Tục thờ đầu trâu của người La Chí
Những bản làng người La Chí bình yên trong các thung lũng, được bao bọc bởi những tán rừng già còn lưu giữ rất nhiều điều ký bí. Đó là đời sống văn hoá, tâm linh riêng không ở đâu có của người La Chí nơi địa đầu Tổ quốc.
Dãy núi Gia Long sừng sững như một bức tường đá khổng lồ che chắn những bản làng La Chí, từ xã Bản Díu sang Chí Cà, Ma Lì Sán, Pả Vầy Sủ… Đỉnh cao nhất của bức thành đá ấy nằm trên đất của xã Bản Díu, cũng là nơi có ngôi đền cổ thờ thành hoàng Hoàng Vần Thùng, theo cách gọi dân gian là ông vua của người La Chí.
Tháng 4/2013, Đền Thần Hoàng (thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần) được tỉnh Hà Giang trao bằng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đền mới được xây dựng có diện tích gần 4.000m2, thiết kế kiến trúc nhà sàn cổ, 3 gian, 2 chái, hai cầu thang lên xuống hai bên.
Đây là nơi thờ tự ông Hoàng Vần Thùng, người có công khai thiên, lập đất, tổ chức dân làng làm ăn, trấn giữ biên ải cách đây nhiều thế kỷ. Hàng năm, đồng bào tổ chức lễ hội tưởng nhớ ông Hoàng Vần Thùng, coi như Thần Hoàng làng vào ngày Thìn đầu tiên, của tháng Thìn (tháng 3 âm lịch), gọi là tết Khu Cù Tê.
Đồng bào La Chí tin rằng ông là người dẹp loạn, yên dân, khai mở sự nghiệp, tổ chức đồng bào làm ăn, xây dựng và bảo vệ cuộc sống cộng đồng từ thủa khai thiên, lập nghiệp, giữ nước, sau đó hóa thân về trời. Dấu vết tương truyền để lại cho đến ngày nay còn ở một số thôn như Ngam Lim, Díu Thượng, Na Lũng…
Bà Nguyễn Ngọc Lý, nguyên trưởng phòng văn hóa huyện Xín Mần -người dành nhiều tâm huyết đi sưu tầm, khảo cứu về nhân vật lịch sử có tên Hoàng Vần Thùng cho biết: “Tại xã Bản Díu còn 12 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau được cho là những ngôi mộ Hoàng Vần Thùng sau khi ông hóa thân về trời.
Những câu chuyện già làng truyền lại, ông Hoàng Vần Thùng rất tài giỏi, nhìn sao trời biết ngày nắng ngày mưa. Ông dạy cho dân bản làm ruộng bậc thang để trồng lúa, thuần hoá các con vật trong rừng để làm vật nuôi. Ông võ nghệ rất giỏi, tập hợp trai tráng các bản dạy võ đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ đất.
Ông đặt tên cho núi rừng, sông suối, ruộng nương bằng tiếng La Chí để giặc không có cớ xâm chiếm đất đai. Ông được người La Chí tôn làm Vua, thường gọi là vua Gia Long - tên gọi gắn với dãy núi Gia Long sừng sững che chắn, bảo vệ bản làng người La Chí”, bà Lý chia sẻ.
Hoàng Vần Thùng sinh được ba người con trai. Người con lớn ở Ỳ To Bản Díu, người con thứ hai Ỳ Pí ở Bản Phùng, người con thứ ba ở Ỳ Pọng Ỳ Míu (nay là Bản Pắng, Bản Máy). Trước khi chết ông dặn các con: trước ngày rằm tháng Bảy nổi trống, mổ trâu mời tổ tiên về ăn tết, người La Chí gọi là tết Cu Khù Tê.
Bắt đầu từ người anh lớn ở Bản Díu, tiếp đó là người anh thứ (Bản Phùng), rồi tới Bản Pắng, Bản Máy… Từ đó tới nay, lời dặn đã trở thành phong tục được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ bản làng này tới bản làng khác. Các lễ cúng khóa kho thóc để giữ hồn cây lúa sau khi mùa màng đã thu hái xong, lúa đã về bồ; tục cúng thần rừng, thần núi, thần mưa; tục xem chân gà để chọn trưởng bản… Thần tốt phù hộ cho dân bản làm ăn yên ổn là thần linh. Thần làm hại con người là ma quỷ. Theo thời gian thành bản sắc văn hóa của người La Chí.
Theo câu chuyện của bà Lý có thể phác thảo nơi sinh sống, cư trú của người La Chí (huyện Xín Mần) trải dọc theo sườn Đông của đỉnh núi Gia Long, bên kia dãy núi - phía Tây là biên giới Trung Quốc. Những bản làng phân bổ dọc theo các thung lũng, nằm hiền hòa dưới những tán rừng, được phân thành các Bản Díu - Bản Phùng - Bản Pắng, Bản Máy ngay này. Cũng giống như xứ Mường ở Hòa Bình được phân trải, hình thành theo thời gian mở rộng về nhân khẩu để trở thành các xứ Mường cổ Bi - Vang - Thàng - Động.
Ngôi đền giữa rừng cấm
Bản Díu Thượng nằm ở trung tâm xã Bản Díu. Trong truyền thuyết, đây chính là nơi người con cả của Hoàng Vần Thùng - Ỳ To được chia đất, rồi phát triển, sinh sôi theo năm tháng thành Bản Díu ngày nay. Nơi đây cũng là nơi đầu tiên nổi trống, mổ trâu làm lễ tết Cu Khù Tê để tưởng nhớ công đức tổ tiên của người La Chí.
Đây cũng là nơi có đền thờ vua Gia Long - Hoàng Vần Thùng bằng đất nện, với những hộp sọ đầu trâu được cất giữ nghiêm cẩn trong khu đền.
Giữa tháng 5, khi chúng tôi lên Bản Díu, con đường vào Bản Díu Thượng đang được mở rộng, bê tông hóa theo chương trình xây dựng nông thôn mới, có những đoạn bị cày xới để làm cốt đường khiến hành trình tìm lên đền thờ ông vua của người La Chí không mấy dễ dàng.
Hết con đường nông thôn mới đang thi công, chúng tôi men theo con đường mòn ôm sát những bìa rừng. Không một bóng người. Thi thoảng, một vài nóc nhà ẩn hiện phía xa, nhưng khi đến gần nhà nào nhà nấy cửa khép im lìm, không có người để hỏi thăm. Nhắm theo tán cây xanh thẫm theo chỉ dẫn của bà Nguyễn Thị Ngọc Lý, chúng tôi đành bạo hướng tới.
Con đường mòn ngày một thu hẹp. Những cây rừng im lặng. Trưa hè oi nồng, không một gợn gió nhưng những tán cây nghe như có tiếng xào xạc, cảm giác như chúng đang trò chuyện, canh chừng; mỗi chiếc lá là một con mắt cây đang lặng yên theo dõi… Vẻ kỳ bí, liêu trai của khu rừng cấm bát giác khiến chúng tôi ớn lạnh trong giây lát.
Trong khu rừng Cấm này, người La Chí ở Bản Díu nói, nếu ai chặt một cây, bẻ một cành nhỏ cũng không được phép, bởi chúng là nơi canh giữ ngôi mộ chính của ông vua người La Chí.
Đúng lúc đó, bà Hoàng Thị Vẻ (SN 1965) đi chăn trâu về. Thấy có khách, bà vồn vã dẫn đường, rồi lấy chìa khóa mở cửa ngôi đền Hoàng Vần Thùng trên đỉnh núi Cấm.
Ngôi đền được xây mới gần chục năm nay thay thế cho ngôi đền đất đã xuống cấp nhiều năm trước đó, nhưng vẻ sơ sài, giản dị vẫn được giữ nguyên. Gian thờ chính là bàn thờ xi măng đặt ba bát hương khá lớn, bằng công nhận Di tích đặt kế bên. Đối diện cửa chính của ngôi đền, một tấm bia đá khắc chữ “Đền thờ ông Hoàng Vần Thùng” được dựng, ngoảnh xuống thung lũng thoải rộng phía dưới.
Một người đàn ông luống tuổi nghe có khách tới cũng có mặt, phụ giúp bà Vẻ dọn dẹp lại ngôi đền thiêng bấy lâu nay vẫn cửa đóng then cài. Trước khi được công nhận di tích lịch sử, người Bản Díu không cho người lạ bước vào, một năm khi có lễ hội mới mở cửa để người dân dâng lễ, tưởng nhớ tổ tiên.
Cách ngôi đền chừng 2km, nhà Thinh Pùng xây theo lối nhà sàn xi măng, bên trên là một chiếc gác nhỏ cất giữ những chiếc đầu trâu - vật không thể thiếu trong lễ Cu Khù Tê vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ông Hoàng Văn Khòa, người Bản Díu giải thích, hầu hết người Bản Díu đều mang họ Hoàng, có lẽ là hậu duệ của ông Hoàng Văn Thùng. Dọc con đường dẫn lên đền, có những tấm biển ghi “Tảng đá nơi Ông ngồi nghỉ”, hay “Nơi buộc ngựa của ông Hoàng Vần Thùng”… Những dấu tích xưa cũ vẫn được người dân lưu giữ.
Sự xuất hiện của những chiếc đầu trâu tại Đền thờ Hoàng Vần Thùng (xã Bản Díu) khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Tại Bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì, cách Bản Díu vài chục km) có cả một nghĩa địa mai táng người chết, bên cạnh mỗi ngôi mộ có một chiếc cọc tre, bên trên là một chiếc xương đầu trâu còn nguyên hộp sọ.
Theo thời gian, những chiếc hộp sọ trâu bị mưa nắng bào mòn, chỉ còn nguyên xương… Con trâu trong tín ngưỡng của người La Chí có một vị trí quan trọng. Nó chính là vật dẫn đường để người chết về với tổ tiên. Nó cũng là vật không thể thiếu trong lễ hội Cu Khù Tê - gắn với lời dặn dò của Hoàng Vần Thùng với hậu duệ, là nổi trống, mổ trâu làm lễ mời tổ tiên về dự.