| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang kỳ bí [Bài 2]: Dòng họ 5 đời làm nghề chạm bạc

Thứ Ba 27/06/2023 , 06:23 (GMT+7)

Ông nheo mắt nhìn vào những sợi bạc, cái nhìn như thể xuyên qua cả thế kỷ, như thể sợ nghề chạm bạc tuột khỏi đời mình như năm tháng tuột khỏi đôi tay.

Gia đình ông Mua Xìa Sính (ngoài cùng bên phải) có 5 đời làm nghề chạm bạc. Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình ông Mua Xìa Sính (ngoài cùng bên phải) có 5 đời làm nghề chạm bạc. Ảnh: Đào Thanh.

1.

Bài liên quan

Mua Xìa Sính là ông già người Mông duy nhất ở vùng Đồng Văn còn giữ được nghề chạm bạc. Ông có căn nhà cổ truyền thống, đẹp nhất bản Lao Xa, xã Sủng Là. Nó là của bố ông để lại. Ở nơi ấy nghề chạm bạc đã sống cùng dòng họ Mua được 4 đời. Cũng là nơi đón tiếng khóc chào đời của mấy thế hệ.

Nhà ông Sính ở cuối bản Lao Xa, gần cột mốc 397, giáp với Trung Quốc. Nơi những vách đá tai mèo dựng đứng, chen lẫn vào nhà dân, chen lẫn vào những luống rau, nương ngô… Ông Mua Xìa Sính vừa ở trên nương về. Ông đi lấy rau lợn đem về để bà vợ cho chúng ăn tối. Ông Sính làm bạc giỏi nhưng luôn bảo con cháu mình không mải mê làm bạc mà bỏ bê cây ngô, bỏ bê đàn gia súc.

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, chiến tranh biên giới xảy ra ông Sính cùng gia đình phải rời làng Lao Xa ra làng Lũng Cẩm sinh sống. Không thể mang theo cái lò than làm bạc, nên nghề chạm bạc cũng ở lại với tổ tiên.

Nhà ông Sính có chín đứa con trai. Chín thằng con lộc ngộc tuổi ăn, tuổi lớn. Bao tải ngô mới nghiền hôm trước hôm sau đã bị nồi mèn mén làm vơi như bị đánh cắp. Nghề làm bạc chưa thể khôi phục được trên quê mới.

Để nuôi sống những đứa con, vợ chồng ông phải dựa hoàn toàn vào nương ngô, hốc đá. Ông luôn trân quý vạt nương, cây ngô như sinh mệnh của cuộc đời.

Nghề chạm bạc giúp gia đình ông Sính có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề chạm bạc giúp gia đình ông Sính có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Sau 13 năm đi xa, ông Sính trở về Lao Xa. Ông bảo mình phải trở về, bởi nơi ấy có những nương đá đón ông chào đời. Những nương đá giúp ông cất giữ phần mộ của tổ tiên, chào đón tổ tiên về với đất mẹ. Cái lò than làm bạc vẫn nằm nguội ở đó chờ ông trở về nhóm lửa. Khát vọng khôi phục nghề bạc của ông khi ấy mãnh liệt như ý chí phải học bằng được những hoa văn chạm khắc tinh xảo của chàng trai tuổi 16 năm nào.

Căn nhà cổ của gia đình ông Sính được bố ông để lại. Ảnh: Đào Thanh.

Căn nhà cổ của gia đình ông Sính được bố ông để lại. Ảnh: Đào Thanh.

Bài liên quan

16 tuổi, cậu trai Mông Mua Xìa Sính đã biết làm bạc. Bằng tuổi ấy, nhiều đứa trai ở bản của ông không thích làm việc nhà, chỉ thích đi chơi và uống rượu ngô. Còn ông Sính đã biết đốt lửa, cho những lưỡi lửa bám chặt vào miếng bạc để làm được nhiều vòng bạc đẹp, dây chuyền hoa văn tinh xảo. Một chiếc búa, một cái đục nhỏ ông Sính có thể cặm cụi cả tiếng đồng hồ để khắc các hình thù lên một miếng bạc. Ông buồn vui cùng vẻ đẹp của nó.

Ông Sính làm bạc bằng niềm say mê. Ông đưa tâm hồn mình thả vào mỗi sản phẩm, mỗi đường chạm khắc tinh xảo. Những món trang sức có tâm hồn ấy đã giúp tiếng nghề làm bạc của ông bay xa hơn các bản làng ở Sủng Là. Bay tới huyện Đồng Văn và cả tỉnh Hà Giang.

Trên khắp xứ cao nguyên đá, vòng bạc của ông Sính lấp lánh trong những món đồ được chọn làm của hồi môn của họ nhà gái, nhà trai; leng keng theo người phụ nữ xuống chợ; xúng xính cùng cô gái Mông má ửng hồng đi gặp người yêu trong ngày hội xuân…

Bên góc hiên nhà mình, ông Sính bày nhiều đồ nghề, bếp lò, khò thổi lửa, khuôn đúc, các loại búa… Chúng nhìn tưởng như lộn xộn nhưng lại gọn gàng và kỷ luật. Như sẵn sàng đợi chờ chủ nhân dùng tới là vận dụng hết công năng.

Khu đúc và chạm khắc bạc của gia đình ông Mua Xìa Sính. Ảnh: Đào Thanh.

Khu đúc và chạm khắc bạc của gia đình ông Mua Xìa Sính. Ảnh: Đào Thanh.

Ở mỗi cây cột trước hiên nhà ông Sính được kê bằng những quả anh túc làm bằng đá. Hoa văn được chạm khắc tỷ mỷ, tinh xảo đến mức tưởng như những quả anh túc ấy có thể trào nhựa ra bất cứ lúc nào. Anh túc và cây lanh là 2 loài cây nằm lại nhiều trong đầu người Mông. Bởi thế, người làm chạm bạc giỏi là người có đôi tay biết vẽ lên những bông hoa anh túc mềm mại, những quả anh túc biết trào nhựa, những lá cây lanh sinh động…

Ông Sính có 9 đứa con trai. Đứa nào ông cũng rèn cho chúng biết làm nghề chạm bạc từ nhỏ. Ông Sính bảo: Mỗi đứa trai mà biết làm bạc nghĩa là đã rèn cho mình đức tính kiên nhẫn. Như thế sau này làm việc gì cũng dễ bởi sự bền bỉ không nóng vội. Nghề làm bạc giúp ông nuôi chúng ăn học đến nơi đến chốn, trong đó có 2 đứa đi làm nhà nước. Ông Sính nói giọng tự hào.

Nhiều đứa cháu nội của ông Mua Xìa Sính cũng khá ham mê, thích thú với nghề làm bạc truyền thống của gia đình. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều đứa cháu nội của ông Mua Xìa Sính cũng khá ham mê, thích thú với nghề làm bạc truyền thống của gia đình. Ảnh: Đào Thanh.

2.

bản Mông Lao Xa có 117 nóc nhà, hầu như nhà nào cũng nghèo. Hộ của ông thợ bạc Mua Xìa Sính là hộ khá giả hiếm hoi của bản. Ông Sính có căn nhà cổ 5 gian với những bậc thang làm bằng đá to như những lùm cây lanh được người ta trồng cạnh nương ngô dùng để dệt vải; bức tường đất màu vàng sáp ong dày 50 cm khiến cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Ông Sính xây thêm 1 căn nhà 2 tầng ở phía bên ngoài bằng xi măng, sắt thép. Ở xứ cao nguyên đá, ngay cả khu vực thôn trung tâm Lũng Cẩm để xây được ngôi nhà như thế tiền mất nhiều hơn gấp đôi so với miền xuôi. Còn ở Lao Xa mất thêm quãng đường đi qua mấy ngọn núi đá, chi phí vận chuyển càng cao hơn. Ông Sính bảo, ông nhiều con, nhiều cháu phải làm 2 cái nhà mới đủ chỗ cho chúng về ngủ mỗi khi quây quần sum họp.

Phụ nữ Mông nào cũng có trang sức được làm bằng bạc. Ảnh: Đào Thanh.

Phụ nữ Mông nào cũng có trang sức được làm bằng bạc. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều con, nhiều cháu thế nhưng trong lòng ông Sính luôn cất giấu mối lo lắng. Mối lo từ mùa xuân nối sang mùa đông vẫn chưa hết. Bởi ông chưa tìm ra được người kế nghiệp. Đứa khéo tay thì lại thích làm việc khác hơn việc ngồi một chỗ bên đống bạc. Đứa cần cù thì lại không khéo tay. Còn ông nay đã già, lưng đã còng, mắt cũng mờ. Nếu chưa tìm được người kế nghiệp khi sang thế giới bên kia sẽ khó nói được lời vừa lòng báo cáo với tổ tiên. Ông nheo mắt nhìn vào những sợi bạc, cái nhìn như thể xuyên qua cả thế kỷ, như thể sợ nghề chạm bạc tuột khỏi đời mình như năm tháng tuột khỏi đôi tay.

3.

Mua Mí Sai sinh năm 2003, là cháu nội của ông Sính. Đứa cháu được ông xem như một hạt ngô giống tốt. Hạt ngô đã gieo xuống đất thì sẽ bám chặt được vào đất, hút sinh khí của trời mà vươn mình trong đá.

Mua Mí Sai là đứa cháu nội thông minh, khéo tay mà ông Mua Xìa Sính rất tin tưởng sẽ là thế hệ kế nghiệp nghề chạm bạc của dòng họ Mua. Ảnh: Đào Thanh.

Mua Mí Sai là đứa cháu nội thông minh, khéo tay mà ông Mua Xìa Sính rất tin tưởng sẽ là thế hệ kế nghiệp nghề chạm bạc của dòng họ Mua. Ảnh: Đào Thanh.

Sai là một đứa trai thông minh của nhà họ Mua. Trong đám cháu khoảng 20 người của ông Sính nó là một trong số ít đứa học hết cấp 3, biết được nhiều chữ. Sai yêu nghề chạm bạc từ nhỏ. Để chạm ra nổi một chiếc vòng tay thật đẹp có hình cây lanh, Sai thức khuay đến tàn cả mấy bếp củi lửa.

Học hết cấp 3, nhiều bạn của Sai đứa học lên đại học, đứa xin đi làm tại các công ty ở dưới miền xuôi. Sai nghĩ, nếu đi làm thuê ở công ty như đám bạn sẽ kiếm được nhiều tiền. Nhưng không giữ được nghề của tổ tiên thì có cả đống tiền trong tay cũng chẳng để làm gì. Sai quyết ở làng làm nghề chạm bạc. 

Người già của nhà họ Mua truyền nghề chạm bạc cho người trẻ. Ảnh: Đào Thanh.

Người già của nhà họ Mua truyền nghề chạm bạc cho người trẻ. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề chạm bạc không dễ như đánh con quay hay uống rượu ngô. Dù đã làm mấy năm, nhưng Sai chưa thể học hết các kỹ thuật làm bạc của ông nội. Ngay cả bố Sai và những người con của ông nội, số năm ngồi mân mê đống bạc vụn nhiều hơn cả tuổi của Sai cũng chỉ duy nhất chú Mua Vả Sìa là người làm giỏi được như ông. Tỷ mẩn học hỏi khoảng 1 năm ông nội mới cho Sai làm vòng bạc cho khách.

Giờ thì Sai đã thành thạo các công đoạn để làm ra một vòng bạc đẹp, sáng lấp lánh. Biết phân biệt miếng bạc nào là nguyên chất, biết nhóm lò cho già lửa hay non lửa phù hợp với từng giai đoạn, đánh sợi bạc tròn hay dẹt… Biết làm 1 cái vòng đeo cổ to chỉ trong vòng 4 ngày đã xong thay vì loay hoay cả tháng trời vẫn không xong. Với Sai, học được các bí quyết chạm khắc của ông nội không chỉ là ước mơ, mà còn chạm khắc cả một nghề gia truyền; chạm khắc để lưu lại những dấu ấn lịch sử của dòng họ Mua tồn tại với thời gian.

Một chiếc vòng có hoa văn cầu kỳ làm hoàn toàn bằng thủ công do Mua Mí Sai làm chuẩn bị được hoàn thiện. Ảnh: Đào Thanh.

Một chiếc vòng có hoa văn cầu kỳ làm hoàn toàn bằng thủ công do Mua Mí Sai làm chuẩn bị được hoàn thiện. Ảnh: Đào Thanh.

Ông nội bảo Sai lớn lên không chỉ là một cây ngô, mà phải là một cây sa mộc, vững chãi và hiên ngang. Có thể tiếp tục nối nghiệp ông viết tiếp câu chuyện về nghề chạm bạc của dòng họ trên con đường dài và xa mà ở thế hệ của ông nội chân đã mỏi, lưng đã còng không thể bước tiếp được.

Một bộ trang sức bạc như thế này có trị giá cả trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Một bộ trang sức bạc như thế này có trị giá cả trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Nghe lời ông, Sai đã biết kết nối liên kết để người Mông, người Nùng, người Dao… ở khắp Hà Giang biết tiếng nghề chạm bạc gia truyền của dòng họ Mua mà đặt những đơn hàng vài chục triệu đồng. Sai cũng làm giỏi cả việc trồng mỗi vụ 5kg ngô giống tại những mảnh nương. Để những cây ngô biết vươn mình xanh tốt trên núi đá, cho hạt ngô vàng óng làm mèn mén nuôi sống con người. Người ăn không hết thì nuôi thêm lợn, bò, gia cầm… tăng gia sản xuất. 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.