| Hotline: 0983.970.780

GS Hồ Ngọc Đại: Phải xóa bỏ nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới

Thứ Tư 08/01/2020 , 09:01 (GMT+7)

Trao đổi với Báo NNVN, GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn bày tỏ: “Không thể chạy theo nền giáo dục cũ để có nền giáo dục mới được mà phải xóa bỏ nền giáo dục cũ xây dựng nền giáo dục mới”.

Nền giáo dục cũ không thể dùng cho trẻ con thế kỷ 21

Trước ý kiến phản biện của GS Trần Đình Sử về sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục (CNGD), GS Hồ Ngọc Đại trả lời: “Nói chung là thế này nhé, anh này tư duy thấp lắm. Kinh nghiệm hời hợt lắm. Cho nên hôm đấy (3/1/2020) tôi mới nói tư duy thấp kém quá không đáng bàn. Tôi bất ngờ đấy”.

13-40-48_ho_ngoc_di
GS Hồ Ngọc Đại tại Bộ GD-ĐT sáng 3/1/2020. Ảnh: Nam Trần.

Cuộc trao đổi sáng 3/1/2020 tại Bộ GD-ĐT, GS Trần Đình Sử khi “đối thoại” đã cho rằng, GS Đại là nhà toán học, nhà tâm lý học nhưng không hiểu về văn học. Tư duy của GS Đại là “tư duy tự do”. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, tư duy cũ thì không thấy được vấn đề gì hết.

Nói cụ thể về viết sách cho học sinh tiểu học, ông Đại nêu ra quan điểm mỗi lớp chỉ dạy rất ít khái niệm mang tính cốt lõi. Theo ông Đại, Tiếng Việt là môn khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là tiếng. Lớp 2 là từ và câu, lớp 3 là ngữ, lớp 4, lớp 5 là bài.

Trả lời câu hỏi của PV Báo NNVN về tư duy mới theo sách CNGD của mình hiện nay là gì? GS Hồ Ngọc Đại cho biết: Đó là lý thuyết và công nghệ. Phải thay đổi cả cả lý thuyết lẫn công nghệ thực thi.

“Thay đổi về lý thuyết thì phải có tư tưởng triết học, tư tưởng lý thuyết. Cái đó phải có đầu tiên, sau đó rồi mới đến công nghệ thực thi. Một lý thuyết nào đó bao giờ cũng có cơ sở lịch sử.

Cơ sở lịch sử của nó ở đâu? Họ không thấy được trẻ con sinh ở thế kỷ 21, tức là từ ngày 1/1/2001 trở đi, đó là một thế hệ hoàn toàn mới trong lịch sử. Nó chưa hề có trong lịch sử cho nên nó cần một nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử. Nền giáo dục cũ không thể dùng cho trẻ con thế kỷ 21 được”, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.

Theo ông, hiện nay đất nước cần một nền giáo dục khác về lý thuyết và khác về cả công nghệ thực thi. Còn từ góc nhìn của người chủ biên SGK CNGD, ông nói: “Lớp làm việc hiện nay, nhà giáo hiện nay họ không nghĩ ra được, không biết được, họ không với tới được, nhất là trong lý luận văn học thì thấp lắm.

Vẫn ca ngợi Khổng Tử, vẫn ca ngợi những cái này khác vớ vẩn. Khổng Tử là lạc hậu kinh khủng. Cái đó là phản động đấy. Phản động trong thời đại hiện đại. Thời hiện đại nó khác. Phải có triết học khác trong hoàn cảnh lịch sử mới, cần cho một nền giáo dục mới. Cái cũ không vào được đầu óc trẻ con bây giờ”.

Còn về việc Hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT bỏ phiếu không đạt, yêu cầu tác giả SGK CNGD phải sửa chữa, ông Hồ Ngọc Đại cho biết không thể sửa sách theo ý của Hội đồng.

“Tôi có lý thuyết của tôi, tôi có công nghệ của tôi, và tôi có trách nhiệm của tôi chứ. Mà đâu phải chỉ có một mình tôi. Đây là cả một thế hệ chứ không phải cá nhân tôi đâu. Cho nên công chúng chưa hiểu và rồi sẽ hiểu. May nhất là vừa rồi báo chí vào cuộc và đã bung ra hết, đã công khai hết”, ông Đại nói.

Trước ý kiến của GS Trần Đình Sử nêu ra những khiếm khuyết của SGK CNGD, bản thân GS Hồ Ngọc Đại cũng thừa nhận có những khiếm khuyết. Song ông bày tỏ rằng những khuyết điểm đó điều chỉnh được dần. Năm nào ông cũng điều chỉnh.

“Tôi điều chỉnh làm sao cho sát với thực tiễn nhất, sát với trẻ con hiện tại nhất và vẫn có hiệu quả nhất. Còn hiện nay họ vớ vẩn lắm, trình độ tư duy thấp kém lắm, chủ nghĩa kinh nghiệm.

Tôi lấy ví dụ ông Trần Kiều nhé, là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, đó là một cái viện tiêu tiền Nhà nước vô tội vạ mà không có một thành tích gì về lý thuyết, chuyên môn đi dạy thêm mà sống”, GS Hồ Ngọc Đại bày tỏ.
 

SGK do Bộ GD-ĐT thông qua là công trình dịch vụ

Nhấn mạnh bộ SGK CNGD của mình là sản phẩm khoa học, GS Hồ Ngọc Đại phê phán SGK hiện nay do Bộ GD-ĐT thông qua là công trình dịch vụ chứ không phải công trình khoa học.

Theo đánh giá, bộ SGK CNGD đã chứng minh được hiệu quả từ việc dạy thử nghiệm đến thực hiện đại trà ở 48 tỉnh, thành. Trong đó, từ năm 2006 đến nay, Tiếng Việt theo phương pháp CNGD đã được Bộ GD-ĐT đưa trở lại với vai trò là giải pháp tăng cường dạy Tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn, cứu vãn tình trạng sa sút về chất lượng dạy học Tiếng Việt.

13-40-48_sgk_-_ho_ngoc_di
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại.

Vì thế, GS Hồ Ngọc Đại bảo lưu ý kiến của mình: “Tôi làm sách suốt mấy chục năm, năm nào tôi cũng sửa hết. Nhưng mà giữ đến mức có thể. Sách của tôi đã có nghiệm thu Quốc gia rồi đấy chứ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn 2 lần tổ chức Hội đồng nghiệm thu Quốc gia sách của tôi đấy”.

Trước câu hỏi của PV Báo NNVN cho rằng, bản thân GS Hồ Ngọc Đại muốn áp dụng bộ SGK CNGD để thay đổi tư duy khoa học cũng như triết lý giáo dục hiện nay? Ông Đại thẳng thắn chia sẻ:

“Đúng rồi. Thay đổi căn bản về triết lý của giáo dục, triết học của giáo dục và thay đổi về công nghệ thực thi. Lý thuyết và thực tiễn phải thay đổi. Thay đổi về nguyên lý, thay đổi về nguyên tắc, thay đổi cơ bản, chứ không thể chạy theo trước để cải tiến được. Không thể chạy theo nền giáo dục cũ để có nền giáo dục mới được mà phải xóa bỏ nền giáo dục cũ xây dựng nền giáo dục mới”.

Đó là nói về lý thuyết. Còn thực tiễn, theo GS Hồ Ngọc Đại, muốn xây mới phải đi từ từ. Cho nên ông phải dùng 40 năm thực nghiệm để thuyết phục cộng đồng xã hội.

“Thực nghiệm là gì? Thực nghiệm là tôi làm mẫu. Tôi phải lắp cái van an toàn khi triển khai đại trà. Vì tôi có thực nghiệm rồi cho nên khi triển khai đại trà tôi không sợ. Đấy là trách nhiệm của tôi nữa đấy.

Cho nên học với tôi, bất kể học sinh người dân tộc nào, sinh ra ở đâu sống ở làng xã nào, có đi mẫu giáo hay không, có biết Tiếng Việt hay không, … từ 6 tuổi đi học với tôi 1 năm thì đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Tại sao tôi dám nói như thế là bởi vì tôi biết trẻ con hiện đại 6 tuổi nó khác hẳn. Có phải tôi nói suông đâu. Tất cả các tỉnh miền núi đều theo tôi hết, 100% dạy theo tôi hết”.

“Đối với tôi lợi ích khoa học là trên hết bởi vì đấy là lợi ích lâu dài của đất nước. Tôi có ý thức trách nhiệm với đất nước này, chứ cá nhân tôi không quan trọng gì.

Nhớ lại ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, cũng lâu rồi, từ thời anh Hữu Thỉnh còn làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ, có đặt tôi viết bài.

Tôi viết gửi một bài rất ngắn, trong đó có câu thế này: “Báo là báo cho biết. Cho biết là cho biết sự thật. Còn từ sự thật đến chân lý, người đọc tự nghĩ lấy”.

Tôi rất mừng là các em nhà báo trẻ bây giờ khác trước nhiều lắm, nó hiểu theo nghĩa của nó chứ nó không nghe mập mờ, ú ớ như trước nữa”

(GS Hồ Ngọc Đại)

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.