Việt Nam thu hút 6 nguồn lực giúp nông nghiệp ĐBSCL chuyển đổi thuận thiên. WB đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam từ bán tín chỉ cacbon. Việt Nam - Hà Lan ký 18 thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ĐBSCL. Nhiều lô sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo
Việt Nam kêu gọi hỗ trợ nguồn lực giúp nông nghiệp ĐBSCL chuyển đổi thuận thiên
Thông qua hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL vào chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam 6 nguồn lực liên quan đến các lĩnh vực về công cụ đánh giá cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; Các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các Dự án tại ĐBSCL; Hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các chương trình, dự án liên quan đến BĐKH; cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận… Các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên. Kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp khu vực ĐBSCL. Đồng thời nhân rộng các mô hình thuận thiên đã triển khai. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam.
WB đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam từ bán tín chỉ cacbon
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trị giá thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) khi bán được 10,3 triệu tín chỉ cacbon rừng trong giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019.
Thông tin trên được Ngân hàng Thế giới công bố vào sáng nay. Đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ Quỹ Đối tác Cacbon Lâm nghiệp cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng. Đồng thời tạo ra bước ngoặt để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ cacbon toàn cầu cũng như thu hút nguồn lực để thực hiện các cam kết của quốc gia.
Việt Nam - Hà Lan ký 18 thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ĐBSCL
Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam - Hà Lan lần thứ ba diễn ra tại TP.HCM ngày 21/3, đã có 18 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan được ký kết trong nhiều lĩnh vực nhằm hiện thực hóa tiềm năng của Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Các dự án tập trung để phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng lúa; hỗ trợ gắn kết thanh niên.
Đặc biệt là hợp tác giải quyết thách thức suy giảm nguồn nước ngọt, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cũng thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững và nỗ lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Hà Lan và Châu Âu trong thời gian tới.
Nhiều lô sầu riêng Việt Nam bị Trung Quốc cảnh báo
Vụ Kiểm dịch Động – Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ra cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.
Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ các nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.