| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang: Cần duy trì hệ thống khuyến nông xuyên suốt đến thôn bản

Thứ Sáu 03/12/2021 , 07:59 (GMT+7)

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Giang nêu bật hiệu quả của hoạt động khuyến nông và khẳng định địa phương cần duy trì hệ thống này xuyên suốt đến tận thôn bản.

TTKNQG làm việc với Sở NN-PTNT Hà Giang chiều 26/11. Ảnh: Tùng Đinh.

TTKNQG làm việc với Sở NN-PTNT Hà Giang chiều 26/11. Ảnh: Tùng Đinh.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) làm việc với Sở NN-PTNT Hà Giang, trao đổi về các dự án khuyến nông đang triển khai tại địa phương đặc biệt là phương hướng hợp tác và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong thời gian tới.

Vượt qua khó khăn do giảm nhân lực

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hà Giang, sau khi giảm gần 800 nhân lực, chủ yếu là lực lượng khuyến nông thôn bản từ tháng 12/2020 và phụ cấp chi trả thấp (từ 40.000 - 50.000 đồng/buổi, không quá 5 buổi/tháng) thì hoạt động của lực lượng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau 1 năm thực hiện, Trung tâm Khuyến nông Hà Giang ghi nhận nhiều bất cập, cụ thể như công tác triển khai, thực hiện nhiệm vụ sản xuất ở thôn bản bị trì trệ, kém hiệu quả (hướng dẫn kỹ thuật, tổng hợp báo cáo, công tác tiêm phòng, kiểm tra dịch bệnh.. không kịp thời).

Hiện nay, ngành khuyến nông Hà Giang đang tập hợp ý kiến của các đơn vị, đóng góp vào việc sửa đổi, bổ sung văn bản của tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ đặc thù đối với chức danh khuyến nông – thú y thôn bản và nâng mức phụ cấp lên dự kiến 600.000 đồng/tháng.

Mặc dù gặp không ít khó khăn về nhân lực, nhưng hệ thống khuyến nông Hà Giang đang triển khai được nhiều mô hình, dự án hiệu quả. Ví dụ như trồng ngô sinh khối, ngô thương phẩm ở huyện Vị Xuyên; trồng cây sa nhân tím tại huyện Hoàng Su Phì; trồng cỏ voi giống mới và ủ chua làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông tại huyện Bắc Mê...

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động khuyến nông, lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Giang khẳng định cần duy trì hệ thống này xuyên suốt đến tận thôn bản.

Mô hình trồng cỏ và ủ chua làm thức ăn qua mùa đông cho gia súc tại Hà Giang được Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh đánh giá cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Mô hình trồng cỏ và ủ chua làm thức ăn qua mùa đông cho gia súc tại Hà Giang được Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh đánh giá cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về sự cần thiết của hệ thống khuyến nông cơ sở, ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh nhấn mạnh: "Hà Giang là địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa, nhiều khó khăn và nông nghiệp là ngành nghề chính nên áp dụng mô hình chung trên toàn quốc sẽ gây ra nhiều khó khăn".

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Giang, bên cạnh việc mở rộng nhân lực, cải thiện tài chính thì cần nâng cao năng lực, cơ chế hoạt động cho lực lượng khuyến nông cơ sở vì đây là những người trực tiếp làm việc và đồng hành với bà con, nếu hoạt động tốt thì khuyến nông cả tỉnh cũng tốt lên theo.

"Ngành nông nghiệp Hà Giang cần tiếp cận thêm công nghệ, đổi mới về tư duy. Do đó, chúng tôi mong muốn TTKNQG sẽ tiếp tục hỗ trợ, kết nối với nhiều đơn vị chuyên môn hơn nữa để bà con trong tỉnh có thể làm quen với những công nghệ, cách làm mới", ông Vũ Văn Hiếu chia sẻ thêm.

Cần hệ thống xuyên suốt

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh, đợt công tác tại Hà Giang lần này không chỉ kiểm tra, đánh giá các chương trình khuyến nông đang triển tại tại địa phương mà quan trọng hơn là xem xét những mô hình hiệu quả, đã được nhân rộng trong cộng đồng.

Theo ông Lê Quốc Thanh, ngoài việc chỉ đạo của Sở, sự vào cuộc của chính quyền các cấp thì hệ thống khuyến nông đến tận thôn bản của Hà Giang đã tạo ra được những mô hình, những sản phẩm rất hiệu quả.

"Ví dụ như nuôi bò H'mong, từ mô hình ban đầu, sau 5-7 năm nỗ lực phát triển, nhân rộng, đến nay đã trở thành một nghề cho bà con. Đồng bào ở Mèo Vạc, Đồng Văn đã vận dụng rất tốt những kiến thức được hệ thống khuyến nông chuyển giao vào sản xuất", Giám đốc TTKNQG nêu ví dụ và cho rằng minh chứng rõ ràng nhất cho thành công này là dọc đường từ Mèo Vạc về thành phố Hà Giang người dân trồng rất nhiều cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.

Nhờ hoạt động hiệu quả của cán bộ khuyến nông cở sở mà nhiều gia đình người H'mong ở huyện Mèo Vạc dù không biết tiếng phổ thông nhưng vẫn có thể phát triển đàn lợn bản địa, đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhờ hoạt động hiệu quả của cán bộ khuyến nông cở sở mà nhiều gia đình người H'mong ở huyện Mèo Vạc dù không biết tiếng phổ thông nhưng vẫn có thể phát triển đàn lợn bản địa, đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhất trí với ý kiến của ngành nông nghiệp Hà Giang về việc duy trì hệ thống khuyến nông cơ sở, ông Lê Quốc Thanh bổ sung, khuyến nông viên hiện nay không chỉ đơn thuần về kỹ thuật mà còn phải làm được thị trường, nắm được thông tin, tư vấn để giúp bà con phát triển kinh tế.

"TTKNQG sẽ chịu trách nhiệm đào tạo một cách chuyên biệt cho đội ngũ khuyến nông cơ sở của Hà Giang, hỗ trợ một số trang thiết bị thiết yếu bằng nguồn lực của chúng tôi", Giám đốc TTKNQG khẳng định và cho rằng, việc tinh giảm, rút gọn bộ máy là cần thiết, tuy nhiên cần duy trì được sự xuyên suốt cho đội ngũ khuyến nông, cùng với đó là tăng cường ứng dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động cho lực lượng này.

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Thanh cũng cho biết TTKNQG sẽ tiếp tục kết nối các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT với ngành nông nghiệp Hà Giang để chuyển giao được nhiều hơn nữa các tiến bộ kỹ thuật, tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao.

"Đến nay, có thể nói các sản phẩm của khuyến nông không phải là để xóa đói giảm nghèo mà là để phát triển kinh tế. Chúng ta không nhìn vào những con số hỗ trợ cho mỗi gia đình trong các dự án, các mô hình mà phải làm sao để nhân rộng các mô hình này, giúp bà con phát triển kinh tế một cách bền vững", ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh thêm.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm