| Hotline: 0983.970.780

Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023

Gỡ rối cho tơ tằm: Chủ động nguồn giống, quy hoạch vùng trồng dâu riêng biệt

Thứ Bảy 11/11/2023 , 18:38 (GMT+7)

Là ngành nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, nhưng dâu tằm tơ đang gặp phải những thách thức không nhỏ về sản xuất, tiêu thụ và tiếp thị.

Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Trăn trở vùng nguyên liệu

Ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, cả nước có khoảng gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu năm 2022 khoảng 13.200ha, sản lượng kén đạt hơn 16.800 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm.

Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm. Phần lớn tơ thô của Việt Nam được xuất khẩu sang Ấn Độ, chiếm tỷ trọng hơn 90%. 

Nhận xét về ngành dâu tằm tơ, ông Hùng nêu 7 vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh việc nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. "Hiện chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khâu trong sản xuất dựa vào thủ công", ông nói.

Một vấn đề nữa được đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia chỉ ra, là mối liên kết giữa người sản xuất và người mua kén không chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Điều này dẫn đến việc ngành dâu tằm tơ chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô để xuất khẩu nguyên liệu. 

Làm rõ hơn vấn đề này, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Lâm Đồng là thủ phủ của ngành dâu tằm tơ, với diện tích trồng 8.500ha. Cùng với hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, 3 tỉnh Tây Nguyên chiếm gần 75% tổng diện tích trồng dâu trên cả nước. Vừa qua, một số tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai đã quan tâm phát triển trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, trên cả nước, chưa nhiều địa phương có chính sách phát triển riêng cho ngành dâu tằm tơ.

Người dân thu hoạch kén tằm tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: TL.

Người dân thu hoạch kén tằm tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: TL.

Để giải quyết, Cục đề xuất các tỉnh có vùng nguyên liệu sản xuất tơ tằm tập trung xây dựng các mô hình liên kết HTX, tổ hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tơ tằm.

"Cần hướng dẫn các hộ trồng tơ tằm trên cả nước tham gia vào mô hình liên kết, đẩy mạnh quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã vùng trồng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Từ đó, hình thành hệ sinh thái cho ngành dâu tằm tơ, giúp phát triển thương hiệu cả trong lẫn ngoài nước", vị này chia sẻ.

Cần giải pháp đồng bộ

TS Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết, dâu là nguồn thức ăn quan trọng và duy nhất của tằm, quyết định đến chất lượng của kén. Hiện trung tâm đã nghiên cứu ra giống GQ2 được trồng phổ biến tại miền Bắc và miền Trung, năng suất trung bình đạt trên 35 tấn lá/ha. Trong điều kiện thâm canh có thể đạt năng suất 40 - 45 tấn/ha.

Với vùng Tây Nguyên, 2 giống dâu S7-CB và VA-201 được trồng phổ biến, được bà con nông dân quen gọi là giống siêu lá và giống siêu cành. Trong đó, giống VA-201 là con lai của giống VA-186 và giống Bầu đen (dâu địa phương của Lâm Đồng), có đặc điểm phân cành mạnh, năng suất 30 tấn/ha.

"Thời gian qua, ngành dâu tằm tơ phát triển nhanh, diện tích dâu tăng gần gấp đôi nhưng nguồn cung giống dâu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu. Các giống dâu mới chọn tạo trong nước đã tỏ rõ tính ưu việt, góp phần hạn chế tình trạng sử dụng các giống không rõ nguồn gốc", lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương nhận xét.

Về giống tằm, có hai loại tằm chính là tằm dâu và tằm thầu dầu lá sắn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu giống đa hệ kén vàng (một loại thuộc tằm dâu) và giống tằm sắn. Hơn 90% nhu cầu giống tằm lưỡng hệ (giống cho chất lượng tơ tốt nhưng khó nuôi) vẫn đang nhập khẩu.

Nghệ nhân dệt lụa tơ tằm truyền thống Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: TL.

Nghệ nhân dệt lụa tơ tằm truyền thống Phan Thị Thuận, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: TL.

Ngoài vấn đề giống cho ngành dâu tăm tờ, bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX Dệt đũi Nam Cao, Thái Bình thông tin, qua việc tiếp xúc với khách quốc tế, những làng nghề sản xuất lụa tơ tằm có thể đa dạng hóa nguồn thu. Một số gợi mở của bà, như cho du khách trải nghiệm dệt lụa, xây dựng không gian văn hóa, du lịch gắn với làng nghề, phát triển nhiều sản phẩm từ tơ tằm, dàn đủ phân khúc cho tập khách hàng.

Tại hội thảo, ông Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển ngành. Theo ông, chỉ khi có một chiến lược bài bản, hoàn chỉnh, những giải pháp đồng bộ mới được triển khai, giúp người nông dân, doanh nghiệp vượt qua các thách thức về giống, vùng nguyên liệu, thị trường và đổi mới sáng tạo.

"Muốn có nguồn kén nguyên liệu đủ cho sản xuất, chúng ta cần đầu tư cho người nông dân thâm canh vườn dâu, đầu tư nuôi tằm tốt hơn nữa để tạo ra nguồn kén tốt nhất đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp tơ, dệt", ông Tú trăn trở.

Kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương 

Tại các tỉnh phía Bắc, Yên Bái nằm trong số địa phương quan tâm, đầu tư và có định hướng cụ thể cho phát triển ngành dâu tằm tơ. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40/2018/NQ-HĐND ngày 8/12/2018 để người dân phát triển trồng dâu, nuôi tằm. Kết quả, tỉnh trồng mới hơn 480ha dâu, xây mới 10 nhà nuôi tằm con tập trung và 2 nhà nuôi tằm lớn.

Từ năm 2021 đến tháng 9/2023, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ 9 dự án phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô hơn 570ha. Tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh được phê duyệt là 5,7 tỷ đồng.

"Yên Bái mong muốn được giới thiệu nhiều tổ chức quốc tế và trong nước, doanh nghiệp, công ty chế biến, sản xuất tơ tằm tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất phát triển dâu tằm trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ xây dựng, quảng bá dâu tằm đến với thị trường trong nước và quốc tế", ông Điển nhấn mạnh.

Người dân làng nghề dệt đũi tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình phấn khởi khi nghề truyền thống phát triển. Ảnh: TL.

Người dân làng nghề dệt đũi tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình phấn khởi khi nghề truyền thống phát triển. Ảnh: TL.

Tổng kết hội thảo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, Bộ NN-PTNT đang triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Ngành dâu tằm tơ, với bề dày truyền thống, lịch sử và dư địa xuất khẩu, cũng thuộc nhóm được nghiên cứu.

Qua ý kiến của một số nghệ nhân, trong đó có bà Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, ông Thịnh đề nghị Hà Nội xem xét xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất dâu tằm tơ, đồng thời tạo quỹ đất cho các làng nghề, doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Bởi Hà Nội được xem là vùng đất bách nghệ và có hai làng nghề dệt nổi tiếng là Phùng Xá và Vạn Phúc.

Ông Thịnh cũng cam kết sẽ tham mưu, xin ý kiến lãnh đạo Bộ NN-PTNT về việc tạo ra giống tằm nguyên chủng trước khi giao các trung tâm nghiên cứu lai tạo giống phù hợp, tiến tới chủ động về nguồn giống. Ngoài ra, là quy hoạch vùng trồng dâu riêng biệt, không xen canh với các loại cây trồng khác; đồng thời quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về dâu tằm tơ.

"Chuỗi giá trị dâu tằm tơ đang cần một chính sách khuyến khích tổng thể. Đó không chỉ là đa dạng chủng loại, mẫu mã, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, hay nhân giống tằm, phát triển diện tích trồng dâu. Cần một chương trình tổng thể mới có thể gỡ rối được cho tơ tằm", ông Thịnh khẳng định.

Hội thảo Xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ nằm trong chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023, diễn ra từ ngày 9 - 12/11. Festival do Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội tổ chức.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.