| Hotline: 0983.970.780

Greenland - đảo lạnh đang nóng lên

Thứ Bảy 31/08/2019 , 13:10 (GMT+7)

Hòn đảo mặc dù lớn nhất nhưng cũng thuộc hàng lạnh giá và hoang vu nhất thế giới Greenland bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý khi tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị mua nó và bị la ó phản đối.

Greenland có gì mà nước Mỹ muốn có và nếu mua thì mua từ ông bà chủ nào?

14-47-07_1
Greenland nay có vị trí chiến lược về kinh tế và quân sự.

Hòn đảo có diện tích 1,7 triệu km2 (gấp 5 lần Việt Nam) nằm ở cực bắc, là nơi giao nhau của biển Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. 80% diện tích đảo bị băng tuyết bao phủ.
 

Bỗng chốc thành tâm điểm chú ý

Thủ phủ của Greenland là Nuuk, cách thành phố Montreal của Canada 2500km, cách thủ đô Copenhagen của Đan Mạch 3500km. Hòn đảo tự trị tuy là lãnh thổ thuộc Đan Mạch này chỉ có 56.000 người, chủ yếu là người Inuit, là tộc người bản địa ở đây.

Cư dân sống chủ yếu ở bờ biển phía tây trong các làng và thị trấn. Ngoài ra có một số ít người sống ở những vùng hoang vu, làm nghề đánh cá và săn hải cẩu, cá voi. Thành phố Nuuk là nơi 1/3 dân số Greenland sinh sống, cũng là nơi có tòa nhà cao nhất với 8 tầng.

Gần cực Bắc của trái đất đồng nghĩa từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7 mặt trời không lặn. Trong nhiều thời điểm của mùa đông, cả ngày mặt trời không mọc, nhưng hòn đảo không hoàn toàn chìm trong bóng đêm vì ánh trăng phản chiếu trên bề mặt tuyết trắng tạo ra một thứ ánh sáng khác với ánh sáng mặt trời.

14-47-07_2
Dân cư trên đảo rất thưa thớt, chỉ có 56.000 người.

Greenland là thuộc địa của Đan Mạch từ năm 1815 cho đến năm 1953, khi Greenland được coi là lãnh thổ tự trị và từ năm 1979 trở đi giành quyền tự quản, tự trị. Greenland có chính quyền, nghị viện riêng. Quan hệ giữa Greenland với Đan Mạch vẫn là một vấn đề phức tạp. Kinh tế của hòn đảo dựa vào nghề cá và các ngành phụ trợ nó nhưng các chính quyền địa phương ở Greenland nhận một nửa ngân sách từ trợ cấp trực tiếp từ Đan Mạch và Copenhagen vẫn thay mặt Greenland lo phần ngoại giao và quốc phòng cho hòn đảo này.

Người ta nói tổng thống Mỹ muốn hòn đảo không phải vì muốn hưởng những đêm trắng hay ngắm những con gấu Bắc cực trắng muốt. Khi băng đang tan ở vùng cực, khi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Bắc cực ngày càng nóng lên, hòn đảo lạnh giá và hoang vu xưa kia bỗng chốc trở thành điểm nóng.

Băng càng tan, càng làm phát lộ những tiềm năng vốn nằm sâu trong các lớp băng ở Greenland nói riêng và ở vùng Cực bắc nói chung. Đó là dầu mỏ, là bao nhiêu khoáng sản quý khác, tất cả bỗng đứng trước khả năng có thể khai thác được.

Theo Sydney Morning Herald, vào năm 2013, Greenland bãi bỏ lệnh cấm khai thác uranium đã tồn tại 25 năm. Uranium ở đảo thường được tìm thấy ở dạng hỗn hợp cùng với một số kim loại đất hiếm khác là nguyên liệu cho ngành sản xuất điện thoại thông minh và vũ khí quân sự. Một mỏ ở phía nam Greenland được coi là có trữ lượng kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc, nước hiện đang sản xuất 90% sản lượng kim loại đất hiếm của toàn thế giới.

14-47-07_3
Quân nhân Mỹ tại căn cứ Thule năm 1965.

Băng tan cũng có nghĩa là một số tuyến hải lộ mở ra và chúng có ý nghĩa rất lớn về mặt quân sự cũng như giao thông vận tải toàn cầu, là lối tắt nối châu Á với châu Âu, là các tour tuyến du lịch mới. Tất cả những điều đó dẫn đến các căng thẳng địa chính trị trong cuộc đua ai sẽ thống trị, kiểm soát Bắc cực.
 

Người Trung Quốc

Một trong những nhân tố khiến Mỹ quan tâm tới Greenland có thể là sự xuất hiện của người Trung Quốc tại đây. Có tin nói chính phủ Đan Mạch đã chặn lại một số kế hoạch từ chính quyền địa phương cho phép Trung Quốc tài trợ vốn và xây dựng một số sân bay ở Greenland. Nghị sỹ Mỹ Tom Cotton được báo chí dẫn lời nói năm ngoái chính phủ Trung Quốc cố gắng thuyết phục chính quyền Greenland cho phép Bắc Kinh xây dựng ba căn cứ quân sự trên đảo.

“Nhưng chính phủ và một số nghị sỹ Mỹ đã thuyết phục Đan Mạch can thiệp vào phút chót và ngăn lại thỏa thuận này”, trang tin Talk Business & Politics có trụ sở ở bang Arkansas tường thuật.

Tờ báo mạng này nói thượng nghị sỹ Cotton đã đề xuất ý tưởng với tổng thống Trump và cũng đã gặp đại sứ Đan Mạch để bàn về khả năng một vụ mua bán. “Tôi nói với tổng thống (Trump) là ngài nên mua nó (Greenland)”, ông Cotton được dẫn lời nói. Ông cũng nói thêm rằng “ ông ấy (Trump) nghe về điều đó từ tôi và một số người khác nữa”.

14-47-07_4
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trao đổi với báo chí sau khi ông Trump hoãn chuyến thăm.

Mỹ từ lâu đã có quan hệ qua lại với Greenland. Theo một thỏa thuận ra đời năm 1951, Đan Mạch cho phép xây các căn cứ quân sự và trạm radar trên đảo mà không phải trả tiền thuê đất. Không quân Mỹ hiện duy trì duy nhất một căn cứ ở Thule, phía bắc Greenland, cách Bắc cực 1200km. Các sân bay quân sự ở Narsarsuaq, Kulusuk và Kangerlussuaq nay đã trở thành sân bay dân sự. Căn cứ Thule được xây dựng năm 1952, ban đầu được thiết kế làm nơi tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom tầm xa. Từ năm 1961, nó trở thành căn cứ cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và giám sát không gian.

Hồi tháng 5, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ sẽ thiết lập hiện diện ngoại giao thường xuyên ở Greenland càng sớm càng tốt.

Ông Trump nói ý tưởng mua Greenland đã được thảo luận trong nội các của ông bởi các lợi ích chiến lược và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ông cũng nói vùng lãnh thổ này là một gánh nặng đối với Đan Mạch. “Có thể có nhiều lựa chọn ở đây”, tổng thống Mỹ nói. “(Việc sở hữu Greenland) Gây tổn hại cho Đan Mạch rất nhiều, bởi vì họ mất khoảng 700 triệu USD mỗi năm khi ôm thêm (Greenland)”.

Ý tưởng Mỹ mua lại Greenland không phải bây giờ mới có. Trong thế chiến 2, Mỹ đã thiết lập các cơ sở trên đảo này, từ năm 1941. Đan Mạch bị Đức xâm chiếm. Sau thế chiến, vào năm 1946, Mỹ đã đề nghị trả Đan Mạch 100 triệu USD dưới dạng vàng thỏi. Trước đó, Mỹ ve vãn Đan Mạch với ý tưởng đổi Alaska lấy Greenland (Alaska là vùng đất Mỹ mua từ Nga năm 1867). Nhưng các đề nghị của Mỹ đều bị Đan Mạch từ chối.

(Kiến thức gia đình số 35)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.