| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Hành động thay hô hào: [Bài 2] Phối hợp chặt chẽ trên bờ, dưới biển

Thứ Ba 02/04/2024 , 09:33 (GMT+7)

HÀ TĨNH Bằng nhiều cách làm, động viên có, răn đe có, lực lượng chức năng từ trên bờ đến dưới biển phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, giúp ngư dân khai thác hải sản hợp pháp.

Trong nhiều năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU trên biển. Ảnh: Thanh Nga.

Trong nhiều năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU trên biển. Ảnh: Thanh Nga.

Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt

Sau gần 7 năm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), phải khẳng định, việc quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đơn vị, địa phương của tỉnh Hà Tĩnh rất bài bản và hiệu lực, hiệu quả.

Tất nhiên, đâu đó, một vài đơn vị, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt là có, song mặt bằng chung, hầu hết cơ quan chức năng đều nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ được giao và quan trọng không “đá lạc sân”.

Hiện nay, lực lượng nòng cốt trên bờ chống khai thác IUU là các đơn vị thuộc Sở NN-PTNT; Cấp ủy, chính quyền xã, phường. Còn dưới biển là Bộ đội Biên phòng (BĐBP).

Đầu năm nay, để chuẩn bị tốt các nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”, BĐBP Hà Tĩnh mở đợt cao điểm chống khai thác IUU. Thời gian thực hiện từ ngày 27/1 đến ngày 30/4/2024 với tinh thần không có ngoại lệ, không vùng cấm, xử lý nghiêm vi phạm.

Kết quả ghi nhận đến nay cho thấy, BĐBP tỉnh đã phối hợp với 7 đơn vị biên phòng tuyến biển đóng tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh… thực hiện 15 cuộc tuần tra trên biển với khoảng 110 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia; phát hiện, bắt giữ nhiều tàu giã cào vi phạm đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Riêng đợt ra quân từ ngày 18-25/2, phát hiện, bắt giữ 5 tàu giã cào với 29 thuyền viên có hành vi khai thác hải sản trái phép. Cụ thể, có 4 tàu cá Nghệ An vi phạm cùng 24 ngư dân; 1 tàu cá Hà Tĩnh và 5 ngư dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.

Ngoài các chuyến kiểm tra có lực lượng của BĐBP tỉnh tăng cường, 7 Đồn Biên phòng tuyến biển cũng đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện để tổ chức các cuộc tuần tra riêng trên vùng biển, cửa sông, cửa lạch được giao quản lý, bảo vệ. Nhờ sự vào cuộc thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ, không vùng cấm và xử lý nghiêm các vi phạm nên hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, nhất là tàu giã cào hoạt động sai vùng biển đã giảm hẳn, các cuộc tuần tra gần đây không phát hiện thêm các vụ việc vi phạm.

Trung tá Nguyễn Nhân Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho hay, thực trạng ngư dân đánh bắt hải sản bằng hình thức giã cào sai vùng quy định, có sử dụng chất cấm vẫn diễn ra trên vùng biển được giao quản lý, bảo vệ. Vì vậy, Đồn luôn quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của cấp trên, tăng cường tuần tra, kiểm soát, gắn bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự trên biển... Khi phát hiện tàu cá vi phạm đánh bắt hải sản bất hợp pháp thực hiện đẩy đuổi, xử lý nghiêm minh.

Theo quy định của pháp luật, tàu giã cào phải khai thác cách bờ biển từ 24 hải lý (riêng vùng biển nước sâu Kỳ Anh cách bờ ngoài 15 hải lý), nhưng thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng tàu giã cào khai thác cách bờ chỉ 5-6 hải lý, thậm chí có những tàu còn ngang nhiên khai thác ở những vùng biển cách bờ chưa đầy 2 hải lý.

Nguyên nhân được xác định, do từ tháng 2 đến tháng 7 hằng năm, các loài hải sản sẽ vào gần bờ để sinh sản. Nắm rõ quy luật này, nhiều ngư dân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, khai thác kiểu tận diệt, làm suy kiệt nguồn lợi hải sản.

Từ ngày 27/1 đến 30/4/2024, Bộ đội Biên phòng mở đợt cao điểm chống khai thác IUU đã phát hiện, bắt giữ nhiều tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển. Ảnh: Thanh Nga.

Từ ngày 27/1 đến 30/4/2024, Bộ đội Biên phòng mở đợt cao điểm chống khai thác IUU đã phát hiện, bắt giữ nhiều tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển. Ảnh: Thanh Nga.

Ngư dân Nguyễn Văn Hồng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bức xúc trước thực trạng tàu giã cào đánh bắt gần bờ, nói: “Mắt lưới giã cào nhỏ và dày, lại gắn thêm kích điện hoặc sử dụng chất nổ nên toàn bộ các loại hải sản từ lớn đến bé, từ tầng đáy đến tầng mặt đều bị đánh bắt cạn kiệt, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và sinh kế, thu nhập của ngư dân đánh gần bờ. Mặt khác, đội tàu giã cào vào đánh bắt cũng rất manh động, nhiều lần kéo mất ngư lưới cụ của tàu nhỏ, gây thiệt hại lớn".

Theo ngư dân này, không ít lần trên vùng biển Cẩm Xuyên đã có tranh chấp ngư trường, gây mất an ninh trật tự trên biển. Vì vậy, ngư dân Cẩm Nhượng nói riêng, huyện Cẩm Xuyên nói chung mong muốn các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng BĐBP thường xuyên có những đợt ra quân cao điểm để trấn áp, đẩy đuổi, ngăn chặn tàu giã cào.

Đại tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết, trong thời gian hơn 3 tháng ra quân đợt này, BĐBP tỉnh sẽ phát huy vai trò “chủ công” trong việc phối hợp tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác IUU; chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ tăng cường biên đội tuần tra cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết để ngăn chặn kịp thời, đủ sức răn đe các hành vi đánh bắt trái phép trên biển; thực hiện các biện pháp quản lý nguồn lợi thủy sản, kiểm soát lực lượng khai thác, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản...

Trước mắt, lực lượng của tỉnh sẽ cố gắng phối hợp thêm 3-4 đợt tuần tra chung, mỗi đồn tổ chức 2-3 đợt tuần tra riêng; thường xuyên tuần tra vùng cửa lạch, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, BĐBP cũng sẽ phối hợp các cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là chính quyền huyện, xã để rà soát, nắm chắc thực trạng hoạt động của các loại tàu cá nhằm xử lý triệt để đối với nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép).

Xử phạt nghiêm minh

Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản của Chính phủ: Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1 tỷ đồng và đối với tổ chức là 2 tỷ đồng.

Căn cứ vào các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ban chỉ đạo IUU tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, không có vùng cấm.

Trong 55 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa biển của các lực lượng chức năng, gồm: BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Kiểm ngư từ đầu năm đến nay, đã phát hiện và xử lý 11 vụ/11 tàu cá vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 triệu đồng.  

Đơn cử, ngày 18/2 vừa qua, tại vùng biển Nghi Xuân, cách bờ khoảng 8 hải lý, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Lạch Kèn (BĐBP Hà Tĩnh) phát hiện, bắt giữ 2 tàu giã cào do ông Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Đình Hùng, đều trú tỉnh Nghệ An làm chủ cùng 16 thuyền viên đang khai thác hải sản sai vùng quy định, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản.

Đợt ra quân truy quét sẽ kéo dài đến 30/4. Ảnh: Thanh Nga.

Đợt ra quân truy quét sẽ kéo dài đến 30/4. Ảnh: Thanh Nga.

Sau khi bắt quả tang, lực lượng chức năng đưa tàu cá về bờ, lập biên bản tịch thu ngư lưới cụ đánh bắt sai quy định; tuyên truyền cho chủ tàu và các ngư dân về quy định chống khai thác IUU. Đồng thời, tham mưu UBND huyện Nghi Xuân xử phạt hành chính 25 triệu đồng.

Một vụ việc khác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật là trường hợp tàu cá của ông Bùi Văn Khanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị Đồn Biên phòng Cửa Sót bắt quả tang khai thác thủy sản vi phạm các lỗi: Thuyền trưởng không có chứng chỉ; giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn tàu cá đã hết hạn và không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá. Với các lỗi trên, lực lượng chức năng xử phạt hành chính chủ tàu số tiền 32,5 triệu đồng.

"Chúng tôi thương ngư dân nhưng phải thượng tôn pháp luật. Nếu bà con không tự nhận thức được tính nghiêm trọng của việc vi phạm quy định về chống khai thác IUU để khắc phục thì sớm muộn nghề khai thác trên biển nói riêng, lĩnh vực thủy sản nói chung sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí bà con có thể mất đi miếng cơm manh áo vốn gắn bó bao đời với họ”, Đại tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh, nói.

Đồng thời, ông Nguyên mong muốn ngư dân nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành các quy định pháp luật khi vươn khơi bám biển.

Từ năm 2023 đến nay, riêng lực lượng BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 61 vụ/61 phương tiện khai thác hải sản trái phép trên biển, xử phạt hành chính hơn 1 tỷ đồng.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.