Hút thuốc lào, uống rượu để mặt trời không lặn sớm
Hơn 40 năm trước, cô gái trẻ quê ở Bắc Giang Nguyễn Thị Minh Lý lên huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang dạy học theo tiếng gọi của cao nguyên.
Những gương mặt lấm lem của học sinh vùng cao, những con đường mòn lởm chởm đá vắt trên đỉnh núi nhiều lần khiến bàn chân bật máu; những bữa ăn chỉ có mèn mén nguội ngắt chan với nước lã làm no khi bụng sôi lên vì đói... ám ảnh thôi thúc chị ở lại vùng đất này. Rồi chị kết duyên với một chàng trai người dân tộc Tày bản địa.
Từ ngày ấy, chị trở thành chị dâu của cả núi rừng. Ở với núi rừng, chị đã trở thành một cô gái Nùng, cô gái Mông, cô gái Dao…
Mới đó đã gần 40 năm...
Miệng ngậm chiếc điều cày, bà Lý rít một hơi thật sâu, rồi thả lỏng tâm hồn theo làn khói. Thấy tôi ngạc nhiên bà cười hiền: Bản làng vùng cao dạy đấy, hút nhiều, hút lâu quen rồi không muốn bỏ.
Bà bảo, với tôi ở các làng người Nùng, người La Chí, người Mông… hầu như người dân chẳng cần biết cán bộ là ai, chức vụ to như thế nào? Cán bộ không nói khéo dân chẳng cần tiếp lời, không cho bước qua bậc cửa để vào nhà dù trời đã sâm sẩm tối. Dân bản luôn nghĩ, việc lo giải quyết xóa đói nghèo, lạc hậu là của cán bộ.
Qua nhiều nước, ấm nước trà đã nhạt thếch. Bếp lửa nóng rừng rực cũng mấy lần phải thay củi mà cái đầu người bản vẫn chưa nghe theo. Ông chủ nhà người Nùng vẫn đều đều rít từng hơi thuốc lào rồi nhả khói nghi ngút. Vẫn cái giọng thủng thẳng: Mặt trời lặn đi rồi lại sáng ra. Còn phải đến với bà con nhiều lần cán bộ ạ!
Tạm gác chuyện chính sách, bà Lý ngỏ ý xin một điếu thuốc lào, và bà hút được. Sau điếu thuốc lào ấy, can rượu ngô ở góc nhà đã được mang ra, những bát rượu nâng lên rồi cạn hết.
Từ đó những chủ trương của Đảng và Nhà nước bỗng trở nên gần gũi với dân bản như những điếu thuốc lào, như những bát rượu ngô. Cuộc sống ấm no cũng dần hiện hữu với bản làng.
Gần gũi với bà con, bà Lý có nhiều chất liệu, nhiều thông tin ở các bản làng về vùng đất này. Cũng bởi thế, những năm tháng làm cán bộ quản lý Văn hóa của huyện, rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy bà đã góp công phát hiện, quảng bá và công nhận nhiều di tích, nhiều làng văn hóa du lịch; xây đắp sườn cho nhiều tua tuyến du lịch của địa phương.
Như bãi đá cổ Nấm Dẩn, Khu du lịch sinh thái đèo Gió thác tiên, suối nước nóng Quảng Nguyên, làng văn hóa Chế Là, làng văn hóa Tả Nhìu… Khi đã nghỉ chế độ, bà vẫn thường nhận được lời mời về dự các nghi lễ trọng đại ở bản làng, hay ở một nhà dân.
"Khi đã được dân bản quý thì cả con gà đang ấp trứng trên ổ người ta cũng mang xuống thịt cho ăn. Nhưng lần nào đến với bà con mình cũng bảo nhà mình làm nghề thầy cúng kiêng sát sinh, chỉ xin được ăn cơm rau hoặc mèn mén. Bằng những thức ăn giản dị ấy, mình được dân nuôi cả tháng trời. Và cũng chính những thứ thức ăn giản dị ấy, bao nhiêu vướng mắc về chuyện học, về hủ tục lạc hậu, về tập quán canh tác đã được chính quyền đồng hành cùng người dân gỡ rối", bà Lý bộc bạch.
Bãi đá cổ nghìn tuổi
Chiếc xe máy gầm gào đưa chúng lên đỉnh đèo Gió cao hơn 1.300m. Hơn 10 giờ trưa mà những đám mây chẳng chịu rời khỏi lùm cây, mặt trời cũng chưa kịp soi bóng. Dường như nắng nóng đã bỏ quên nơi này hoặc nơi này từ chối tiếp nhận nó. Cách nhau chưa đầy 4km đường đèo núi mà tôi ngỡ mình như đang bước vào một mùa khác của dải đất này; hòa vào một thế giới khác, thế giới thiên nhiên thuần khiết.
Nắng lên cao, vén màn sương ra khỏi đỉnh trời, dưới thung lũng hiện ra những thửa ruộng bậc thang được nắng soi rọi như những sợi tơ phủ vàng óng ả. Các bản làng của người Nùng, người Dao, người Mông… đều nằm ở dưới đấy.
Những ngôi làng tồn tại từ đời này nối sang đời khác. Những ngôi làng không ai đoán nổi bao nhiêu năm tuổi. Chỉ biết rằng ở vùng đất này có một ngôi làng mang trên mình bãi đá cổ với những ký tự mà các nhà khảo cố học về nghiên cứu bảo rằng nó tồn tại cả nghìn năm trước. Đó là làng Nấm Dẩn của người Nùng.
Cả huyện Xín Mần mùa này đang khát nước, mấy tháng nay trời không cho mưa. Trên mỗi mảnh ruộng bậc thang, những cây ngô xơ xác quắt queo héo. Các bãi soi dọc bờ suối Nấm Dẩn người dân trong xã cũng chẳng thể cấy cầy. Bởi các con suối, dòng sông cạn trơ đáy. Người Nùng ở Nấm Dẩn bảo con suối quê mình đang ngủ. Những năm trước nó chỉ ngủ từ mùa đông, qua mùa xuân và đến mùa hè là thức dậy. Nước từ trên trời, trên đỉnh núi rủ nhau kéo về dập dềnh trên ghềnh đá. Nhưng năm nay mưa ít, lại thêm những nhà máy thủy điện mọc lên chặn dòng thì con suối cứ ngủ mãi chưa thấy tỉnh giấc.
Những dòng sông, dòng suối dưới thung cạn trơ đáy, trên núi cao suối Nậm Khoòng bắt nguồn từ 2 ngọn núi Tây Ðản và Nấm Dẩn dòng nước róc rách chảy qua những khe đá. Nước gầm gào trên những dốc đá thẳng đứng. Nước trong xanh hiền hòa theo những phiến đá tự quây mình thành một chiếc ang lớn…
Dòng suối Nậm Khoòng còn theo đường ống dẫn về các nhà làm nước sinh hoạt, rồng rắn quanh những con mương rồi chạy xồng xộc vào đám ruộng cho cây lúa xanh tốt bời bời. Người dân địa phương vẫn thường gọi bãi ruộng nơi được dòng suối tưới mát ấy là Nà Lai - nghĩa là ruộng nhiều chữ.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn cũng nằm cạnh con suối đó, tựa vào lưng núi, quyện mình vào những nương ngô, ruộng lúa mà cùng tồn tại với làng của người Nùng.
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xín Mần Nguyễn Thị Minh Lý hiểu ngọn ngành chia sẻ rằng, bãi đá cổ, dòng suối Nậm Khoòng, cánh đồng Nà Lai là những hình ảnh thân thuộc và thiêng liêng của người làng Nấm Dẩn. Nó cũng thiêng liêng và huyền bí như câu chuyện về con ếch khổng lồ ở vùng đất này.
Khoảng đầu những năm 2000, ông Lù Văn Ngán, người làng Nấm Dẩn bắt được con ếch khổng lồ. Nó nặng hơn 5kg, trên lưng có màu xanh, dưới bụng nhiều hoa văn lạ lẫm. Ông Ngán gọi người làng đến xem nhưng không ai dám làm thịt, bảo nó là con ếch của thần đá, thần rừng. Ông Ngán thả nó về với những hang đá. Sau hôm ấy, tiếng ếch cứ nối liền vào nhau kêu suốt ba ngày ba đêm. Người già không ngủ được, đám trẻ mải miết tò mò. Người làng bảo nhau đi tìm con ếch khổng lồ trong các hốc đá. Không tìm thấy con ếch, nhưng câu chuyện về những ký tự lạ kỳ trên bãi đá bắt đầu râm ran khắp làng.
Xác minh thực hư câu chuyện, bà Lý cùng cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, sau đó cả PGS.TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã ở lại Nấm Dẩn cả tháng trời để tìm hiểu nghiên cứu. Người ta đưa ra những thông tin rằng, nơi đây đã phát hiện 7 phiến đá có chạm khắc cổ và 2 di tích cự thạch (đá lớn) có niên đại khoảng 2.000 năm.
Trên một số tảng đá có hình khắc vẽ, các nhà nghiên cứu tạm chia các hình khắc vẽ trên thành 7 nhóm: Các dạng hình học như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, họa tiết giữ vai trò chủ thể. Nhóm hình hoa văn vuông và tròn. Nhóm những vạch đục khắc song song. Nhóm biểu tượng sinh thực khí, hầu hết là biểu tượng nữ tính, với hình tam giác có rãnh dọc ở giữa. Nhóm hình bàn chân người với kích thước như thật, ngón chân khắc lõm sâu vào trong đá. Nhóm hình người trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân như trong các bích họa thời tiền sử. Nhóm hình khắc chưa xác định hình dáng.
Từ ngày phát hiện ra bãi đá cổ, rồi được công nhận di tích, nhà nước đã xây dựng đường bậc bê tông lên xuống, quây rào bảo vệ từng phiến đá. Các ký tự trên những phiến đá cự thạch, phiến đá có bản đồ thế giới, phiến đá lạ, phiến đá có ký tự cổ… là minh chứng tự hào cho nền văn hóa của tổ tiên người Việt rực rỡ một thời. Những phiến đá cổ như là gợi ý giúp thế hệ mai sau vén bức màn về những thông điệp của cổ nhân, của lịch sử loài người.
Ngày 21/2/2008, Di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn, huyện Xín Mần được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là di tích thứ 2 sau bãi đá cổ Sa Pa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Di tích hầu như được bảo tồn nguyên trạng.
Cho đến nay ở Việt Nam, những dấu tích nghệ thuật bích họa thời Tiền - Sơ sử còn tìm thấy khá ít. Cùng với đó, tại nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của cộng đồng dân tộc Nùng như: Lễ cúng thần đá, lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần suối.