| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang chuyển đổi mạnh sang gia súc ăn cỏ

Thứ Sáu 28/08/2020 , 08:32 (GMT+7)

Nhũng năm qua, tận dụng lợi thế địa hình miền núi, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển gia súc ăn cỏ như bò thịt, dê, cừu,... và đã gặt hái thành công.

Anh Mạc Văn Tình ở thôn Thống Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang chăm sóc đàn bò Brahman, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Văn Phú.

Anh Mạc Văn Tình ở thôn Thống Nhất, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang chăm sóc đàn bò Brahman, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phạm Văn Phú.

Bò lai Brahman sống khỏe trên cao nguyên đá

Từ năm 2015, anh Tình ở thôn Thống Nhất, xã Vĩnh Hảo, Bắc Quang,Hà Giang đã tìm hiểu và dùng số tiền 400 triệu đồng để đầu tư mua 18 con bò giống Brahman từ một trung tâm chuyên sản xuất giống bò tại Hà Nội. Lần đầu tiên nuôi giống bò mới, anh Tình đã vấp phải không ít khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm với giống bò mới nên bò chậm lớn, gầy và bán được giá thấp…

Không nản chí, anh Tình tiếp tục đi tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôivà phòng trị dịch bệnh trên giống bò lai Brahman tại một số vùng chăn nuôi bò lai thành công của một số tỉnh. Qua tìm hiểu, anh Tình phát hiện ra giống bò lai Brahman, ngoài thức ăn thô xanh, bò cần nhiều thức ăn tinh hơn các giống bò bản xứ…

Bên cạnh đó, giống bò lai Brahman có nhiều màu sắc khác nhau, từ màu xám, đốm đỏ sáng, trắng xám, đen đốm, xám bạc, đen bạc… nhưng chủ yếu là màu trắng xám và đốm đen; bò đực thường có màu lông sậm hơn con cái.

Đây là giống bò có thể trạng to lớn, ngoại hình đẹp, chắc khỏe, thân dài, lưng thẳng, tai to, u nổi và yếm phát triển. Bò cái trưởng thành thường đạt từ 450 – 500 kg, bò đực từ 800 – 900 kg, cá biệt có bò đực đạt trên 1.000 kg.

Bò lai Brahman có thể lực tốt, khả năng thích nghi cao đối với khí hậu nhiệt đới hanh khô, nhất là khả năng chịu đựng với các điều kiện thời tiết bất thuận như trời lạnh và biên độ nhiệt ngày đêm lớn. Ngoài ra, giống bò Brahman sử dụng thức ăn thô tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, giai đoạn vỗ béo bò có thể tăng trưởng từ 1,2 – 1,5 kg/ngày; bò có khả năng kháng tốt các bệnh về mắt và móng, kháng ve tốt hơn so với các giống bò bản xứ…

Khi đã có vốn kiến thức về đặc điểm và kỹ thuật nuôi bò lai Brahman, từ đầu năm 2018, anh Tình đã mở rộng  diện tích trồng cỏ lên trên 1,5 ha và mua 30 con bò lai Brahman về nuôi. Đến giữa năm 2019, bình quân mỗi con bò đạt trọng lượng 500 – 550 kg. Anh Tình đã xuất bán số bò trên được tổng số tiền gần 700 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng.

Anh Tình cho biết: Kỹ thuật chăn nuôi bò lai Brahman cũng không khác nhiều với so với kỹ thuật chăn nuôi đối với các giống bò địa phương. Chỉ có khác là nhu cầu về thức ăn tinh đối với bò Brahman cao hơn so với các giống bò địa phương.

Ngoài ra, kỹ thuật chăm sóc đối với giống bò Brahman cũng cần chu đáo hơn nhất là khâu vệ sinh và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Người chăn nuôi cũng cần phải chú ý tiêm phòng một số loài vacxin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán. Chuồng trại chăn nuôi cần thoáng mát về mùa hè và giữ ấm vào mùa đông…

Sau khi bán số bò trên, từ tháng 7/2019, anh Tình tiếp tục mua 30 con bò giống Brahman về nuôi, hiện nay đàn bò đang phát triển tốt và cuối năm 2020 sẽ tiếp tục xuất bán.

Từ khi phát triển chăn nuôi bò Brahman, ngoài bán bò thịt, nguồn phân hữu cơ do chăn nuôi bò đã giúp vườn cam gia đình anh Tình phát triển tốt, tiết kiệm được nguồn tiền phải đầu tư mua phân bón vô cơ. Đây cũng chính là mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân từng bước vươn lên làm giầu từ mô hình kinh tế hộ gia đình tại địa phương.

Từ thành công trong phát triển chăn nuôi giống bò lai Brahman và trồng cam sành, từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Mạc Văn Tình đã được Hội Nông dân và UBND huyện Bắc Quang biểu dương khen ngợi và tặng giấy khen do có thành tích phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyên Bắc Quang cho biết: Mô hình phát triển chăn nuôi bò lai Brahman của gia đình anh Mạc Văn Tình là mô hình chăn nuôi bò lai thành công đầu tiên trên địa bàn huyện Bắc Quang. Đây cũng là mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong những năm qua, chúng tôi đã lấy mô hình phát triển kinh tế hộ của gia đình anh Tình để tuyên truyền cho người dân trong huyện trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả tại địa phương.

Vươn lên làm giầu nhờ nuôi dê

Đó là mô hình liên kết nuôi dê theo hướng hàng hóa cho thu nhập ổn định của gia đình anh Triệu Chòi Lụa và các hộ dân của thôn thôn Tân Minh, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.

Tận dụng địa thế đất đồi, rừng của gia đình rộng trên 7ha, từ năm 2015, anh Lụa đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi 15 đôi dê. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Bởi dê là động vật không kén ăn, nhưng nếu chăm sóc không khéo con vật này rất dễ mắc các bệnh đường ruột.

Không nản chí, anh Lụa đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dê của những gia đình thành công trên địa bàn. Bên cạnh đó, anh Lụa tìm đến cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng NN- PTNT, Trạm Thú y… huyện Hoàng Su Phì để học hỏi kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê.

Từ những kiến thức học hỏi thực tế qua các mô hình nuôi dê thành công và kiến thức từ các cơ quan chuyên môn, anh Lụa đã dần mở rộng qui mô phát triển đàn dê của gia đình. Từ năm 2018 đến nay, đàn dê của gia đình anh Lụa thường duy trì từ 120 đến 140 con.

Ngoài phát triển chăn nuôi dê qui mô hộ gia đình, trong những năm qua, anh Lụa đã liên kết với một số hộ chăn nuôi dê của thôn Tân Minh để cùng nhau phát triển đàn dê của thôn theo hướng hàng hóa. Bởi chỉ phát triển đàn dê với số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa mới đủ sức cung ứng ra thị trường, và khi đó khách hàng mới tìm đế mua dê của bà con.

Theo anh Lụa, khi đã cùng liên kết chăn nuôi dê với các hộ gia đình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không bị tư thương ép giá. Ngoài ra khi đã liên kết chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nguồn thức ăn và giống khi cần thiết…

Để phát triển nuôi dê thành công, anh Lụa xây dựng 5 dãy chuồng nuôi dê riêng biệt nhằm đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. Điều đặc biệt là anh Lụa chỉ chăn thả dê lên đồi rừng trong những ngày trời nắng; những ngày trời mưa, dê được nuôi nhốt và cho ăn bổ sung từ nguồn cỏ gần 1,5 ha trồng trong vườn rừng được bổ sung thêm cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất.

Theo anh Lụa, để nuôi dê thành công thì phải đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Để làm được điều đó người chăn nuôi phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ 15 ngày một lần; hàng ngày phải thu dọn vệ sinh; rắc vôi bột trên nền chuồng định kỳ mỗi tuần một lần; ngoài ra còn phải tiêm phòng một số loại vacxin để phòng trừ bệnh trên đàn dê.

Thức ăn cho dê phải đảm bảo khô ráo, sạch và không bị ẩm mốc. Nếu dê ăn phải cỏ còn dính sương đêm thì thường bị bệnh chướng bụng đầy hơi. Vì vậy, khi  chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả khi cỏ đã khô sương. Tốt nhất khi trời nắng ráo mới cho dê ra khỏi chuồng. Còn trời mưa nên nhốt dê trong chuồng, cho ăn tại chỗ.

Khi được hỏi về thu nhập, anh Lụa cho biết: Trong một năm gia đình thường xuất bán dê thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 35 đến 40 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng từ 40 - 45 kg, giá bán bình quân từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê vào khoảng từ 300 – 350 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi từ 200 -  220 triệu đồng mỗi năm. Đây là mức thu nhập khá tốt với điều kiện kinh tế- xã hội ở địa phương.

Từ những thành tích trong phát triển chăn nuôi dê, gia đình anh Triệu Chòi Lụa đã được UBND huyện Hoàng Su Phì và Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen về thành tích phát triển kinh tế hộ gia đình từ năm 2018 đến nay. Ngoài ra, mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Triệu Chòi Lụa còn là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các đoàn thanh niên, nông dân… trong và ngoài huyện Hoàng Su Phì trong những năm qua.

                                                

                  

Địa chỉ: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang

  • Tags:
Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.