| Hotline: 0983.970.780

Gỗ Việt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: [Bài 2] Nguy cơ rủi ro từ gỗ nguyên liệu

Thứ Sáu 27/09/2019 , 09:17 (GMT+7)

Bên cạnh cơ hội lớn để tăng trưởng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đang khiến cho xuất khẩu gỗ sang Mỹ đối mặt với những rủi ro không nhỏ.

Mối lo từ gỗ dán

Trong những mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, gỗ dán đang là mặt hàng tạo nên sự tăng trưởng mang tính đột biến nhất. Nhưng vì vậy, mặt hàng này cũng đang mang tới nỗi lo ngại lớn nhất.

10-57-47_co_hoi_do_go_-_bi_2_-_nh_1
Gỗ dán Việt Nam

Trong báo cáo “Thương mại gỗ dán giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ”, nhóm tác giả Trần Lê Huy (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định), Cao Thị Cẩm (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) và Tô Xuân Phúc (Forest Trends), cho biết, nếu như trong năm 2017, lượng và giá trị gỗ dán Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là khoảng 56.700 m3 và 51,3 triệu USD, thì trong năm 2018, đã tăng rất mạnh lên 321.000 m3 và gần 190 triệu USD (tăng 5,7 lần và lượng và 3,7 lần về giá trị). Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đang tiếp tục tăng trong các tháng đầu 2019.

Trong khi xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ tăng mạnh, thì nhập khẩu gỗ dán vào Việt Nam cũng tăng nhanh, nhất là từ Trung Quốc. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 450 ngàn m3 gỗ dán, đạt giá trị gần 200 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2019, lượng gỗ dán nhập khẩu là gần 190 ngàn m3 và giá trị khoảng 78 triệu USD.

Điều đáng chú ý là sản xuất gỗ dán của Việt Nam cũng đang tiếp tục tăng trưởng trong thời gian qua. Trong khi đó, tiêu thụ gỗ dán trong nước gần như không tăng. Điều này có thể làm nảy sinh các nghi ngờ về việc gỗ dán Trung Quốc được đưa vào Việt Nam giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né mức thuế cao. Bởi ngoài thuế nhập khẩu khi xuất sang Mỹ, gỗ dán được làm từ gỗ cứng của Trung Quốc còn đang bị chính quyền Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế rất cao, tới 183,4%.

Với mức thuế cao như thế, xuất khẩu gỗ dán từ Trung Quốc sang Mỹ rõ ràng rất khó có lợi nhuận. Bằng chứng là xuất khẩu gỗ dán từ Trung Quốc sang Mỹ đang giảm mạnh. Năm 2016, Mỹ nhập khẩu 1,1 triệu m3, trị giá 1,4 tỉ USD gỗ dán từ Trung Quốc. Lượng nhập sau đó giảm, chỉ còn 0,74 triệu m3, trị giá 1,1 tỉ USD năm 2018. Do đó, nhiều khả năng, gỗ dán Trung Quốc đang tìm những con đường khác nhằm tránh mức thuế cao để vào thị trường Mỹ.

Mặt khác, sự tăng trưởng quá cao của gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, cũng đang làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gỗ dán Việt Nam có thể bị Mỹ xem xét áp dụng thuế chống bán phá giá/thuế chống trợ cấp. Bởi theo theo quy định của WTO, khi “thiệt hại đáng kể” được lấy làm căn cứ điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá/thuế chống trợ cấp (đối kháng) đối với gỗ dán Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, là lượng nhập khẩu mặt hàng gỗ dán Việt Nam vào một quốc gia nhiều hơn 4% tổng nhập khẩu gỗ dán từ tất cả các quốc gia vào quốc gia đó; hoặc tổng lượng nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ các quốc gia bị kiện, bao gồm Việt Nam, vào một quốc gia nhiều hơn 9% tổng nhập khẩu gỗ dán từ tất cả các quốc gia vào quốc gia đó.

Trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018 và những tháng đầu năm nay, đã làm thị phần gỗ dán Việt Nam tại nước này vượt ngưỡng 4% khi lên mức 6% trong năm ngoái và 11% trong quý 1 năm nay.
 

Nguy cơ từ dòng vốn Trung Quốc

Nhờ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành gỗ Việt Nam đang đón nhận một làn sóng đầu tư khá mạnh mẽ, nhất là nguồn vốn FDI. Việc gia tăng đầu tư FDI sẽ góp phần không nhỏ làm tăng trưởng năng lực sản xuất của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, việc gia tăng đầu tư FDI trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cũng mang tới những nguy cơ không nhỏ. Bởi trong những quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, dẫn đầu là Trung Quốc về số lượng dự án.

10-57-47_co_hoi_do_go_-_bi_2_-_nh_2
Sản xuất gỗ dán

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 21 dự án FDI mới vào ngành gỗ là vốn từ Trung Quốc với tổng số vốn 50,1 triệu USD, gần bằng tổng số dự án mới có vốn Trung Quốc và cả số vốn trong cả năm 2018 (24 dự án và 59,3 triệu USD). Như vậy, có thể thấy, số lượng các dự án FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ đang tăng một cách bất thường.

Điều đáng chú ý là quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án có vốn Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay là khá nhỏ, bình quân chỉ 2,1 triệu USD, nhỏ hơn cả quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án năm 2018, và nhỏ hơn rất nhiều so với các dự án có vốn từ Hàn Quốc (19 triệu USD/dự án), Hongkong (23,4 triệu USD/dự án)... Theo nhận định của một số chuyên gia, việc gia tăng các dự án đầu tư quy mô nhỏ từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam, có thể là do nhiều công ty gỗ ở Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam chỉ nhắm tới mục tiêu tranh thủ lợi thế về xuất xứ, do gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc sang Mỹ hiện đã bị áp thuế quá cao.

Nếu nhận định này là đúng, những dự án như trên sẽ có nguy cơ gây rủi ro không nhỏ cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vì có liên quan đến gian lận thương mại. Gian lận thương mại còn có thể đến từ việc các công ty Trung Quốc mua cổ phần các công ty Việt Nam thông qua hình thức tăng quy mô sản xuất và vốn. Khi ấy, sản phẩm gỗ sản xuất từ các dự án này thực tế là sản phẩm của các công ty Trung Quốc, được dán nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ mà không phải chịu bất cứ mức thuế mới như các sản phẩm từ Trung Quốc.

Ngoài ra, còn đang xuất hiện tình trạng một số công ty Trung Quốc thuê nhà xưởng máy móc thiết bị của các công ty Việt Nam, sản xuất các sản phẩm với nhãn mác và chứng nhận xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Với những dự án kiểu này, nguy cơ các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam, rồi sơ chế, thậm chí không sơ chế, lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ, là không nhỏ.

Một số cảnh báo về hệ lụy của các dự án đầu tư từ Trung Quốc của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

- Dịch chuyển các dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

- Tăng vọt trong đầu tư tại một số địa phương có thể tạo nên các áp lực về hạ tầng, do cơ sở hạ tầng ở các địa phương này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

- Khó kiểm soát các nhà đầu tư, đặc biệt trong các hoạt động mua bán, sát nhập doanh nghiệp. Nguy cơ cho việc các doanh nghiệp Việt bị thôn tính.

- Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhiều nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, và điều này dẫn đến các rủi ro trong xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ.

Kiến nghị của nhóm tác giả báo cáo “Thương mại gỗ dán giữa Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ”

Để đảm bảo tính hiệu quả của việc kiểm tra giám sát, ngăn chặn rủi ro về lợi dụng nguồn gốc xuất xứ, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa. Cần tập trung vào việc kiểm tra hàng nhập có xuất xứ Trung Quốc như kiểm tra tên hàng, mã số HS, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm. 

Cơ quan Hải quan cũng cần phối hợp các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế như Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Cơ quan phòng chống gian lận Châu Âu (OLAF) trong việc xác định và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan hải quan và các cơ quan chuyên ngành, nhằm theo dõi các biến động trong xuất, nhập khẩu đối với các nhóm mặt hàng rủi ro. Các cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp giải quyết cấp bách trong trường hợp phát hiện ra biến động bất thường trong hoạt động xuất, nhập khẩu với các nhóm hàng hóa rủi ro.

Các hiệp hội gỗ có vai trò quan trọng trong việc theo dõi những biến động trong xuất nhập khẩu, cả về khía cạnh số liệu thống kê xuất nhập khẩu và về hoạt động của doanh nghiệp. Những thông tin biến động/cảnh báo cần được chuyển tải theo các kênh thông tin nhanh, hiệu quả tới các cơ quan quản lý nhằm xác định giải pháp ứng phó kịp thời.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.