ngọc Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường quản lý cơ sở sản xuất giống theo các điều kiện sản xuất theo quy trình, có nguồn gốc xuất xứ theo quy định; đảm bảo 100% giống đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh được áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Khuyến khích nuôi một số sản phẩm đặc thù, đặc sản có lợi thế của địa phương như: Phát triển trang trại nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) tại các xã vùng cao huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên...; nuôi ba ba gai tại các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn; phát triển và bảo tồn các loài cá đặc sản địa phương như: cá dầm xanh, cá anh vũ, chiên, lăng, ngạnh, chép, trắm đen... tại các ao, hồ lớn trên địa bàn tỉnh; nuôi cá bỗng tại huyện Lục Yên; ốc nhồi tại huyện Trấn Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái”.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: công nghệ giống, công nghệ nuôi trồng, công nghệ bảo quản, chế biến, công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích phát triển sản xuất thức ăn thủy sản (thức ăn tự chế, công nghiệp) phù hợp từng đối tượng nuôi, hình thức, điều kiện theo hướng giảm phụ thuộc vào bột cá; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm giá thành, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, cho biết: “Tỉnh Yên Bái có định hướng phát triển thủy sản theo vùng hàng hóa, theo ngành hàng tập trung, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi, từng bước áp dụng sản xuất công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, tập trung ở các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình trọng tâm là nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để liên kết hình thành chuỗi”.