| Hotline: 0983.970.780

Gỗ Việt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: [Bài 1] Cơ hội lớn ở thị trường Mỹ

Thứ Năm 26/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Mỹ là nước nhập khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất thế giới. Trung Quốc đang đứng đầu trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Mỹ. Nhưng giá trị nhập khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc vào Mỹ đang giảm mạnh bởi chiến tranh thương mại.

Đây là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
 

Thị trường khổng lồ

Theo TS Tô Xuân Phúc (Forest Trends) và cộng sự, Mỹ là thị trường khổng lồ cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Số liệu tổng hợp từ ITC/UNCOMTRADE cho thấy, năm 2018, Mỹ đã bỏ ra trên 76 tỷ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

co-hoi-do-go-bi-1-nh-2161237134
Chế biến đồ gỗ xuất khẩu.

Trong đó, đồ gỗ nội thất chiếm giá trị lớn nhất với 27,6 tỷ USD. Tiếp đến là ghế ngồi 26,2 tỷ USD, gỗ xẻ 7,6 tỷ USD, gỗ dán 3,6 tỷ USD, mộc xây dựng 2,4 tỷ USD, ván dăm 2 tỷ USD, gỗ mỹ nghệ khác 1,7 tỷ USD, ván sàn 1,4 tỷ USD, ván sợi 1,3 tỷ USD …

Nói chung, các nhóm mặt hàng đồ gỗ nội thất, ghế gỗ, gỗ xẻ, gỗ dán, đồ gỗ trong xây dựng và các loại ván là những nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Mỹ. Năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu của các mặt hàng này đạt trên 67,36 tỉ USD, tương đương với trên 88% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Mỹ.

Trung Quốc đang là quốc gia cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Mỹ. Năm 2018, Mỹ nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc với tổng trị giá tới 30,3 tỷ USD,, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường Mỹ. Đứng sau Trung Quốc là Canada, với khoảng 19% thị phần (14,8 tỷ USD). Đứng thứ 3 là Mexico, với giá trị xuất khẩu vào Mỹ năm 2018 là 8,7 tỷ USD.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về giá trị đồ gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Mỹ. Năm 2018, Mỹ bỏ ra hơn 6 tỉ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam tương đương khoảng 8% thị phần.

Theo ông Trần Lê Huy, PCT Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, hơn 6 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ mà Mỹ mua từ Việt Nam năm 2018, là giá trị tính ở đầu nhập khẩu (Mỹ), đã bao gồm cả cước vận chuyển, thuế, bảo hiểm và các chi phí khác. Còn nếu chỉ tính ở đầu xuất khẩu (Việt Nam), thì chủ yếu chỉ tính giá trị sản phẩm khi đưa tới các cảng Việt Nam để xuất đi. Do đó, theo thống kê của hải quan Việt Nam, năm 2018, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ là hơn 3,6 tỷ USD.

Trong Top 10 các nước, vùng lãnh thổ cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ cho thị trường Mỹ, còn có Brazil (1,6 tỷ USD năm 2018), Indonesia (1,5 tỷ USD), Ý (1,5 tỷ USD), Malaysia (1,3 tỷ USD), Đức (1,3 tỷ USD) và Đài Loan (987 triệu USD).

Điều đáng chú ý là nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt. Năm ngoái, Mỹ nhập các mặt hàng gỗ thuộc nhóm đồ nội thất lên tới trên 27,5 tỉ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so một năm trước đó. Nhóm mặt hàng ghế ngồi, giá trị nhập khẩu năm 2017 là 24,5 tỷ USD, sang năm 2018 đã tăng lên tới 26,2 tỷ USD … Tổng giá trị gỗ và đồ gỗ nhập khẩu vào Mỹ năm 2018 đã tăng tới hơn 5 tỷ USD trong năm 2018. Quý 1 năm nay, tổng giá trị nhập khẩu gỗ và đồ gỗ của Mỹ đã đạt hơn 17 tỷ USD.
 

Trung Quốc giảm mạnh

Như đã nói ở trên, Trung Quốc là nước xuất khẩu gỗ và đồ gỗ lớn nhất vào Mỹ. Năm 2018, tổng số tiền mà người Mỹ đã bỏ ra để nhập khẩu gỗ và đồ gỗ từ Trung Quốc là gần 30,3 tỷ USD (tính từ đầu nhập khẩu), tăng gần 2,4 tỉ USD so với năm 2017. Theo số liệu tổng hợp của ITC/UNCOMTRADE, quý 1 năm nay, tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ là 6,122 tỷ USD, cao gần gấp 2 lần so với nước đứng thứ 2 là Canada (3,111 tỷ USD).

Ghế ngồi là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất từ Trung Quốc vào Mỹ, với tổng giá trị  là 13,7 tỷ USD năm 2018. Tiếp đó là đồ nội thất với 12,2 tỷ USD; gỗ dán 1,1 tỷ USD; gỗ mỹ nghệ khác 861 triệu USD; hộp trang trí 615 triệu USD; mộc xây dựng 579 triệu USD …

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đang giảm mạnh về lượng. Theo Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO), trong quý 1 năm 2019, gỗ dán Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt 53.104 m3, giảm 39% so với cùng kỳ 2018; ván bóc đạt 841.168 m2, giảm 50%; ván sàn đạt 8.812.999 m2, giảm 52%; tấm lát sàn đã lắp ghép đạt 5.724.293 m2, giảm 38% …

Còn theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị gỗ và đồ gỗ của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt xấp xỉ 3 tỷ USD (tính giá trị từ đầu xuất khẩu), giảm tới 14,1% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, ghế khung gỗ chỉ đạt 1,4 tỷ USD (giảm 13,2%); nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 854 triệu USD, giảm 17,4% …

co-hoi-do-go-bi-1-nh-1161236572
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về giá trị đồ gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Mỹ.

Theo TS Tô Xuân Phúc và cộng sự, với mức thuế mới ở mức 25% được áp dụng đối với hầu hết các mặt hàng gỗ của Trung Quốc xuất vào Mỹ, giá cả của các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ trở nên đắt đỏ và giảm tính cạnh tranh. Điều này khiến cho lợi nhuận của các công ty có hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm công ty có vốn sở hữu của Trung Quốc và của các quốc gia khác, nhằm tạo sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ, bị giảm.
 

Gỗ Việt Nam tăng mạnh sang Mỹ

Trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Trung Quốc sang Mỹ đang giảm mạnh, thì xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Mỹ lại đang tăng trưởng mạnh, nhất là từ cuối năm 2018 đến nay. Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đã đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, tăng tới 33% so với cùng kỳ 2018.

Ở nhóm sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ, nhìn chung tất cả các mặt hàng đều có tăng trưởng về kim ngạch. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng rất cao như đồ nội thất văn phòng, với mức tăng 61% trong 4 tháng đầu năm nay so với 4 tháng đầu năm 2018; nội thất nhà bếp tăng 81%; nội thất phòng ngủ tăng 83%; nội thất bằng gỗ khác tăng 87%; bộ phận đồ gỗ tăng 80% …

Nhóm sản phẩm gỗ nguyên liệu còn có sự tăng trưởng mạnh hơn nữa. Trong 4 tháng đầu năm nay, nếu như nhóm sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ tăng trên 1,2 lần so với cùng kỳ 2018, thì nhóm gỗ nguyên liệu tăng tới trên 1,7 lần.

Sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu sang Mỹ của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, có nhiều nguyên nhân. Trước hết là tăng trưởng tự nhiên khi nhu cầu ở Mỹ tăng lên trong khi khả năng đáp ứng đơn hàng của Việt Nam cũng tăng lên nhờ mở rộng công suất chế biến, thu hút thêm vốn đầu tư …

Bên cạnh đó, là tác động không nhỏ từ Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Với mức thuế 25%, đồ gỗ của Trung Quốc khi sang Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây, vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mặt khác, do chiến tranh thương mại khiến cho các công ty sản xuất đồ gỗ ở Trung Quốc có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ bị giảm mạnh lợi nhuận. Họ buộc phải di chuyển hoạt động sang các quốc gia khác trong khu vực mà trọng tâm sẽ là Việt Nam, bởi ở Châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản xuất đồ gỗ.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư FDI vào ngành gỗ đang tăng trưởng mạnh. 5 tháng đầu năm 2019, đã có 49 dự án đầu tư FDI vào ngành gỗ, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018, và tổng số vốn thì đã cao gấp 1,2 lần so với cả năm 2018.

Trong đó, có 32 dự án đầu tư vào chế biến gỗ, 8 dự án sản xuất ván nhân tạo, 3 dự án thương mại gỗ, 2 dự án sản xuất pallet gỗ, 2 dự án sản xuất viên nén 1 dự án sản xuất dăm gỗ và 1 dự án phụ trợ ngành gỗ.

Trung Quốc dẫn đầu trong danh sách các quốc gia về số lượng dự án đầu tư vào ngành gỗ, tiếp đến là Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Đông Nam Bộ là vùng thu hút nhiều dự án đầu tư FDI nhất vào ngành gỗ, với 21 dự án trong năm 5 tháng đầu năm nay.

Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng (9 dự án), Đông Bắc Bộ (7 dự án), Nam Trung Bộ (5 dự án) và Bắc Trung Bộ (5 dự án).

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất công khai tên người bỏ cọc trúng giá đất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đề xuất công khai tên các trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.