| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang kỳ bí [Bài 4]: Biến chuồng bò thành bungalow đón khách du lịch

Thứ Năm 29/06/2023 , 06:22 (GMT+7)

Bản Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) đang râm ran phong trào di dời chuồng nuôi ra xa nhà ở, biến chuồng bò thành bungalow để đón khách du lịch lưu trú.

Điều tuyệt vời này như một làn gió mát lành thổi tới nhiều bản làng của Hà Giang.

Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai. Ảnh: Đào Thanh.

Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai. Ảnh: Đào Thanh.

Chuồng nuôi bò thành bungalow

Bài liên quan

Một buổi chiều giữa tháng 5, chúng tôi cùng Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là ngược đường vào Lũng Cú. Đứng ở bản Lô Lô Chải nhìn qua một thung lũng rộng và đẹp, cột cờ Lũng Cú sừng sững, uy nghi và hiên ngang nơi tột cùng cực Bắc.

Nắng chiều hắt nghiêng khiến mái ngói đỏ trên những ngôi nhà tường trình của người Lô Lô bỗng trở nên bừng sáng. Những bức tường đất cũng vàng rộm hơn dưới nắng chiều. Bản Lô Lô Chải là quê hương của cán bộ Xoáng, người vừa được huyện phân công về xã Sủng Là làm Chủ tịch xã, cách bản Lô Lô Chải chừng 40km.

Bản Lô Lô Chải có 119 nóc nhà, nhưng đã có 42 hộ dân làm du lịch, trong đó 32 nhà đang đón khách, 10 ngôi nhà khác đang được tu sửa, sắp đưa vào vận hành.

Lô Lô Chải là thôn điểm được chọn làm du lịch ở Lũng Cú, bên cạnh những làng văn hóa nổi tiếng như Nặm Đăm (Quản Bạ), Lũng Cẩm (Đồng Văn)…

Con ngõ nhỏ dẫn khách đi từ nhà này xuyên sang nhà khác, vì ở đây không nhà nào làm tường rào ngăn cách. Những ngôi nhà được tu sửa, trang trí đẹp mắt nhưng vẫn toát lên vẻ giản dị, gần gũi và đậm bản sắc văn hóa người Lô Lô: nền nhà vẫn là nền đất nện, đi chân đất mát lạnh.

Chiếc bàn gỗ mộc làm thủ công, những chiếc ghế tre đơn sơ, bình hoa từ những lọ thủy tinh hay vỏ những chai bia… Ngoài khoảng sân hẹp và nhỏ, hay trước hiên nhà trồng một khóm hoa báo mưa, những bông hoa tím nhỏ nhắn hướng theo chiều nắng hay một khóm hoa mào gà đỏ rực.

Cái khó nhất ở Lô Lô Chải khi làm du lịch, đó là đất ở rất chật chội. Mỗi hộ chỉ có một ô đất nhỏ, trong đó phân chia một khoảnh làm vườn trồng rau, chỗ để làm chuồng nuôi bò... Con bò là tài sản quý giá nhất của người đồng bào, do đó chuồng của nó phải sát nơi ở của người, để dễ bề bảo vệ, trông coi.

Nhưng, cái chuồng bò cũng mang lại nhiều phiền toái, mất vệ sinh và gây mùi hôi thối. Với người Lô Lô ở mãi đã thành quen, không còn khó chịu. Nhưng, với khách du lịch thì không thể để như vậy.

Dãy bungalow của gia đình Sình Dỉ Gai trước đây là khu chuồng bò...

Dãy bungalow của gia đình Sình Dỉ Gai trước đây là khu chuồng bò...

Bên trong một bungalow vừa hoàn thành. Ảnh: Đào Thanh.

Bên trong một bungalow vừa hoàn thành. Ảnh: Đào Thanh.

Cuối năm 2022, xã ra chủ trương vận động người dân di dời chuồng nuôi ra xa khu dân cư, để không gian sạch sẽ làm du lịch. Ban đầu, nhiều người e ngại vì lo sợ không có người trông coi, kẻ gian sẽ dắt trộm bò.

Giải tỏa nỗi lo đó, xã cam kết sẽ tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, lắp đặt thiết bị camera giám sát… Thế là chuồng bò lần đầu tiên được di dời ra khỏi bản.

Khách du lịch đến thăm làng cổ Lô Lô Chải. Ảnh: Đào Thanh.

Khách du lịch đến thăm làng cổ Lô Lô Chải. Ảnh: Đào Thanh.

Trên đất đặt chuồng bò trước đây, người dân biến nó thành bungalow khép kín, mỗi phòng có diện tích 6 – 10m2, đủ để một gia đình nhỏ lưu trú, có một không gian riêng tư không giống như phòng cộng đồng nghỉ tập thể.

“Du khách đến, chúng tôi sẽ giới thiệu: trước đây nó là chỗ làm chuồng bò đấy, giờ người Lô Lô đã dắt con bò đi chỗ khác. Rất nhiều người thích thú, muốn trải nghiệm cảm giác ngủ trên khu đất trước là chuồng bò như thế nào. Nhiều người, nhất là khách Tây nói với tôi: tôi sống đến chừng này tuổi rồi nhưng chưa có cảm giác ở tại một cái chuồng nuôi bò như thế nào. Tôi muốn được trải nghiệm cảm xúc ấy” – anh Gai cho hay. Trưởng thôn Lô Lô Chải Sình Dỉ Gai vừa mới sửa lại khu chuồng bò của gia đình để làm những căn bungalow đón khách du lịch.

Trước đây người Lô Lô thường làm chuồng chăn nuôi lợn, bò gần khu nhà ở của mỗi hộ dân. Từ ngày du lịch phát triển về làng, người dân nhận thức rằng nếu chăn nuôi như thế sẽ có mùi hôi và mất vệ sinh nên các nhà đã chuyển khu chăn nuôi ra xa.

Nhóm bạn trẻ tới Lô Lô Chải. Ảnh: Đào Thanh.

Nhóm bạn trẻ tới Lô Lô Chải. Ảnh: Đào Thanh.

Sình Dỉ Gai lại xung phong. Dắt con bò ra khu ruộng ở rìa bản để nhốt thả ở đó, anh sửa lại khu chuồng bò thành 4 cái bungalow bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, phía bên ngoài tường nhà được anh xếp bằng những viên ngói chồng lên nhau tạo điểm nhấn độc đáo riêng của ngôi nhà. Bên trong, Gai dùng những thanh gỗ nhỏ tròn xếp vào nhau tạo hoa văn, hình khối lạ mắt.

Học theo anh Gai, nhiều hộ ở làng Lô Lô Chải cũng sửa lại khu chuồng chăn nuôi thành những homestay lạ mắt. Thế là phong trào dời chuồng nuôi bò để làm bungalow lưu trú bắt đầu râm ran khắp bản Lô Lô Chải. Nó như một cơn gió mát lành mang tới những niềm vui mới về Lũng Cú.

Phòng cộng đồng, khách trả 150 ngàn đồng/người để nghỉ một đêm. Còn bungalow phòng riêng có giá lưu trú 600 ngàn đồng nhưng rất nhiều người muốn trải nghiệm. Hiệu quả kinh tế nhìn thấy ngay được, cả bản Lô Lô Chải cùng hào hứng…

Người đầu tiên “mang đệm vào nhà cho khách ngủ”

Sình Dỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải là một người đàn ông rắn chắc. Cùng với Vàng Dỉ Xoáng, Gai là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch cộng đồng, mà nói theo cách nói của người Lô Lô, đó là dám “mang đệm vào nhà trải cho khách ở lại”.

Ngôi nhà cổ tường trình đất ở Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

Ngôi nhà cổ tường trình đất ở Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

Đầu năm 2012, Hà Giang tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Nông thôn mới. 10 tiêu chí được đưa ra trong “Tuyên bố Panhou”: xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú; có làng nghề truyền thống; đảm bảo phục vụ lưu trú; có Hội Nghệ nhân dân gian… Lô Lô Chải là một trong số những làng văn hóa được chọn để thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.

Khi đó, một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sỹ tài trợ cho 9 hộ gia đình ở bản Lô Lô Chải làm kinh tế theo mô hình: 3 hộ làm du lịch cộng đồng – homestay; 3 hộ chăn nuôi chuồng trại; 3 hộ làm dịch vụ ăn uống. Tiêu chí đưa ra: chọn những gia đình có nhà đất - tường trình, vì đó là những ngôi nhà cổ của người Lô Lô ở Lũng Cú.

Nhưng, không ai dám nhận. Ngày đó, để khách lạ vào nhà mình và ở lại, bản Lô Lô Chải chưa có trong tiền lệ, cũng như còn rất nhiều tục lệ khác ràng buộc, khiến cuộc sống của những bản làng ở Cao nguyên đá dường như có xu hướng hướng nội và khép kín.

Những ngôi nhà đang được chuẩn bị dựng lên...

Những ngôi nhà đang được chuẩn bị dựng lên...

để tham gia làm du lịch ở bản Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

để tham gia làm du lịch ở bản Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

Vàng Dỉ Xoáng lúc đó là Phó chủ tịch xã Lũng Cú. Sình Dỉ Gai là trưởng thôn. Xã yêu cầu Xoáng và anh Gai gương mẫu, xung phong làm thí điểm. Nhà Xoáng và Gai là những ngôi nhà đầu tiên ở bản Lô Lô đón khách tới nhà, ở lại lưu trú…

Đến bây giờ thì cả bản Lô Lô Chải đang hừng hực phong trào làm homestay để kinh doanh du lịch cộng đồng. Hướng đi này đã chứng tỏ sự đúng đắn và cực kỳ hiệu quả: “Ngày trước chưa làm du lịch, chỉ trồng ngô và lúa, số hộ nghèo ở bản nhiều lắm. Chục năm nay không còn hộ nghèo nữa. Một ngày, mỗi nhà đón 5 – 6 khách ở lại, có ngày có khách đoàn vài chục người. Như thế, thu nhập kinh tế hơn rất nhiều với trồng ngô” – trưởng thôn Gai cho biết.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Đứng ở khu ruộng trước cửa nhà Xoáng nhìn thấy rõ mồn một lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió, tưởng như giơ tay có thể chạm được lá cờ.

Nhóm du khách nước ngoài chiều muộn vẫn tìm xuống bản Lô Lô. Ảnh: Kiên Trung.

Nhóm du khách nước ngoài chiều muộn vẫn tìm xuống bản Lô Lô. Ảnh: Kiên Trung.

Trong số 119 hộ dân của Lô Lô Chải, 42 hộ làm homestay, bungalow. Đi khắp trong làng, nhiều hộ gia đình cũng đang rậm rịch đổ móng, đẽo cây làm cột nhà chuẩn bị dựng thêm những ngôi nhà mới. Các hộ còn lại tập trung trồng trọt, chăn nuôi. Dường như, trưởng thôn Gai đã vận động bà con chuyên canh theo hướng: khu vực trồng rau, khu vực chăn nuôi…, tất cả lại cung cấp cho các gia đình kinh doanh du lịch. Vậy là thành một chuỗi liên kết và khép kín. Khách ngủ lại Lô Lô Chải có thể cùng trải nghiệm cuộc sống với người dân, có thể trồng rau, hái rau với người Lô Lô.

Bên trong bản làng thâm trầm và cổ kính, cuộc sống thường nhật của người dân như được đem ra “trưng bày” giữa ban ngày để du khách hiểu hơn về văn hóa. Bên khung cửa, những người phụ nữ Lô Lô trong trang phục truyền thống thoăn thoắt thêu, dệt những tấm vải thổ cẩm đa sắc.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ bản Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

Cột cờ Lũng Cú nhìn từ bản Lô Lô Chải. Ảnh: Kiên Trung.

Đứng ở bản Lô Lô Chải, bạn sẽ thấy rõ cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh tung bay trên đỉnh núi Rồng, trên bạt ngàn cao nguyên đá Đồng Văn!

Nhờ kỹ năng nghề độc đáo được bảo tồn, năm 2022, tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lô Lô Chải cũng xây dựng được Hội nghệ nhân dân gian. 26 điệu múa dân gian được diễn tấu bởi trống đồng trong các làn điệu hát ru, hát đám cưới, hát giao duyên... được đem ra biểu diễn phục vụ khách. Những loại hình văn hóa dân gian phong phú này là chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch mang thương hiệu Lô Lô Chải.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.