Sáng 13/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Trần Tuyết Minh đã chủ trì buổi họp báo về việc ông Lưu Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Hớn Quản có hành vi phản cảm tại chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thị xã Bình Long.
Bước đầu, ông Lưu Văn Thanh bị tạm đình chỉ công tác để làm kiểm điểm, còn xử lý sai phạm như thế nào thì chờ cơ quan chức năng điều tra toàn diện và khách quan.
Ngày 4/4, khi đang lưu thông trên quốc lộ 13, ông Lưu Văn Thanh đã bị dừng xe ô tô cá nhân tại chốt kiểm soát dịch bệnh để đo thân nhiệt. Tuy nhiên, ông Thanh không đeo khẩu trang đã phản ứng dữ dội với nhân viên công vụ vì cho rằng sao không chặn những phương tiện khác mà lại chặn mình.
Thậm chí, ông này còn đập bàn và quát tháo ầm ĩ. Hành vi ấy của ông Thanh đã bị ai đó quay clip và hơn một tuần sau thì tung lên mạng. Dù có vướng mắc gì và dù có động cơ gì, thì hình ảnh của ông Thanh xuất hiện trong clip cũng khiến cộng đồng phẫn nộ.
Trường hợp ông Lưu Văn Thanh là cán bộ mà không gương mẫu, cũng giống câu chuyện 9 cán bộ của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tụ tập ăn nhậu vào ngày 5/4, bất chấp lệnh cách ly xã hội trên toàn quốc.
Hậu quả bẽ bàng như nhau, ông Lưu Văn Thanh phơi bày thái độ hống hách của kẻ cậy có chút chức quyền, còn cuộc chén chú chén anh của nhóm lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đã dẫn đến cái chết của Tiến sĩ Bùi Quang Tín.
Đại dịch toàn cầu đang là nỗi lo chung của nhân loại. Tại Việt Nam, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ và người dân đang chung sức đồng lòng để khống chế tối đa khả năng lây nhiễm của virus Corona.
Lẽ ra, trong bối cảnh cam go hiện nay, cán bộ phải là những người mẫu mực nhất để quần chúng noi theo. Trớ trêu thay, vài cán bộ không nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh mà lại tự tung tự tác với kiểu hành xử lạ lùng và khó tin.
Covid-19 không phân biệt sang hèn, và dĩ nhiên pháp luật cũng không phân biệt sang hèn. Bất kỳ ai cũng không thể đứng ngoài quyết tâm chung “chống dịch như chống giặc”.
Mọi lúc đều cần gương sáng treo cao. Trong đại dịch, càng phải tìm gương sáng để treo cao. Nếu cán bộ nào không muốn và không thể làm gương sáng thì hãy loại họ ra khỏi đội ngũ công chức đang ngày đêm tận tụy phụng sự đất nước. Không thể dung túng cho sự thành đạt đi chung với sự lố bịch bêu rếu gương xấu làm hoen ố đời sống văn minh.
Gương sáng treo cao giữa đại dịch, có dễ dàng không? Có chứ, chỉ cần cán bộ có tấm lòng với sự hưng vong của dân tộc trong thử thách nguy nan. Ngoài việc chấn chỉnh những cán bộ lệch lạc, cũng đã đến lúc khuyến khích những cán bộ có điều kiện khá giả tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện như những người dân thường đang chắt chiu nhường cơm xẻ áo cho đồng bào.