Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050.
Nhằm hiện thực hóa những lợi thế và tiềm năng của "Vùng đất Chín Rồng", rất cần sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có Hà Lan.
18 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đã được các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam - Hà Lan công bố trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh ĐBSCL. Qua đó, không chỉ là cơ hội giúp ĐBSCL phát triển bền vững hơn, mà còn nhằm cụ thể hóa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hà Lan.
"Dự án DeltaVax" được ký kết giữa Fresh Studio BV, PHARMAQ, De Heus Vietnam, Đại học Cần Thơ và Fresh Studio Innovations Asia, nhằm chuyển đổi chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL. Dự án tập trung vào việc cải thiện chuỗi giá trị cá tra bằng cách tăng khả năng tiếp cận tiêm chủng, nâng cao kiến thức, kỹ năng và tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tạo cơ hội kinh doanh mới, việc làm lâu dài và thúc đẩy các hoạt động bền vững để phát triển kinh tế, bền vững của ngành.
"Dự án Xây dựng các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL" do Đại sứ quán Hà Lan và Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan tài trợ, do Tổ chức hợp tác xã Hà Lan (Agriterra) triển khai giúp nông dân, HTX nuôi tôm, cá tra quy mô nhỏ ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu hòa nhập và có khả năng huy động vốn.
Van Oord, Rynan Aquaculture, Larive International và OpenAsia hợp tác phối hợp tiên phong triển khai nuôi trồng thủy sản dựa vào rừng ngập mặn ở khu vực ĐBSCL, thành lập một địa điểm thử nghiệm và thí điểm chuyên dụng để tối ưu hóa việc áp dụng rừng ngập mặn trong nuôi tôm. Đây là một bước quan trọng nhằm cân bằng năng suất nuôi trồng thủy sản, bảo tồn rừng ngập mặn, mang lại lợi ích cho cả hệ sinh thái và cộng đồng.
Ngân hàng Phát triển Doanh nhân Hà Lan (FMO) tài trợ khoản vay dự kiến 15 triệu USD cho Công ty Cổ phần Camimex triển khai dự án "Phát triển tôm rừng bền vững DFCD-Camimex". Camimex sẽ triển khai kế hoạch mở rộng nuôi tôm hữu cơ bằng cách tìm nguồn cung tôm từ thêm 3.000 hộ nuôi tôm rừng ngập mặn, trên diện tích 10.000 ha.
Ngân hàng Phát triển Doanh nhân Hà Lan (FMO) hỗ trợ Tập đoàn Lộc Trời khoản vay hợp vốn trị giá 90 triệu USD thực hiện "Giải pháp Hộp Trời 1ha", với quy trình canh tác toàn diện bao gồm các kỹ thuật xử lý hạt giống và bảo quản sản phẩm cho người nông dân trồng lúa.
Quỹ tác động Triple I đầu tư 1 triệu Euro cho Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) nhằm thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tính toàn diện và đa dạng cho nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL, thông qua việc phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa hữu cơ.
"Dự án PROCAS - thúc đẩy chế biến sắn tuần hoàn thành Protein với nguồn nước bền vững" giữa nhà sản xuất tinh bột sắn Yên Bình (Việt Nam), nhà cung cấp thiết bị sắn Stamex (Thái Lan) và nhà cung cấp công nghệ Colubris Cleantech BV (Hà Lan). Qua đó, nhằm giảm thiểu tác động môi trường của ngành sắn bằng cách khai thác công nghệ chiết xuất protein cải tiến của Colubris để thu hồi các protein có giá trị từ nước ép sắn.
Chương trình "Gắn kết thanh niên ĐBSCL" giữa The Water Agency, Đại học Trà Vinh và Hiệp hội các trường Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam. Chương trình truyền cảm hứng và thu hút sinh viên cũng như các chuyên gia trẻ tuổi giải quyết những thách thức liên quan đến nước ở đồng bằng thông qua các hoạt động như bài tập dự án (quốc tế), thực tập, đào tạo kỹ năng, chơi game nghiêm túc và thử thách đổi mới.
Stichting Deltares và Phòng Quy hoạch & Điều tra Tài nguyên Nước miền Nam Việt Nam hợp tác, nhằm giải quyết thách thức suy giảm nguồn nước ngọt ở khu vực miền Nam Việt Nam, đặc biệt ở ĐBSCL, bằng các giải pháp sáng tạo để lưu trữ và bổ sung nước ngọt.
Greenant và Eurofins Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chung vì thương mại bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhằm thiết lập quan hệ đối tác độc quyền để cung cấp các chứng nhận Quy định về phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) và các giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng tiên tiến tại Việt Nam và Indonesia.
ESG Wings BV và Tập đoàn KLC hợp tác xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Hai công ty cùng với nông dân, HTX, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu sẽ tuân thủ tất cả các quy trình thực hành chuẩn trong toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến bàn ăn trên các ứng dụng kỹ thuật số.
ShrimpTech Vietnam được hợp tác bởi Larive International, Skretting, TipTopp Aquaculture, RYNAN Smart Aquaculture, ShrimpVet và OpenAsia Group phát triển một dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành tôm ở Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và lợi nhuận của ngành tôm.
Miss Linh, VCHO và Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Cục xúc tiến thương mại Việt Nam - Bộ Công Thương) hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững.
Miss Linh và LACÀPH hợp tác vì một nền văn hóa cà phê Việt Nam vững chắc. Qua đó, quảng bá cà phê Việt Nam ở châu Âu, ưu tiên thực hành công bằng và phúc lợi của nông dân Việt Nam quy mô nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm của người dùng Châu Âu.
Ngoài ra, còn có các hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng sân bay quốc tế Long Thành; bệnh viện thông minh; củng cố vị thế của các sản phẩm tiêu dùng làm từ sữa dê Kabrita.