| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang kỳ bí [Bài 5]: Từ 'Tuyên bố Panhou' đến làm giàu bền vững

Thứ Sáu 30/06/2023 , 08:33 (GMT+7)

Du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là bước đi bền vững ở Hà Giang. Biết sử dụng, khai thác lợi thế tại chỗ sẽ giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình.

Lương Văn Hùng, chàng trai người Nùng ở Khâu Vai quyết tâm làm giàu để giúp bà con bản làng thoát nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Lương Văn Hùng, chàng trai người Nùng ở Khâu Vai quyết tâm làm giàu để giúp bà con bản làng thoát nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Những bản làng chuyển mình

Bài liên quan

Trong chuyến công tác dài ngày tại Hà Giang giữa tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc: những miền đá xám ngắt của cao nguyên Đồng Văn, Mèo Vạc khát nước khiến cây cỏ khô héo; những dòng sông cạn lòng, trơ đáy trôi từ Xín Mần xuống tới Hoàng Su Phì; bãi đá cổ Nấm Dẩn với những hoạ tiền kỳ bí; những bà con đồng bào lầm lũi sống trong đá nhưng mạnh mẽ, kiên cường và khát khao làm giàu…

Điều chúng tôi thấy khâm phục và mến yêu Hà Giang vô cùng, đó là sự thay đổi tự thân trong nhận thức, tư duy của những người dân không phân biệt dân tộc trên đường chúng tôi gặp.

Những bản làng Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy, Xuồng, Lô Lô… nằm dưới những tán rừng nhỏ của Hà Giang bây giờ không còn lẩn khuất chơi trò trốn tìm nữa, mà đã mở cửa để làm du lịch, tiếp nhận thế giới bên ngoài đến với thế giới xưa nay vẫn khép kín của bà con; đưa cuộc sống, văn hoá bản địa của bản làng thành thứ thu hút, giữ chân du khách…

Để có sự chuyển biến đó là một quá trình dài tính bằng cả thập kỷ, và là một “cuộc cách mạng” về nhận thức, tư duy.

Tôi sẽ mãi không bao giờ quên những con người mạnh mẽ, quyết tâm, gương mẫu đi trước, đi đầu như chàng trai người Nùng ở Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) Lương Văn Hùng.

Anh Hùng đã xoá được nếp nghĩ cũ “không muốn người lạ đến làng, ngủ thăm” để tiên phong làm du lịch, mở homestay. Anh là người đầu tiên ở bản Khâu Vai thuê lại ngôi nhà sàn của ủy ban xã để cải biến, tu sửa làm nơi đón khách về với vùng đất có phiên chợ tình nổi tiếng. Học theo anh, Khâu Vai bây giờ đã có gần 20 homestay nằm trải dọc trục đường chính của thôn Trung tâm xã.

Cũng chính anh là người tự bước qua nỗi sợ hãi của chính mình khi quyết tâm thành lập hợp tác xã nuôi cá bè trên sông Nho Quế, bước qua lời đe dọa sẽ thả thuốc cỏ cho cá chết.

“Mình làm được sẽ giúp người khác làm theo, cả bản cùng giúp nhau thoát nghèo”, anh Hùng nói về mục đích sâu xa.

Giấc mơ đưa những bờ rào đá hộc trong các bản làng người Mông ở Cán Chu Phìn, Mèo Vạc. Ảnh: Kiên Trung.

Giấc mơ đưa những bờ rào đá hộc trong các bản làng người Mông ở Cán Chu Phìn, Mèo Vạc. Ảnh: Kiên Trung.

Hay như thôn Há Ía (xã Cán Chu Phìn) - thôn nghèo và sâu xa của huyện Mèo Vạc cũng đang ấp ủ ước mơ làm du lịch cộng đồng từ chính những bờ rào đá - một thói quen trong cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào vùng cao: xếp những viên đá mồ côi chồng lên nhau thành những bờ rào để bảo vệ nhà cửa, vật nuôi. Họ không nghĩ rằng, đó là một kiến trúc độc đáo riêng có, là một điểm nhấn khiến du khách đến Cán Chu Phìn sẽ nhớ về những bờ tường rào đá hộc.

Ở bản Lao Xa (xã Sủng Là) có ngôi nhà cổ tường trình đất của cha con ông Vàng Chứ Chơ, Vàng Mí Hồng. Thời điểm chúng tôi lên bản, Vàng Mí Hồng đang tự tay cầm búa tạ tháo dỡ chuồng bò kiên cố xây dựng bằng bê-tông, tổng chi phí hết 200 triệu đồng.

200 triệu đồng để xây dựng một cái chuồng bò 4 - 5 ngăn, nghĩa là nhốt thả được ngần ấy lượng gia súc. Điều đó cho thấy người dân tộc Hà Giang rất quý con vật nuôi, bởi với họ đó là tài sản lớn nhất của gia đình, được ưu tiên và bảo vệ, chăm sóc hàng đầu.

Nhưng, Vàng Mí Hồng vẫn dỡ bỏ chuồng bò đó để lấy không gian vệ sinh, sạch sẽ phù hợp với ngôi nhà cổ mà gia đình anh đang khai thác làm du lịch. Cũng như bản Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, bà con Lô Lô đang di dời chuồng bò, vật nuôi ra xa khu dân cư, để bản Lô Lô chỉ là bản du lịch, không có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường…

Gia đình 5 thế hệ làm nghề chạm bạc ở bản Lao Xa (xã Sủng Là, Đồng Văn). Ảnh: Đào Thanh.

Gia đình 5 thế hệ làm nghề chạm bạc ở bản Lao Xa (xã Sủng Là, Đồng Văn). Ảnh: Đào Thanh.

Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là cũng là người dân tộc Lô Lô ở bản du lịch Lô Lô Chải cho biết: “Để người dân nghe, thực hiện theo sự vận động, tuyên truyền của xã, phải có người làm trước, và làm được thì bà con mới tin. Chuyển đổi từ nền kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế du lịch bản làng, đó là một “cuộc cách mạng” ở Hà Giang”.

Khi đã nhìn thấy sự thành công, đúng hướng, bà con sẽ học theo nhau, làm theo nhau. Phong trào nông thôn mới giúp bà con có hạ tầng điện đường trường trạm, vậy là bản làng có điều kiện để làm du lịch, tự khai thác những ưu đãi của tự nhiên ban tặng, khai thác lợi thế của Công viên địa chất toàn cầu hay danh thắng di tích ruộng bậc thang…

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - chìa khóa thoát nghèo

Đầu năm 2012, tại Khu du lịch sinh thái Panhou (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì), Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn xây dựng Nông thôn mới. 10 tiêu chí được đưa ra làm cơ sở để lựa chọn, xây dựng những bản làng kiểu mẫu phát triển thành làng văn hóa du lịch. “Tuyên bố Panhou” ra đời trong bối cảnh đó.

Một ngôi nhà cổ của gia đình người Mông ở bản Lao Xa làm du lịch. 

Một ngôi nhà cổ của gia đình người Mông ở bản Lao Xa làm du lịch. 

Homestay Khâu Vai của Lương Văn Hùng. Ảnh: Đào Thanh.

Homestay Khâu Vai của Lương Văn Hùng. Ảnh: Đào Thanh.

Những làng văn hóa du lịch mang tên Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Thanh Sơn (Vị Xuyên), Nà Ràng (Xín Mần), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), Tát Ngà (Mèo Vạc)… là những mô hình đầu tiên bản làng làm du lịch ở Hà Giang.

Những năm tiếp theo, một loạt các bản làng cũng chuyển mình, đổi hướng từ trồng trọt, chăn nuôi sang làm du lịch nông thôn như Sảng Pả A (Mèo Vạc), thôn Bục Bản (Yên Minh), thôn Khiềm (Bắc Quang), Bản Lạn (Bắc Mê), thôn Phìn Hồ và thôn Nậm Hồng (Hoàng Su Phì)…

Hiện tại, Hà Giang có 40 làng văn hóa làm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự tối ưu của mô hình này đó là khai thác được những lợi thế tại chỗ của địa phương và phát huy tối đa những bản sắc văn hóa bản địa.

Các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi được hình thành cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách. Văn hóa bản địa trở thành thứ thu hút, giữ chân du khách, biến thành nguồn thu kinh tế khi nâng tầm lên thành các sản phẩm du lịch. Một chuỗi cung ứng, liên kết bền vững được hình thành.

“Du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể hiểu là lấy nông nghiệp, nông thôn, chăm chút thành sản phẩm du lịch, và du lịch sẽ quảng bá, tiếp thị, kết nối thương mại nông sản và sản phẩm nông nghiệp. Người Hà Giang cần xác lập phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương Hà Giang, vùng đất hoa nở trên đá”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng vận hành các làng du lịch cộng đồng, ý thức người dân mỗi ngày được nâng cao hơn, từ văn hóa đến nhận thức bảo vệ môi trường, vì giữ sạch đẹp ngôi nhà của mình mới có khách đến thăm. Nhiều ngôi nhà đẹp sẽ hình thành cả bản sạch đẹp…

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico - doanh nghiệp hoạt đông trong lĩnh vực nông nghiệp là người yêu mảnh đất Hà Giang. Bà đã nhiều lần lên vùng đất này, ban đầu là những chuyến du lịch trải nghiệm, sau đó là các chuyến từ thiện, tặng quà cho bà con, đồng bào dân tộc vùng cao Hà Giang vì bà con nghèo đói, thiếu thốn quá.

Nhưng sau đó, bà Thực chia sẻ: “Đến một ngày tôi chợt nhận ra, mình không thể giúp người dân bằng cách đó được, làm như vậy khiến họ có tâm thế ỷ nại, chờ sẵn, không vận động, lao động, nỗ lực. Cái cần nhất, đó là trao cho họ một động lực mạnh mẽ làm giàu, chỉ cho họ phương hướng, đường đi, rồi sau đó họ tự đi. Hà Giang rất giàu tiềm năng, và tôi nhận thấy không có lý do để người dân nghèo trên mảnh đất ấy”.

Thiếu nữ Dao đỏ Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) và sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết từ bản làng.

Thiếu nữ Dao đỏ Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) và sản phẩm chè cổ thụ shan tuyết từ bản làng.

Những ngày tiếp theo, bà Thực đã gặp gỡ lãnh đạo các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì để “hiến kế” giúp người dân thoát nghèo, từ chính những nguồn lực tại chỗ của địa phương. Chìa khoá để giải quyết vấn đề này, theo bà Thực, đó là phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.

“Tôi chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo địa phương, là với địa hình núi non hiểm trở, đường sá xa xôi, trình độ văn hoá dân cư thấp như hiện tại…, các anh ấy không trông chờ phát triển công nghiệp, và cũng không có nhà đầu tư nào dám lên vùng núi khó khăn như này để mở nhà máy sản xuất công nghiệp.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - chìa khóa làm giàu bền vững ở Hà Giang.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn - chìa khóa làm giàu bền vững ở Hà Giang.

Cái cần làm, đó là tập trung những thế mạnh cây con tại chỗ, nâng tầm sản phẩm lên để có thương hiệu, từ đó cải thiện thu nhập cho người dân. Cùng với phát triển nông nghiệp, kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá. Cùng với các danh thắng, di sản…, nông nghiệp bản địa là thứ giữ chân du khách”.

Bây giờ, những mô hình làng văn hóa – du lịch cộng đồng nông thôn đang sinh sôi, nảy nở trên các cao nguyên của Hà Giang đang minh chứng cho nhận định đúng đắn ấy.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất