Nói thì dễ, làm mới khó
GS Trần Đình Sử tán thành quan niệm của GS Hồ Ngọc Đại để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, “lấy học sinh làm trung tâm”. Nhưng ông Sử cho rằng đó là nói ở cửa miệng cho hay thôi, chứ hiểu cho đúng các mệnh đề ấy không dễ, và thể hiện trong chương trình với SGK thế nào mới thật là khó.
GS Trần Đình Sử phản biện GS Hồ Ngọc Đại tại Bộ GD-ĐT sáng 3/1/2020. Ảnh: Nam Trần. |
“Tôi biết chắc anh Hồ Ngọc Đại chưa hề có một chương trình hoàn bị cho các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 - GS Trần Đình Sử nói - Cách dạy thực nghiệm của anh là nghĩ đến đâu dạy đến đó, chưa có hệ thống gì. Nếu ai không tin, đề nghị anh Đại công khai chương trình đầy đủ của anh cho mọi người biết và nhận xét, thẩm định.
Và xin anh Đại đừng tự huyễn hoặc rằng không ai có đủ trình độ thẩm định sách của anh. Đó là nói về chương trình, còn nhìn SGK của anh thì người ta thấy còn lâu mới đạt được yêu cầu đó, vì như SGK Tiếng Việt 1 công nghệ có quá nhiều sai sót ấu trĩ.
GS Hồ Ngọc Đại đi đâu cũng nói SGK tiếng Việt 1 công nghệ của ông là môn khoa học, đã là khoa học thì phải học khái niệm. Tiếng Việt 1 theo ông, chỉ học một khái niệm, đó là cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Vậy chữ viết là gì? Là vật thay thế cho âm là vật thật.
Để học cấu trúc ngữ âm, học sinh chỉ học âm tiết, không học nghĩa, bởi nếu học nghĩa thì hoá ra học từ, mà theo ông đó là nội dung của lớp 2. Bài học của ông là một không gian chân không về nghĩa. Quy tắc chính tả là các quy ước.
Sách của ông dạy học sinh phân biệt âm và chữ, tập đọc vần và viết theo vần, kết hợp dạy chính tả và cố nhiên là học sinh biết đọc và biết các quy tắc chính tả. Đây là một ưu điểm của SGK này.Nhưng học sinh đọc mà không hiểu nghĩa là một thiếu sót lớn.
Theo GS Trần Đình Sử, xem hướng dẫn của sách giáo viên thì cách dạy theo công nghệ là giáo viên thực hiện răm rắp theo sách giáo viên, y như người thợ dạy một cách máy móc. Thậm chí sách công nghệ cấm giáo viên thay đổi các quy định của sách giáo viên. Giáo viên được hình dung như một robot, cho nên giáo viên lười và kém có thể thích SGK này.
Công nghệ… kêu to (?)
Sách CNGD không yêu cầu cha mẹ học sinh tham gia phối hợp. Về thực tiễn, nghe nói cách dạy này học chắc, không tái mù. Nhưng xin hỏi ai xác nhận điều này, có các khảo sát và đánh giá?
Chỉ là do các anh kêu to lên mà thôi. Yêu cầu học chữ không chỉ để chống tái mù. Theo tôi cần có sự kiểm định khách quan, có đối chứng với SGK tiếng Việt 1 khác mới khoa học. Tôi nghe nói Viện Khoa học giáo dục đã nghiên cứu Tiếng Việt 1 của CNGD, nhưng không đối chứng thì có giá trị gì?
Về lí thuyết, GS Trần Đình Sử nêu những khiếm khuyết nghiêm trọng của SGK CNGD mà ông đánh giá là không thể chấp nhận được.
Một là, sách Tiếng Việt 1 không phải là sách khoa học. Chỉ có ngành ngữ học, Việt ngữ học, ngữ âm học mới là khoa học. Còn SGK Tiếng Việt là sách học tiếng Việt trong nhà trường, nhằm dạy học sinh đọc chữ, viết chữ đúng chính tả, đọc hiểu nghĩa, biết nói, viết các bài văn bằng tiếng Việt.
Nó có nội dung khoa học và các nội dung khác như đạo đức, thẩm mĩ, các tri thức cảm tính, các bài thơ, bài văn, không phải đều là khoa học cả. Xem SGK Tiếng Việt 1 là khoa học là một ngộ nhận ấu trĩ. Học sinh lớp 1 chưa cần học khoa học cực đoan như thế.
Hai là, dạy học Tiếng Việt, dù dạy gì, đều là dạy học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt: đọc, viết, nói, nghe, suy nghĩ, không phải nghiên cứu tiếng Việt. Phương pháp của nó là phương pháp giao tiếp: Đọc, viết, nói nghe, hỏi đáp những điều có nghĩa.
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại. |
Còn chỉ học đọc âm, viết đúng chính tả mà không hiểu nghĩa, không biết nói thì đó là một yêu cầu quá thấp, không phải yêu cầu học tiếng. Sách thiếu hẳn phần kể chuyện, nói, nghe, chào hỏi.
Yêu cầu vô lí, vi phạm Luật Giáo dục
Sách Tiếng Việt 1, theo GS Hồ Ngọc Đại, đã được viết 40 năm nay, từng được đem sử dụng đại trà mà không qua thẩm định. GS Trần Đình Sử nhấn mạnh đó là điều vi phạm Luật Giáo dục.
Năm 2017 Bộ GD-ĐT đã tổ chức thẩm định để khỏi phạm luật, Hội đồng đã chỉ ra nhiều bất cập, nhưng GS Hồ Ngọc Đại đã không chấp nhận. Hội đồng cho phép sách của GS Hồ Ngọc Đại chỉ được sử dụng cho đến khi có chương trình mới. Đến nay chương trình mới đã ban hành, sách của GS Hồ Ngọc Đại đã hết thời hạn sử dụng.
“Thế mà ông lại đem sách cũ, không sửa một chữ, đưa cho Hội đồng thẩm định, yêu cầu Hội đồng thẩm định thông qua. Hội đồng thẩm định đánh giá không đạt, ông đã kêu với báo chí rằng Hội đồng thẩm định không đủ trình độ đánh giá sách của ông. Ông kêu với Thủ tướng, với Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, đòi hỏi phải có cơ chế riêng để sử dụng vô điều kiện sách của ông cho năm học mới. Đó là môt yêu cầu vô lí, vi phạm Luật Giáo dục, mà ai cũng thấy, chỉ riêng ông là không thấy”, GS Trần Đình Sử bày tỏ.
Theo GS Trần Đình Sử, sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại hoàn toàn không phù hợp với nội dung, tinh thần và phương pháp dạy học của chương trình mới. Vì thế Hội đồng thẩm định Quốc gia đã bỏ phiếu là không đạt là hoàn toàn hợp lí. Song GS Đại vẫn không bằng lòng.
“Tôi nghĩ món nhuận bút của 900.000 bộ sách lớp 1 vô cùng hấp dẫn và GS Đại không thể từ bỏ, cho dù nó vô lí đến mức nào”, GS Trần Đình Sử thẳng thắn chia sẻ.
Thực chất GS Hồ Ngọc Đại chỉ đòi hỏi được xuất bản sách “Lời phát biểu của tôi trong cuộc đối thoại đúng là hơi gay gắt một chút, nhưng do tình huống. GS Hồ Ngọc Đại cho rằng các hội đồng không tư duy khoa học, mà tư duy cảm tính. Ông cũng cho Hội đồng thẩm định tư duy như vậy cho nên không hiểu sách của ông, và ông không chấp như ông đã quen khinh bỉ mọi người. Đến đối thoại này thực chất ông chỉ đòi hỏi được xuất bản sách trong năm học mới. Cách nói đó làm nóng bầu không khí” (GS Trần Đình Sử). |