| Hotline: 0983.970.780

Gỡ nút thắt nghề nuôi tôm hùm [Bài 2]: Nút thắt thức ăn, công nghệ

Thứ Hai 06/11/2023 , 09:44 (GMT+7)

Sau giống là nút thắt thức ăn, công nghệ. Bà con nuôi tôm hùm sử dụng thức ăn tươi không chỉ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản mà còn gây ra vấn đề môi trường.

Người nuôi cho tôm hùm ăn thức ăn tươi dễ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Sơ.

Người nuôi cho tôm hùm ăn thức ăn tươi dễ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Kim Sơ.

Dự kiến vào ngày 15/11/2023, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Nội dung Diễn đàn: Công tác quản lý con giống tôm hùm, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững; Truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường; Công tác kiểm soát giống nuôi biển nhập khẩu; Nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp, các loại vật tư phục vụ nuôi biển; Tình hình thị trường thủy sản cuối năm và dự kiến 2024.

Ô nhiễm môi trường khi cho tôm ăn thức ăn tươi

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, tính cuối năm 2022, toàn tỉnh có 68.666 ô lồng nuôi tôm hùm, tổng sản lượng thu hoạch trên 1.375 tấn. Còn 10 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh này thả nuôi 74.330 lồng tôm hùm, với sản lượng đạt trên 1.517 tấn.

Xã Cam Bình, TP Cam Ranh là một trong những vùng nuôi tôm hùm chủ lực ở tỉnh Khánh Hòa. Hiện toàn xã có hơn 400 bè, khoảng 20.000 ô lồng với sản lượng khoảng 300 tấn/năm, chủ yếu là tôm hùm xanh.

Hoạt động cung cấp thức ăn cho tôm hùm diễn ra sôi động tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Hoạt động cung cấp thức ăn cho tôm hùm diễn ra sôi động tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ghi nhận của chúng tôi, sáng sớm tại cầu cảng đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình hoạt động cung cấp thức ăn cho tôm hùm diễn ra sôi động cả trên bờ lẫn dưới biển.

Theo người nuôi nơi đây, mỗi ngày có gần chục chiếc tàu cá chở thức ăn đủ loại gồm: cá liệt, cá nục, mực, ốc bươu, ốc vặn, con bắp, con tím… cho tôm hùm ăn. Tàu nhỏ thì chở từ 15 - 20 tấn thức ăn, còn tàu lớn từ 40 - 50 tấn, với giá bán trung bình từ 5 - 10 ngàn đồng/kg, cho đến 28 - 30 ngàn đồng/kg (tùy loại).

Anh Nguyễn Văn Phương, thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình cho biết, thông thường, tôm hùm mới thả giống được cho ăn mồi sang như mực có giá từ 60 - 70 ngàn đồng/kg hoặc con ruốc… Còn khi tôm nuôi khoảng 5 tháng trở lên sẽ cho ăn đủ thứ tùy theo điều kiện, sở thích của người nuôi. Với mỗi lồng nuôi từ 400 - 500 con tôm hùm xanh, khẩu phần cho ăn gồm ốc và cá, chi phí khoảng 170 - 200 ngàn đồng/ngày. Như gia đình anh Phương có tất cả 50 lồng nuôi tôm hùm vị chi sẽ khoảng 10 triệu đồng/ngày trở lại.

Việc nuôi tôm hùm sử dụng thức ăn tươi tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh. Ảnh: KS.

Việc nuôi tôm hùm sử dụng thức ăn tươi tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, hiện tôm hùm nuôi sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi từ nguồn khai thác trong các vùng biển ven bờ bao gồm cá tạp, giáp xác nhỏ và các loại động vật thân mềm như sò, vẹm. Việc sử dụng thức ăn tươi nuôi tôm hùm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn gây ra các vấn đề về môi trường. Do đó, ông Quang cho rằng, cần có giải pháp để khắc phục, chủ động được nguồn thức ăn cho nuôi tôm hùm.

Đồng quan điểm với ông Quang, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, việc sử dụng các loại cá tạp cho tôm hùm ăn có nguy cơ nhiễm mầm bệnh, chất bảo quản. Hơn nữa nếu cho thức ăn dư thừa, người nuôi không thu gom mà xả trực tiếp xuống đáy biển sẽ gây ô nhiễm môi trường...

“Qua thời gian nuôi lâu ngày, thức ăn  tích tụ tạo ra lớp bùn đen ở mặt đáy biển nuôi gây ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh làm tôm nuôi bị chết hàng loạt, điển hình như vụ tôm hùm nuôi bị chết tại vịnh Xuân Đài vào tháng 6 năm 2017”, ông Phương bày tỏ.

Công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng bè lạc hậu

Hiện nay, ngư dân nuôi tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa dựa vào kinh nghiệm, công nghệ nuôi bằng lồng bè còn lạc hậu. Ghi nhận của chúng tôi, lồng nuôi làm bằng khung gỗ có lưới bao quanh với kích thước 9m2 hoặc 16m2 được treo vào các bè bằng gỗ, được giữ bởi các phuy nhựa nổi trên mặt nước, rất thô sơ.

Lồng bè nuôi tôm hùm của người dân lạc hậu dễ bị thiệt hại khi sóng gió mạnh. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi tôm hùm của người dân lạc hậu dễ bị thiệt hại khi sóng gió mạnh. Ảnh: KS.

Ông Phạm Ngọc Luyện, Phó Trưởng phòng Kinh tế Vạn Ninh cho biết, lồng nuôi thô sơ này chỉ nuôi được ở các vùng có dòng chảy chậm, ít sóng gió và thời gian sử dụng tương đối ngắn nên hiệu quả đầu tư không cao. Đặc biệt, lồng nuôi này dễ gây thiệt hại cho người nuôi khi bão, sóng lớn ập đến.

Thực tế, cơn bão số 12 (Bão Damrey) xảy ra năm 2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa đã minh chứng về rủi ro này khi đánh tan tành lồng bè gỗ truyền thống, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người người nuôi trồng thủy sản. Theo ông Phạm Ngọc Luyện, cơn bão này đã làm hơn 50.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện bị thiệt hại gần như hoàn toàn.

Tiếp đến cuối năm 2021, người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bão số 9 kết hợp với không khí lạnh gây ra sóng lớn kèm theo gió mạnh đã phá hỏng nhiều lồng bè.

Chứng kiến những giọt nước mắt của người nuôi nơi đây khi tôm nuôi đến kỳ thu hoạch bị mất trắng, chúng tôi không khỏi xót xa. Vùng nuôi nhộn nhịp ngày nào phút chốc trở nên tiêu điều, xơ xác vì toàn bộ lồng bè bị sóng lùa co cụm lại như đống củi. Nhiều thùng phuy, khung bè bằng gỗ bị bẻ gãy đôi nằm la liệt trên mặt biển.

Lồng bè ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) bị sóng lớn đánh tan nát vào năm 2021. Ảnh: KS.

Lồng bè ở đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) bị sóng lớn đánh tan nát vào năm 2021. Ảnh: KS.

Theo báo cáo của UBND xã Cam Bình thống kê, cơn bão số 9 đã làm 2.472 lồng, trong đó 573 lồng nuôi tôm hùm bông và 1.899 lồng nuôi tôm hùm xanh trên địa bàn thôn Bình Hưng bị thiệt hại. Bên cạnh đó 82 bè bị hư hỏng với mức độ từ 20% đến 100%; 2 ghe và 1 cano bị chìm, tổng ước thiệt hại do cơn bão này gây ra khoảng 384 tỷ đồng.

Giải pháp

Trước thực trạng thức ăn cá tạp gây ô nhiễm môi trường, việc nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm là rất cần thiết. Từ 2016 đến nay, Tiến sĩ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã hoàn thành quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm từ các nguyên liệu như bột cá, bột mì, bột đậu nành, bột cám và bột mực.

Theo Tiến sĩ Mai Duy Minh, thời gian qua việc nuôi tôm trong bể tại tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bằng thức ăn công nghiệp cho kết quả tích cực. Cụ thể, đối với tôm hùm xanh cho tỷ lệ sống, chất lượng sản phẩm như màu sắc, thịt đều đảm bảo như nuôi bằng thức ăn tươi. Còn tôm hùm bông thì nuôi chậm lớn hơn khi sử dụng thức ăn công nghiệp. Hệ số thức ăn (FCR) nuôi trong bể từ 2-2.2 đối với tôm hùm xanh và 3.0 đối với tôm hùm bông, tuy nhiên nếu quản lý tốt thì từ 2.6-2.8.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm. Ảnh: KS.

“Về chất lượng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm đảm bảo, vì kể cả tôm nuôi bị còi từ lồng bè được chúng tôi đem về nuôi trong bể vẫn lột xác bình thường. Hơn nữa thức ăn này có độ dính tốt, mùi thơm, chuẩn hệ số thức ăn từ 2.2-3.0, giá khoảng 130 ngàn đồng/kg. Vì vậy, khi nuôi một kg tôm hùm chưa tới 400 ngàn đồng nên rất hợp lý”, ông Minh khẳng định và cho biết thêm, việc thay thế thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm, không chỉ hạn chế dịch bệnh, chất thải môi trường mà còn đóng góp rất tích cực vào hoạt động khai thác có trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Với thành công nuôi tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp trong bể, thời gian tới, Tiến sĩ Mai Duy Minh mong muốn tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp phù hợp để sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm lồng trên biển, nơi có dòng chảy làm giảm khả năng nhận biết thức ăn của tôm và các loài cá nổi không mong muốn cạnh tranh thức ăn với tôm hùm. Qua đó, người nuôi tự đánh giá hiệu quả sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm và từng bước đưa sử dụng trong nuôi tôm hùm công nghiệp trên biển.  

Còn ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho biết, để thích ứng với thiên tai, việc chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng HDPE là rất cần thiết. Thực tế, lồng HDPE chịu được sóng gió tốt hơn lồng gỗ. Cơn bão Damrey đổ bộ vào Khánh Hòa trong khi lồng bè gỗ của người dân bị thiệt hại nhưng lồng HDPE của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam và Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nghiên cứu Nuôi trồng sản I) không ảnh hưởng gì.

Khánh Hòa triển khai mô hình nuôi tôm hùm trong lồng HDPE. Ảnh: KS.

Khánh Hòa triển khai mô hình nuôi tôm hùm trong lồng HDPE. Ảnh: KS.

Để giúp người nuôi tiếp cận lồng HDPE, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã triển khai nhiều mô hình trên vịnh Vân Phong, người nuôi đều đánh giá mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài lợi ích bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng phá rừng để lấy gỗ làm lồng, mô hình còn giúp người nuôi tự tin mỗi khi có mưa bão sóng lớn. Đặc biệt, lồng nuôi thông thoáng, tôm hùm và thủy sản nuôi sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, cũng như giúp năng suất tăng lên đáng kể. Về chi phí, nhờ độ bền của lồng HDPE lên đến 50 năm nên tổng chi phí trong cả chu kỳ vẫn rẻ hơn lồng gỗ.

Thời gian qua Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup thực hiện hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển ở vịnh Cam Ranh. Đến nay đã có 6 hộ dân được hỗ trợ thực hiện nuôi tôm hùm trong lồng vuông HDPE với kích thước lồng 4x4x3,5m. Lồng nuôi có gắn camera giám sát, hệ thống định vị trên biển, người nuôi có thể giám sát từ xa 24/7 trên thiết bị điện tử. Trong quá trình nuôi thí điểm, hệ thống lồng nuôi tiếp tục được điều chỉnh kết cấu để phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc thù của ngư dân địa phương.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.